Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Trung ương cần nhưng địa phương chưa vội!!!
Ngày cập nhật 18/10/2010

Trong chuỗi mắt xích liên kết giữa các phân hệ của ngành Tài chính (gồm Thuế - Kho bạc - Hải quan - Chứng khoán - Dự trữ - Tài chính) ở cấp địa phương, thì phân hệ Tài chính thường bị đánh giá là «lép vế» hơn về khả năng ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ nếu so với phân hệ của Thuế, Kho bạc và Hải quan.

 

Câu chuyện triển khai "kết nối" ở các Sở Tài chính (STC) và Phòng Tài chính - Kế hoạch (PTC) dưới đây là một minh chứng cụ thể mà qua đó có thể phần nào làm rõ căn nguyên tại sao các cơ quan Tài chính địa phương thường "chậm chân" trong triển khai ứng dụng CNTT.

 

 

Kết nối - Xu thế tất yếu

Nội hàm của khái niệm “kết nối” trong bài viết này bao gồm 2 bộ phận cấu thành: Hệ thống mạng hạ tầng truyền thông nhằm triển khai kết nối đa chiều giữa các cấp Trung ương - tỉnh - huyện (dữ liệu từ máy chủ của PTC được gửi đến máy chủ của STC, rồi kết nối lên Trung ương, hoặc cũng có những ứng dụng có thể kết nối trực tiếp từ PTC lên cấp Trung ương…) và Hệ thống mạng LAN (hệ thống mạng nội bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, gồm có các thiết bị như máy chủ, máy trạm…).

Có thể nói "kết nối" là yếu tố không thể thiếu trong "hành trình" hiện thực hoá mục tiêu cơ bản của ứng dụng CNTT ngành Tài chính giai đoạn 2009 – 2010: xây dựng hệ thống thông tin quản lý tài chính hợp nhất từ trung ương đến địa phương, duy trì nâng cấp các hệ thống tác nghiệp hiện tại đảm bảo đáp ứng tối đa yêu cầu đổi mới nghiệp vụ và cải cách hành chính.

Trên thực tế, thời gian qua, Bộ Tài chính đã và đang triển khai hàng loạt dự án CNTT, trong đó có các dự án trọng điểm. Chẳng hạn như Dự án triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (gọi tắt là TABMIS), cấu phần lớn nhất của dự án Cải cách quản lý tài chính công, đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì triển khai trong khuôn khổ “Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010”. Mục tiêu của dự án TABMIS nhằm hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN) từ khâu lập kế hoạch, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách; nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính công, đảm bảo an ninh tài chính.

Hoặc Dự án Tin học hóa ngành Thuế - xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế theo hướng tập trung thống nhất đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ chế quản lý của ngành thuế từ quản lý sang phục vụ; tăng cường hỗ trợ các khâu kiểm tra giám sát, hạn chế các hành vi gian lận về thuế, chống thất thu ngân sách và thực hiện công bằng giữa các đối tượng nộp thuế; hiện đại hóa quy trình thu nộp ngân sách giữa các cơ quan thuế - hải quan - kho bạc - tài chính.

Hay Hệ thống thông tin thống kê tài chính và dự báo tài chính quốc gia (SFSS), gồm thông tin về lĩnh vực NSNN, dự trữ quốc gia, tài sản công, nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ, tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, giá cả, thị vốn, quỹ chính sách, và quỹ chính sách tài chính.   

Các dự án này đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ cũng như  khả năng «kết nối » của các cơ quan quản lý tài chính địa phương như Sở tài chính, Phòng tài chính.

 

"Mắt xích" còn yếu

Để có thể tham gia một cách thống nhất và tốt nhất vào hoạt động triển khai các dự án CNTT của ngành Tài chính, các cơ quan Tài chính địa phương cũng cần phải đầu tư và được đầu tư đúng mức, đặc biệt là về khả năng "kết nối". Thế nhưng trên thực tế, hầu như các cơ quan Tài chính địa phương chỉ thụ động nhận đầu tư từ cấp Trung ương hoặc các cơ quan khác có liên quan, dẫn tới tình trạng manh mún, không đồng bộ, giảm hiệu quả. Trong khi việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan thuế, kho bạc, hải quan... đã được chú trọng rất nhiều, thì đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các STC, PTC vẫn còn khá khiêm tốn.

Có 2 dẫn chứng cụ thể cho nhận định rằng khối các cơ quan Tài chính địa phương vẫn đang là "mắt xích yếu":

Thứ nhất là hệ thống mạng nội bộ: Đến nay, các phân hệ Thuế, Kho bạc, Hải quan đã xây dựng mạng nội bộ có cấu trúc, đảm bảo tốt các dịch vụ nền tảng như hệ thống người dùng, hệ thống thư mục chuẩn đảm bảo hoạt động thường xuyên tại các đơn vị và trao đổi chung toàn ngành. Riêng đối với STC và PTC, Bộ Tài chính đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ và lắp đặt hệ thống chống sét đường mạng cho các STC từ năm 2002, đến nay, hệ thống đã hoạt động ổn định, nhiều STC đã chủ động mở rộng số node mạng để đáp ứng số lượng cán bộ hiện có, tuy nhiên, ngoại trừ các PTC được đầu tư theo dự án CNTT của Bộ và STC, vẫn còn nhiều PTC cơ bản chưa có mạng nội bộ, do đó, các phần mềm ứng dụng chuyên ngành chỉ cài được trên máy tính đơn lẻ, chưa phát huy được hiệu quả.

Thứ hai là về trang thiết bị, theo số liệu thống kê năm 2009 của Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, toàn ngành Tài chính đã có 3.894 máy chủ, 1.778 mạng LAN, 54.975 máy PC, đạt tỷ lệ trang bị máy PC/cán bộ trung bình là 0.86, đáp ứng cơ bản yêu cầu của cơ quan Kho bạc, Hải quan, Thuế. Các STC và PTC cũng đã được đầu tư trang thiết bị song số lượng còn hạn chế. Cụ thể, về máy chủ, mỗi STC có trung bình 2 máy (đưa vào sử dụng từ năm 2002 và 2005), đến nay đều đã hết bảo hành và thường bị trục trặc. STC chưa có hệ thống sao lưu, lưu trữ dữ liệu để dự phòng cho các máy chủ khi bị hỏng. Ngoại trừ các PTC được đầu tư 1 máy chủ theo dự án CNTT của Bộ Tài chính, thì vẫn còn không ít STC, PTC khác chưa có máy chủ.

Về máy trạm, mỗi STC trung bình có 40 chiếc, trong đó nhiều máy đã hết khấu hao, cần thay thế. Mỗi PTC có trung bình 5 chiếc, chủ yếu là hàng hóa lắp ráp trong nước, với số lượng trung bình 12 người/PTC thì số lượng máy vi tính này chưa đáp ứng yêu cầu. Các STC và PTC cũng đã chủ động đầu tư máy tính xách tay, máy in và các thiết bị khác để phục vụ công tác chuyên môn, song số lượng chưa nhiều.

Một điểm cần lưu ý khác nữa là theo quy trình chuẩn thì Bộ Tài chính (Cục Tin học & Thống kê tài chính) chịu trách nhiệm triển khai, hỗ trợ ứng dụng CNTT cho STC. Các STC chịu trách nhiệm triển khai và hỗ trợ tiếp cho PTC các quận, huyện và Ban tài chính các xã, phường. Tuy nhiên, việc triển khai của STC cho các đơn vị cấp dưới còn gặp nhiều khó khăn do không có bộ phận chuyên trách và cán bộ chuyên môn về CNTT. 

Để tăng cường cho «mắt xích» cơ quan Tài chính địa phương, năm 2009, Bộ Tài chính đã chính thức phê duyệt và triển khai Dự án ‘‘Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý tài chính của Bộ Tài chính tại các tỉnh, thành phố’’ nhằm cải tiến quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng CNTT, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và điều hành tài chính, ngân sách của STC các tỉnh, thành phố, PTC thuộc các quận, huyện, thị xã trong cả nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, hình thành một cơ sở dữ liệu số hóa về lĩnh vực tài chính, ngân sách để cung cấp thông tin phục vụ điều hành của các cấp chính quyền địa phương và cung cấp số liệu về cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, ngân sách đặt tại Bộ Tài chính, phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách của ngành Tài chính và Chính phủ.

Theo quy định chi tiêu theo Luật Ngân sách thì các khoản chi như chi cho hệ thống mạng LAN, hạ tầng truyền dẫn... tại STC, PTC được lấy từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, triển khai TABMIS yêu cầu phải đồng bộ giữa các cơ quan Tài chính - Thuế - Kho bạc… Nếu cứ chờ đợi các địa phương đầu tư thì sẽ rất dễ bị “khập khiễng”, không đồng bộ, và về sau rất khó quản trị hệ thống. Vì thế, Bộ Tài chính đã quyết định đầu tư ban đầu cả về thiết bị và đường truyền cho các STC, PTC, mỗi địa phương được đầu tư thiết bị với tổng chi phí khoảng 35 triệu đồng (mua sẵn thiết bị, lắp đặt sẵn, trả phí thuê bao đường truyền 3 tháng đầu để đảm bảo hệ thống ổn định, sau đó, các STC, PTC chỉ phải trả từ tháng thứ 4 trở đi).

Chia sẻ thông tin với phóng viên Tạp chí Tài chính điện tử, ông Nguyễn Quý Bách - Phó Trưởng Phòng Quản lý Mạng và An ninh thông tin, Cục Tin học & Thống kê tài chính cho biết: triển khai Dự án "Ứng dụng CNTT vào công tác quản lý tài chính của Bộ Tài chính tại các tỉnh, thành phố", Bộ Tài chính đã đầu tư cho các STC, PTC các trang thiết bị như router, modem, thuê đường truyền và lắp đặt hệ thống mạng LAN. Tính đến hết năm 2009, việc triển khai HTTT đã được hoàn tất cho tất cả STC trên phạm vi cả nước (hiện chỉ còn vướng ở 7 điểm – đã lắp đặt thiết bị nhưng chưa có đường truyền). Đối với các phân hệ Thuế, Kho bạc, mỗi điểm được đầu tư 2 đường truyền chạy song song. Riêng khối cơ quan STC, PTC thì nhu cầu sử dụng không lớn như thuế với kho bạc nên chỉ lắp đặt 1 đường (dung lượng theo hợp đồng thuê kênh truyền là 256Kb, nhưng trên thực tế thì nhà cung cấp mở rộng gấp đôi). Có thể nói HTTT đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT của toàn ngành Tài chính, đặc biệt là đã sẵn sàng “đón đầu” việc triển khai TABMIS (hiện TABMIS mới triển khai được ở 16 tỉnh, thành phố, và HTTT đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận hành TABMIS).

Về hệ thống mạng LAN, hết năm 2009, Bộ Tài chính đã triển khai xong cho 30 tỉnh, thành phố, đạt khoảng ½ kế hoạch đặt ra. 33 địa phương còn lại sẽ triển khai mạng LAN trong năm nay.

 

Cười… ra nước mắt

Trong khi cấp Trung ương nhiệt tình như thế, đáng buồn là dường như cấp địa phương - những “người trong cuộc” lại có vẻ như chưa thực sự sẵn sàng. Xung quanh chuyện đầu tư và triển khai “kết nối” cho các STC, PTC, có rất nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.

Ông Nguyễn Quý Bách cho biết: “Chi phí thuê bao đường truyền ở STC, PTC mỗi tháng chỉ khoảng 320.000 đồng. Thế nhưng hiện rất nhiều đơn vị kêu là không có kinh phí, không có hướng dẫn bên Sở (mặc dù Cục Tin học & Thống kê tài chính đã có công văn thông báo, nêu rõ quy trình triển khai gửi các địa phương), và hình như dựa vào lý do đó để cố tình phớt lờ việc triển khai “kết nối” trên HTTT mà Bộ Tài chính đã đầu tư”. Sự kém nhiệt tình này vô hình chung dẫn đến sự lãng phí đầu tư của Bộ Tài chính (tốn kém đầu tư HTTT nhưng sau đó không được sử dụng một cách hiệu quả - PV).

Có một nghịch lý là hai trung tâm lớn gồm Hà Nội, TP.HCM lại chính là những “điển hình” của sự khó triển khai hạ tầng “kết nối” cho STC, PTC. Dự kiến thì ở hai “đầu tàu” này, việc triển khai hạ tầng sẽ được hoàn tất trong vòng 25 - 40 ngày (cả lắp đặt đường truyền và thiết bị). Nhưng trên thực tế, tổng thời gian đã phải kéo dài tới tận 6 tháng. Nguyên nhân mà “người trong cuộc” viện dẫn là không có nhu cầu, đang có kênh truyền riêng hoặc sử dụng đường truyền chung với UBND (tại một số điểm ở TP.HCM như ở Quận 1, Quận 10, Quận Tân Bình, UBND Quận mất khá nhiều thời gian cân nhắc về việc đầu tư thêm chi phí thuê đường truyền và hạ tầng truyền thông do Bộ Tài chính đầu tư).

Cán bộ của Cục Tin học & Thống kê tài chính cũng đã phải nhiều lần giải thích rằng hệ thống HTTT do Bộ Tài chính đầu tư được dùng để phục vụ hệ thống TABMIS và các ứng dụng dùng chung của ngành. Và đến gần đây, những vướng mắc mới được khai thông. Hiện cả Hà Nội và TP.HCM đều đã triển khai xong và sử dụng đường truyền cho các chương trình cấp mã số, chương trình tổng quyết toán ngân sách)”, ông Nguyễn Quý Bách cho biết.

Một câu chuyện khác khiến cho cán bộ CNTT của Bộ Tài chính nhiều phen “dở khóc dở cười” đó là trình độ của cán bộ CNTT tại các STC, PTC. Trên thực tế, muốn kiểm tra xem hệ thống kết nối có thông suốt hay không thì điều cơ bản là phải bật thiết bị lên, và tất cả các thiết bị phải được cắm đúng theo sơ đồ, thấy lỗi đường truyền thì mình mới báo nhà cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, nhiều đơn vị lại rút điện ra, cất thiết bị vào tủ, hoặc tự ý tháo ra rồi đến lúc đấu nối vào lại sai sơ đồ thiết kế; Hoặc có trường hợp cán bộ ở Trung ương yêu cầu bật điện lên để kiểm tra hệ thống thì nhận được câu trả lời rất “hồn nhiên” là em đang đi công tác, khoá cửa rồi, không thể làm gì được. Những lúc như thế, cán bộ quản trị mạng ở Bộ Tài chính có là “Tài thánh” cũng không thể kiểm tra được đường truyền, và cán bộ ở Trung ương cũng không thể nào đi xuống huyện vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ kịp thời được.

Một điểm cần lưu ý là Bộ Tài chính đã có quy định là đầu giờ sáng, các STC phải kiểm tra tình trạng “kết nối” của các PTC trước khi yêu cầu Bộ Tài chính hỗ trợ. Song nhiều địa phương vẫn “phớt lờ” quy định này. Một phần cũng bởi trên thực tế vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý nghiêm, hiện cách giải quyết vẫn theo hướng “trong nhà đóng cửa bảo nhau”.

Ông Bách tâm sự: chúng tôi đâu có đòi hỏi cán bộ CNTT ở địa phương phải là kỹ sư CNTT, mà chỉ cần ở mức độ một người thợ biết làm đúng quy trình, lắp đặt thiết bị đúng vị trí, sơ đồ. Thế nhưng yêu cầu này hiện vẫn đang là “bài toán khó”. Đã thế, các cơ quan tài chính địa phương lại thường xuyên thay đổi nhân sự. Nhiều khi Bộ Tài chính vừa đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản trị này, thì chỉ sau 1 – 2 tháng, cán bộ đó đã thuyên chuyển công tác sang vị trí khác.

Điểm mấu chốt của “câu chuyện kết nối” các STC, PTC chính là nhận thức của các lãnh đạo địa phương. Một khi vẫn còn những vị lãnh đạo hồn nhiên đề nghị “bao giờ triển khai ứng dụng thì hãy triển khai hạ tầng và đường truyền” (giống như kiểu khi có ô tô thì hãy lo làm đường) và cho rằng các STC, PTC chỉ cần theo quý hoặc 6 tháng một lần copy dữ liệu vào USB hoặc gửi mail báo cáo lên cấp Trung ương là đủ, thì có nghĩa sự nghiệp hiện đại hóa ngành Tài chính chắc còn dậm chân tại chỗ dài dài. Hơn nữa mọi nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống ngành tài chính trong việc đầu tư cho hệ thống kết nối toàn ngành, đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu, thông tin chắc cũng vì “mắt xích” này mà đứt đoạn, lãng phí công sức cả về sức người, sức của.

 

(Xuân Bách)

Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 2.522
Chung nhan Tin Nhiem Mang