Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp trước đó của Chính phủ, diễn ra trong hai ngày 31/3 và 1/4, Thủ tướng đã kết luận, dù tăng trưởng GDP quý 1/2010 tăng cao hơn cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn quý 4/2009. Hơn nữa, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như: mặt bằng lãi suất ngân hàng vẫn khá cao, tăng trưởng tín dụng chậm, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu giảm sút, nhập siêu tăng mạnh...
Đặc biệt, giá cả trong những tháng đầu năm nay vẫn tăng khá cao so với các năm trước. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2010 đã tăng 0,75% so với tháng 2/2010. Nếu so với tháng 12/2009, CPI tháng 3/2010 đã tăng 4,12%.
Với thực tế đó, Thủ tướng kết luận, nhìn chung kinh tế vĩ mô hiện vẫn chưa vững chắc, lành mạnh. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần nỗ lực hơn nữa để hạn chế những bất lợi có thể xảy ra.
Vay ngắn hạn sẽ theo cơ chế thỏa thuận
Liên quan tới việc các doanh nghiệp có các dự án sản xuất kinh doanh vay vốn dưới 12 tháng không được hưởng lãi suất vay thỏa thuận, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trong phiên họp Chính phủ trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất bãi bỏ quy định này.
“Về cơ bản Chính phủ đã chấp thuận và sẽ được cụ thể hóa trong Nghị quyết phiên họp tháng 3, sẽ được ban hành trong ngày 2/4”, ông Tiến cho biết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, dù Chính phủ có thông qua kiến nghị trên thì cũng chỉ áp dụng đối với những dự án hiệu quả, không triển khai một cách tràn lan.
Ngoài ra, ông Tiến cũng cho biết, hiện lãi suất tại Việt Nam là tương đối cao, chứ không hẳn như một số phân tích đã lấy lạm phát của tháng 3 so sánh với mức lãi suất rồi kết luận là lãi suất âm. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là điều hành làm sao để lãi suất thực luôn luôn dương, có nghĩa là trên mức lạm phát trung bình của một thời kỳ, chứ không phải là lạm phát của một tháng hay một quý.
Do đó, theo ông Tiến, nếu tính trung bình trong một thời kỳ thì lãi suất hiện nay vẫn là dương, song nhược điểm là ở mức hơi cao.
Hơn nữa, dù tổng mức huy động vốn trong quý 1 tăng không cao nhưng bù lại là vẫn huy động được một lượng lớn vốn trong dân thông qua tiền gửi tiết kiện tăng khá cao, đạt khoảng 9%. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn một kênh vốn nữa là từ Ngân hàng Nhà nước.
“Hiện chúng tôi đang tích cực đưa vốn vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng thương mại bằng các nghiệp vụ, với chủ trương là tương đối “dài hơi”, có thể lên đến 3 tháng với hy vọng là sẽ giảm được lãi suất huy động trong thời gian tới”, ông Tiến nói.
Hạ dần lãi suất, tránh điều hành giật cục
Liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, tài chính, thị trường vốn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân phúc cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phấn đấu thấp hơn năm 2009, tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung - cầu vốn thị trường, theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất. Bảo đảm lượng tiền trong lưu thông hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế.
Thủ tướng đề nghị việc điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường và yêu cầu phải bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển, điều kiện thực tế của nền kinh tế, tránh điều hành giật cục.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; rà soát, đánh giá được thực trạng hoạt động của từng ngân hàng thương mại và của hệ thống ngân hàng để chủ động có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính phi ngân hàng, điều chỉnh bổ sung các quy định về quản lý rủi ro và an toàn tài chính, trước hết là đối với các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.
Nhiều vấn đề “bình thường”
Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản đề nghị các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ngừng cung cấp thông tin về khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Tiến cho rằng, thực chất đây là một động thái rất “bình thường”.
Lý do được ông Tiến đưa ra là bởi, vào thời kỳ đầu của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải thu thập đầy đủ, kịp thời các thông tin về tình hình thế giới.
Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nước ngoài có uy tín trao đổi, cung cấp thông tin với Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo tính thời sự.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, đến nay khủng hoảng cũng gần như đã qua, nên Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị các tổ chức này không cung cấp những thông tin đó nữa.
Ông Tiến cũng lưu ý, việc ngừng cung cấp thông tin trên là việc bình thường, song nếu ai đó xem xét không kỹ hoặc hiểu không đúng bản chất sẽ có “cảm giác” có việc gì đó bất ổn, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế.
Liên quan đến việc Thủ tướng vừa yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) báo cáo kết quả đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, hiện Chính phủ vẫn là đơn vị chỉ đạo trực tiếp các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Do đó, việc Thủ tướng yêu cầu Petro Vietnam báo cáo kết quả đầu tư ngoài ngành là việc cần thiết để nắm rõ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này, từ đó có những biện pháp cụ thể, đồng ý hay không đồng ý... Đó là việc “bình thường” trong điều hành, quản lý các tập đoàn kinh tế của Chính phủ.
"Hoàn toàn không có gì bất thường tại Petro Vietnam thông qua yêu cầu của Thủ tướng vừa qua", Bộ trưởng Phúc khẳng định.
Liên quan đến những thông tin về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) được công luận quan tâm thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành các hoạt động của tập đoàn này. Sau khi công tác thanh tra kết thúc, có kết quả, Chính phủ sẽ xem xét xử lý và công bố chính thức. (theo vneconomy.vn)