Thông tin trên được ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết tại buổi họp báo sáng nay (24/8/2011). Theo ông Mai, kể từ năm 2011, Hội thảo “Ứng dụng CNTT-TT trong lĩnh vực Tài chính” (Vietnam ICT in Finance - ICTF) sẽ đổi tên thành Hội thảo “Tài chính Việt Nam” (Vietnam Finance - VF) và sẽ có thay đổi rất lớn về nội dung bàn thảo.
|
Ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính. |
Cụ thể, khác với Hội thảo thường niên trước đây là chỉ tập trung nhiều nội dung về ứng dụng CNTT ngành Tài chính, từ năm nay, VF sẽ tập trung nội dung vào các vấn đề nghiệp vụ của ngành Tài chính, đưa ra giải pháp ứng dụng CNTT hiệu quả để giải quyết các vấn đề nghiệp vụ cấp thiết, gắn CNTT với công tác cải cách hành chính của ngành, từng bước tăng cường dịch vụ hành chính công điện tử, từ đó dần hiện thực hóa chiến lược phát triển ngành Tài chính.
Cũng đồng với quan điểm này, ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết thêm: Với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống tài chính theo hướng hiện đại, hiệu quả nhằm góp phần xây dựng nền Tài chính Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu về hội nhập với nền Tài chính Thế giới, đồng thời xây dựng một nền tài chính quốc gia vững mạnh. Vì thế, trong Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tài chính “đặc biệt quan tâm” đến lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo ra nhiều “đột phá mới” như việc phát triển dịch vụ tài chính công điện tử, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tài chính, giảm chi phí và nhân lực.
Theo ông Thăng, ngành Tài chính đã góp phần huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho đầu tư phát triển xã hội, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cần giải quyết. Đơn cử là cơ cấu nguồn thu như thu trong nước hay nước ngoài, trực thu hay gián thu chưa phù hợp. Cơ cấu thu hiện nay được đánh giá là thiếu tính bền vững lâu dài.
Bên cạnh đó, đối với đầu tư công thì tính hiệu quả, vai trò của đầu tư nhà nước trong phát triển hạ tầng kinh tế xã hội là như thế nào? Tất cả những vấn đề nêu trên đang là câu hỏi ngành Tài chính cần giải quyết trong thời gian tới.
|
Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính. |
Tuy nhiên, để có thể phục vụ cho nhiệm vụ đó thì ngành Tài chính nói riêng, cơ quan quản lý nhà nước nói chung cần có cơ sở dữ liệu đầy đủ để có thể phân tích, đưa ra dự báo chính xác và kịp thời. - “Quốc hội khóa XIII có đưa ra yêu cầu tài khóa trung hạn. Muốn có kế hoạch cho tài khóa trung hạn thì vấn đề dự báo rất quan trọng. Muốn dự báo được thì cần phân tích dữ liệu. Hiện cơ sở dữ liệu đang được thu thập được từ nhiều nguồn nhưng lại không liên kết hay được tổng hợp. Do đó tính chính xác hay đầy đủ của dữ liệu khó xác định. Cơ quan nghiên cứu cũng không thể đưa ra dự báo chuẩn xác được”, ông Thăng cho biết...
Theo Bộ Tài chính, việc lựa chọn chủ đề “Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia: Thách thức chính sách và xu hướng liên kết - tích hợp” nhằm khẳng định:
Thứ nhất, “Liên kết” không chỉ dừng ở nội bộ các đơn vị, hệ thống trong ngành Tài chính mà còn mở rộng liên kết với các Bộ, ngành khác. Điển hình là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).
Thứ hai, “Tích hợp” để tăng tiện ích phục vụ cộng đồng người dân và doanh nghiệp, điển hình như vào một Cổng có thể thực hiện nhiều dịch vụ công của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Như vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các hệ thống, ngành Tài chính còn cần tăng cường tích hợp giữa các ứng dụng để sớm hình thành nền tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thương mại trong nước và quốc tế.
Thứ ba, “Tái cấu trúc nền tài chính” là vấn đề quan trọng trong Chiến lược phát triển Tài chính 2010 - 2020 của Bộ Tài chính, bao gồm tái cấu trúc tài chính công, tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc tài chính dân cư.
Trên cơ sở những mục tiêu và chủ đề đề ra tại Vietnam Finance 2011, Ban Tổ chức cũng dự kiến năm 2012, chủ đề Vietnam Finance sẽ là “Kế hoạch tài chính và khuôn khổ chi tiêu trung hạn: Điều kiện áp dụng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu”, tập trung vấn đề đổi mới phương thức lập dự toán và phân bổ ngân sách Nhà nước gắn với kết quả và hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng dự toán ngân sách Nhà nước, đặc biệt việc phân bổ nguồn lực hàng năm định hướng vào các mục tiêu trung và dài hạn.
Năm 2013, chủ đề sẽ là “Giám sát kinh tế - tài chính vĩ mô: Tăng cường năng lực và xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia”, đi sâu vào vấn đề đổi mới phương thức và cách thức giám sát tài chính vĩ mô thông qua việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm về tài chính - tiền tệ để kịp thời cảnh báo những nguy cơ làm mất an ninh trong hệ thống tài chính; hoàn thiện cơ sở thông tin dữ liệu và hệ thống hóa chỉ tiêu thu thập dữ liệu phục vụ công tác hoạch định chính sách.
|
Bộ Tài chính “đặc biệt quan tâm” đến lĩnh vực nghiên cứu, triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo ra nhiều “đột phá mới” như việc phát triển dịch vụ tài chính công điện tử, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tài chính, giảm chi phí và nhân lực. |
Hội thảo triển lãm Tài chính Việt Nam 2011 sẽ bao gồm các chương trình cụ thể như sau:
- Phiên báo cáo chính do Lãnh đạo Bộ Tài chính chủ trì với các bài tham luận về tài chính và công nghệ từ các diễn giả thuộc cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về xu hướng tái cấu trúc nền tài chính quốc gia và các giải pháp cho nền tài chính Việt Nam;
- Phiên báo cáo toàn thể vào ngày thứ 2 của Hội thảo sẽ tập trung vào vấn đề “Định hướng chiến lược hiện đại hóa quản lý thu ngân sách nhà nước” với sự chủ trì của Lãnh đạo Tổng cục Thuế. Nội dung cơ bản sẽ tập trung vào các vấn đề, giải pháp công nghệ ứng dụng hiện đại hóa ngành Thuế và Hải quan tại Việt Nam.
- Giới thiệu và báo cáo 2 chuyên đề khoa học:
Chuyên đề 1: “Đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin tài chính”. Tại chuyên đề này, lãnh đạo đại diện các cơ quan thuộc khối Nhà nước và các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin về những thách thức và giải pháp đảm bảo an ninh hệ thống tài chính; đưa ra mục tiêu về Phát triển an toàn và hiệu quả cơ sở hạ tầng thanh toán.
Chuyên đề 2: “Xu hướng liên kết tích hợp và quản lý rủi ro trong tái cấu trúc Tài chính quốc gia” và nội dung “Nâng cao hiệu quả hoạt động trong dịch vụ tài chính”, sẽ chú trọng vào việc ứng dụng CNTT trong quản lý giám sát rủi ro, thông tin, quan hệ khách hàng, bảo hiểm, đầu tư,... cũng như cải cách quy trình nghiệp vụ.
- Đặc biệt, tại Hội thảo triển lãm Tài chính Việt Nam 2011 còn có các phiên thảo luận bàn tròn chủ đề “Tài chính Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020: Định hướng chiến lược và Kế hoạch phát triển” với sự tham gia của khách mời đến từ Bộ Tài chính Việt Nam, IMF, World Bank và đại diện các công ty, tập đoàn kinh tế lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản,... trong đó tập trung thảo luận về những thách thức trong tái cấu trúc tài chính quốc gia, nhu cầu kết nối - tích hợp công nghệ thông tin và định hướng giải pháp cụ thể.
Song song với chương trình Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ trưng bày không gian Triển lãm nhằm giới thiệu tổng quan Chiến lược phát triển hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính (Thuế, Kho bạc, Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ,...); công nghệ thông tin - truyền thông với cải cách hành chính; xu hướng liên kết, tích hợp trong hệ thống công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là các gian trưng bày dành cho các doanh nghiệp, các nhà cung cấp trong và ngoài nước trưng bày các sản phẩm, giới thiệu giải pháp, mô hình nhằm đưa ra những xu hướng phát triển và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông phù hợp cho việc ứng dụng trong ngành Tài chính…
Qua 7 kỳ sự kiện (từ 2004 đến 2010), Hội thảo - Triển lãm “Tài chính Việt Nam” (Vietnam Finance) - tên gọi cũ “Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong lĩnh vực tài chính” (Vietnam ICT in Finance) đã trở thành Hội thảo lớn nhất của ngành Tài chính Việt Nam về lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông, là cầu nối thúc đẩy sự gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia kinh tế tài chính trong nước và quốc tế, với các chuyên gia và các nhà cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông hàng đầu thế giới. Hội thảo triển lãm hàng năm đã góp phần thúc đẩy quá trình tin học hóa trong hoạt động quản lý và nghiệp vụ, nhằm nâng cao chất lượng đầu tư và cải cách hệ thống tài chính tại Việt Nam.
Tại mỗi kỳ Hội thảo, các chủ đề được đưa ra đều bám sát với các vấn đề thời sự, cấp thiết mà ngành Tài chính đang quan tâm, nhằm tìm kiếm công nghệ cũng như các giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, phục vụ công tác nghiệp vụ, hiện đại hoá của Bộ Tài chính, đồng thời phù hợp với kế hoạch và định hướng chung của Chính phủ trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, hiện đại hoá.
Qua 7 năm tổ chức đã được cộng đồng ghi nhận và đánh giá rất cao, theo Bộ Thông tin và Truyền thông “Hội thảo là một sự kiện trong các sự kiện, các hoạt động về công nghệ thông tin - truyền thông của quốc gia”.
|
(MH) - Theo taichinhdientu.vn