Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nhận diện khó khăn, bất cập trong ứng dụng CNTT đặc thù ngành Tài chính
Ngày cập nhật 04/01/2011

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với quyết tâm rất cao song kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn bởi vẫn còn không ít khó khăn nảy sinh từ tính đặc thù của ngành Tài chính. Tại cuộc họp giao ban hệ thống CNTT toàn ngành Tài chính mới đây, lãnh đạo CNTT của các đơn vị trong ngành đã thẳng thắn nhận diện những khó khăn, bất cập, phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, để có thể hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trên hành trình hiện đại hoá.

“Tụt hơi” vì viết dự án, báo cáo

Nhìn nhận một cách khách quan thì cơ chế chính sách về tài chính đối với ứng dụng CNTT ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thay đổi, song đến giờ vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều điểm chưa phù hợp với những hoạt động đặc thù, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Đơn cử như Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Bà Trương Hải Đường - Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế bức xúc chia sẻ: Nếu áp dụng theo Nghị định 102 thì tiến độ giải ngân dự toán phải kéo dài nhiều năm. Toàn bộ quy trình đầu tư CNTT với các lớp lang quy định rất nặng nề, vốn được “chuyển thể” từ các quy định đối với xây dựng cơ bản (gồm rất nhiều khâu, từ chuẩn bị đầu tư tới thực hiện đầu tư…). Riêng khâu chuẩn bị đầu tư - khảo sát đã phải có tới 13 – 14 báo cáo.

Trong khi đó, nguồn nhân lực của các khối CNTT thuộc Bộ Tài chính (CNTT của Tổng cục Thuế, CNTT của Tổng cục Hải quan, CNTT của Kho bạc Nhà nước…) đa phần chỉ giỏi về kỹ thuật CNTT, còn kỹ năng viết/xây dựng dự án vẫn còn hạn chế. Trung bình mỗi năm ngành Thuế triển khai rất nhiều dự án lớn, nếu theo đúng “chuẩn”, mỗi dự án được thể hiện qua vài chục trang (cá biệt có dự án dài hơn 100 trang), nếu không có kỹ năng viết thì rất khó hoàn thành tốt công việc được giao. Trên thực tế hiện nay, việc viết dự án, báo cáo hầu hết đều “bổ đầu” vào lãnh đạo phòng và lãnh đạo phụ trách cục. Đây cũng là hiện trạng chung của rất nhiều đơn vị hệ thống khác thuộc Bộ Tài chính.

Để đáp ứng nhu cầu của một khối lượng công việc khá “nặng” liên quan tới hoạt động ứng dụng CNTT trong bối cảnh ngành Tài chính đang đẩy mạnh hiện đại hoá và cải cách thủ tục hành chính, bà Đường đề xuất lãnh đạo Bộ Tài chính cho phép thành lập riêng một bộ phận chuyên làm những công việc liên quan tới viết báo cáo tiền khả thi, khả thi, báo cáo khảo sát, thiết kế… cho tất cả các hệ thống thuộc Bộ (Thuế, Kho bạc, Hải quan, Chứng khoán, Dự trữ, Tài chính). Mặt khác, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cần đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông để ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, thuận tiện hơn cho hoạt động ứng dụng CNTT của ngành Tài chính.

 

“Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT Nguyễn Thành Phúc cho biết Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ có hướng dẫn Nghị định 102 quy định rằng những dự án có tổng trị giá dưới 3 tỷ đồng sẽ không cần phải làm các thủ tục xây dựng dự án như viết báo cáo… Đối với các Bộ khác, 3 tỷ đồng là giá trị lớn. Thế nhưng đối với Bộ Tài chính thì với mốc này, các cán bộ CNTT có nguy cơ suốt ngày mải miết chạy theo việc lập dự án, không còn thời gian để làm những công việc khác”, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước khuyến cáo.

Đồng quan điểm với bà Đường về việc thành lập tổ chuyên gia tư vấn có khả năng chuyên sâu về xây dựng, áp dụng, vận hành cơ chế chính sách CNTT, ông Bùi Thế Phương, Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê, Kho bạc Nhà nước cho rằng: sắp tới, Bộ Thông tin & Truyền thông dự kiến sẽ ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 102, nếu mỗi Tổng cục/Cục chỉ có một vài người hiểu biết về cơ chế chính sách ngồi tìm hiểu để vận dụng thì vừa mất thời gian, vừa kém hiệu quả.

Với một đội ngũ hợp sức từ các đơn vị thuộc Bộ thì không chỉ nâng cao hiệu quả của việc đưa chính sách vào thực tiễn mà còn hạn chế được việc mỗi đơn vị tự nghiên cứu áp dụng theo cách khác nhau, không tạo được sự thống nhất trong toàn ngành.

Cần giải bài toán tích hợp

Bàn về kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính giai đoạn 2011 – 2015 và hướng tới 2020, ông Bùi Thế Phương – Kho bạc Nhà nước cho rằng: Giai đoạn tới, khó khăn lớn nhất của ngành Tài chính là xây dựng được những hệ thống có khả năng tích hợp chặt chẽ với nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì Bộ Tài chính Việt Nam phát triển rất mạnh các mảng ứng dụng CNTT riêng lẻ, song khả năng tích hợp giữa các ứng dụng thì vẫn còn yếu. Đơn cử như mỗi doanh nghiệp ở Việt Nam phải có 2 mã số thuế, một do Tổng cục Thuế cấp và một do Tổng cục Hải quan cấp (trong khi cả Thuế và Hải quan đều là đơn vị thuộc Bộ Tài chính - PV).

Mới đây, theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông, Kho bạc Nhà nước cũng như các đơn vị hệ thống khác thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng sơ bộ kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2011 – 2015 nhưng thời gian xây dựng kế hoạch chỉ trong vòng 1 tháng nên cũng chưa phân tích kỹ được về bài toán tích hợp nêu trên.

Theo ông Bùi Thế Phương, Bộ Tài chính nên giao Cục Tin học & Thống kê tài chính (TH&TKTC) chủ trì tổ soạn thảo gồm một số chuyên gia kỹ thuật và nghiệp vụ đến từ các tổng cục/cục với vai trò làm kiến trúc sư, phác hoạ ra “bức tranh” tích hợp CNTT của tất cả các ngành thuộc Bộ Tài chính. Khi đó sẽ không “lặp lại vết xe đổ” như đối với dự án Hệ thống Thông tin tích hợp quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - phát sinh mỗi ứng dụng mới thì Ban Triển khai TABMIS lại phải đi từng đơn vị liên quan để bàn cách giải quyết phát sinh đó. Hiện tại, có rất nhiều luồng nghiệp vụ của Kho bạc có sự tích hợp với Tài chính, Thuế, Hải quan và các đơn vị khác, nếu giải được “bài toán tích hợp” vừa nêu thì mới có được hệ thống thông tin tích hợp ngành tài chính mà Bộ Tài chính đã nhìn nhận và đặt thành mục tiêu hướng tới từ nhiều năm trước.

Mã nguồn mở khó “mở”

Ngày 30/12/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 41/2009/TT-BTTTT về Danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức Nhà nước.

Thông tư đã ban hành thì phải áp dụng. Tuy nhiên, ông Phương nói, không biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã tính hết chưa, chứ trên thực tế, có nhiều phần mềm ứng dụng của các hệ thống không hoạt động trên phần mềm mã nguồn mở (ví dụ như với hệ điều hành, phần mềm của Tổng cục Thuế, Kho bạc không thể chạy được), hoặc khi chạy phần mềm này thì lại xung đột với các phần mềm khác. Kho bạc Nhà nước đã có bản kết quả đánh giá cài đặt cụ thể các chương trình không thể chạy trên phần mềm nguồn mở”.

Ông Phương kiến nghị: Thông tư đã ban hành thì phải áp dụng nhưng có vướng mắc thì cũng cần phải kiến nghị hướng giải quyết. Bộ Tài chính, cụ thể là Cục TH&TKTC cần tổ chức đánh giá nghiêm túc việc thực hiện yêu cầu trong Thông tư 41 của Bộ Thông tin & Truyền thông.

Không thể mạo hiểm “yêu” hàng Việt

Bên cạnh Thông tư 41, hiện còn một Thông tư khác nữa cũng của Bộ Thông tin & Truyền thông đang “lọt” vào diện “bất khả thi” đối với đặc thù của CNTT ngành Tài chính, đó là Thông tư 42/2009/TT-BTTTT quy định chi tiết về ưu tiên đầu tư, mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 30/12/2009.

Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ: Trong 3 năm qua, tại Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, 80% số máy tính, thiết bị được nhập ngoại. Đối với ngành Chứng khoán, cơ sở dữ liệu thường xuyên được báo cáo từ dưới lên, thường xuyên xử lý qua hệ thống máy tính, nếu sử dụng các loại máy CMS, Lead thì rất… khổ sở vì chưa được bao lâu đã liên tục hỏng, không đảm bảo thời hạn khấu hao theo quy định của Nhà nước, chi phí thời gian ngừng công việc để bảo trì, bảo hành, sửa chữa rất nhiều, và nhìn chung thì hiệu quả không cao dù chi phí mua lúc đầu rẻ hơn so với hàng ngoại nhập.

Đại diện cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, bà Liên Hoa đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho phép ngành này được mua sắm thiết bị CNTT phù hợp với yêu cầu công việc, nghĩa là được tiếp tục sử dụng máy nhập ngoại có cấu hình cao hơn để phục vụ quản lý giám sát và nhập dữ liệu chung.

Cũng bức xúc không kém, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Giám đốc KBNN – đại diện cho ngành Kho bạc đặt câu hỏi: Ưu tiên mua sắm hàng trong nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ, tuy nhiên cũng cần tính tới trường hợp nếu áp dụng cho ngành Tài chính với nhiều yếu tố đặc thù ai chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống thông tin tài chính của quốc gia (?) Do đó đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông để có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, đảm bảo an toàn cho triển khai phần mềm ứng dụng CNTT đặc thù của ngành tài chính nói riêng, cho nền tài chính quốc gia nói chung.

Sẽ triển khai quyết liệt hơn

Ghi nhận những nỗ lực của cán bộ CNTT, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của các đơn vị CNTT hệ thống ngành Tài chính, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh vẫn nhấn mạnh yêu cầu của Lãnh đạo Bộ là phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai ứng dụng CNTT, tích cực đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá, hướng tới nền Tài chính điện tử. Đặc biệt trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu là việc tham gia, phối hợp trong hoạt động xây dựng cơ chế chính sách với các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực CNTT ở Việt Nam. Đồng thời cần hoàn thiện hơn nữa những cơ chế, chính sách liên quan tới nội ngành Tài chính trên cơ sở quy chế, quy trình CNTT phải phục vụ hiệu quả công việc chuyên môn của ngành, phải gắn với cải cách thủ tục hành chính.

Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh cũng nhấn mạnh về việc cần có cơ chế đặc thù để cải thiện thu nhập cho cán bộ CNTT ngành Tài chính, “cố gắng quan tâm một các tốt nhất đến môi trường làm việc cho cán bộ CNTT để họ có thể an tâm cống hiến, theo đuổi nghề. Bởi nếu thiếu CNTT thì ngành Tài chính không thể phát triển được”.

(Theo taichinhdientu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 2.556
Chung nhan Tin Nhiem Mang