Nhờ sự phổ cập của smartphone trong điều kiện các dịch vụ dữ liệu ngày càng rẻ và phổ biến hơn, xu hướng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet là tất yếu. Theo nhận xét của hãng tin Betanews, xu hướng này đang diễn ra từng ngày, chứ không phải chờ đến một vài năm tới để chứng kiến. Người ta hình dung rằng vào 2015, việc sử dụng Internet trên di động cũng... bình thường như ở thời điểm này chúng ta sử dụng PC để truy cập mạng.
2. Về mặt công nghệ vi xử lý: Tương lai của Atom nhân đôi. Mới gần đây, CEO của hãng Intel là Paul Otellini cũng đưa ra những nhận định của mình về Internet di động, ông đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các thế hệ vi xử lý Atom nhân đôi, do chính hãng này sản xuất. Lâu nay, bộ vi xử lý nổi tiếng Atom của Intel vẫn luôn được sử dụng rộng rãi trên các thiết bị xách tay di động, phổ biến nhất là netbook. Tại diễn đàn các nhà phát triển chuyên nghiệp của Intel - IDF gần đây, hãng này đã trình diễn mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên sử dụng hệ điều hành Android của Google trên nền vi xử lý Atom. Điều đó đã mở ra một tương lai mới cho các sản phẩm điện thoại thông minh, mà bắt đầu từ "phép lai" Android - Atom, để phát triển cùng với "phép lai" truyền thống gắn với vi xử lý ARM và Qualcomm. Nghĩa là song song với sự phát triển của thị trường netbook, thì sự phát triển của các dòng smartphone chạy vi xử lý Atom sẽ là một yêú tố nổi trội rất đáng chú ý, nhất là các dòng nhân đôi tiết kiệm năng lượng.
Với xu hướng hàng loạt các hãng lớn đang tích cực cạnh tranh nghiên cứu phát triển để trang bị vi xử lý đa nhân cho các thiết bị di động, khoảng cách giữa điện thoại di động và laptop sẽ không quá xa như trước. Người dùng sẽ ít phải quan tâm hơn tới tốc độ thiết bị khi chọn điện thoại di động, thay vào đó là các tính năng cơ bản khác như bàn phím và kích cỡ màn hình. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là khi nào thì viễn cảnh này thành hiện thực? Hiện chưa có câu trả lời đầy đủ.
3. Với xu thế của Internet di động như vậy, tiềm năng của nó trong hỗ trợ kết nối toàn hệ thống tài chính là rất đáng được quan tâm, đặc biệt là trong tương lai khi nước ta có tiếp vệ tinh VINASAT II nhằm phục vụ chính cho các mục tiêu có tính thương mại.
Trước hết có thể nói đến là sử dụng Internet di động phục vụ cho xử lý kết nối của các đơn vị tài chính ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo với mạng tổng thể của ngành tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đang triển khai dự án TABMIS, dự án Trao đổi thông tin thuế giữa các cơ quan Thuế-Hải quan-Kho bạc- Sở Tài chính, sắp tới sẽ là tiếp tục đến các dự án VCIS của Hải quan, dự án ITAIS của Thuế,… Các dự án này đều đòi hỏi phải kết nối đến tận các huyện, kể cả các nơi là hải đảo, vùng sâu, không thể sử dụng hệ thống cáp quang. Hiện, có một số trường hợp đang được thử nghiệm dùng theo dạng sóng viba. Do đó, sử dụng internet đi động sẽ là phương án đáng được để ý tới. Vấn đề này theo chúng tôi nghĩ nên được đặt ra ngay từ bây giờ và đối với tất cả các dự án hiện đại hoá của toàn ngành tài chính.
Thứ hai là phục vụ cho các cuộc hội nghị, hội thảo “online”, cũng như phục vụ cho các hoạt động đi họp hành của lãnh đạo các cấp cũng như cả với các chuyên viên. Một trong những nội dung của cải cách hành chính, tiết kiệm chi tiêu hiện nay đang được quan tâm là triển khai các hội nghị, hội thảo, đào tạo trực tuyến. Rõ ràng, internet di động là một trong những giải pháp cũng đáng được quan tâm. Vấn đề đặt ra sẽ không chỉ là việc mỗi đơn vị, ngành hay lĩnh vực cần phải đầu tư có “một bộ đầy đủ” để thực hiện, mà còn phải là làm cách nào để đảm bảo tính tiết kiệm và hiệu quả nhất. Bởi hiện nay đã và đang có nhiều công ty, tập đoàn đã đầu tư vào các nội dung này để sẵn sàng làm dịch vụ.
Thứ ba là phục vụ cho nhiều loại dịch vụ công như kê khai và thu nộp thuế, hải quan, hoặc các kê khai và đơn từ khác bằng các mạng di động; hoặc các dịch vụ tư vấn trực tuyến, các đối thoại trực tuyến…, thậm chí kể cả các việc nhận và xử lý, trả lời khiếu nại đơn từ cũng đều có thể thực hiện bằng mạng di động. Sự phát triển của các mạng di động cùng các sản phẩm hiện nay đã, đang và sẽ tiếp tục là những công cụ đắc lực cho các doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các hoạt động kinh tế xã hội của mình. Để thuận tiện, đáp ứng cho các nhu cầu này của họ, vấn đề đặt ra đối với ngành tài chính cũng cần có các giải pháp của mình tương ứng bao gồm không chỉ các giải pháp phần mềm, mà cả các giải pháp dịch vụ hỗ trợ tích hợp mạng không dây.
Thứ tư là phục vụ cho kết nối nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý các thị trường tài chính, chứng khoán. Thực tế hiện nay các nhà đầu tư chứng khoán đã và đang hoạt động khá nhiều bằng các công cụ và mạng di động. Vấn đề đặt ra là quản lý và giám sát các hoạt động này như thế nào là nên được quan tâm, không chỉ với các cơ quan quản lý lĩnh vực này, mà cả về phương diện quản lý thuế đối với các hoạt động đầu tư chứng khoán,…. Bởi vì, hiện các hoạt động diễn ra trong lĩnh vực này chưa “ra - vào” nhiều với các thị trường ngoài nước, còn tương lai của xu thế phát triển như thế là tất yếu.
4. Tuy nhiên, để phát triển ứng dụng internet di động đối với ngành tài chính sẽ cần lưu ý xử lý nhiều vấn đề. Trong đó nổi lên là:
- Tích hợp các ứng dụng: cho đến nay, để thực hiện hiện đại hoá, ứng dụng CNTT cho các hoạt động của toàn ngành, hiện đang có tới khoảng trên 90 phần mềm viết trên các nền tảng môi trường khác nhau. Do đó, vấn đề tích hợp chúng để phục vụ các nhu cầu trao đổi thông tin kể cả đầu vào và đầu ra là bài toán khó. Vì phải ánh xạ các công nghệ và định dạng được các loại thông tin dữ liệu không tương thích với nhau một cách tự động; qua đó, hỗ trợ các trao đổi thông tin an toàn và tự động hoá các giao dịch trong khắp các mạng công cộng và mạng riêng theo các loại hình sản phẩm/thiết bị công nghệ được sử dụng.
- Các phương án an ninh bảo mật, không chỉ đối với các thông tin dữ liệu được trao đổi, mà cả toàn hệ thống mạng riêng của ngành. Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều năm nay, không chỉ là vấn đề của chung toàn quốc, mà càng đặc biệt cần thiết đối với ngành tài chính. Những năm qua, vấn đề này mới chỉ được xử lý trong từng trường hợp riêng biệt. Một dự án tổng thể về an toàn bảo mật cho ngành mới được đặt ra và vẫn còn đang chờ xin tư vấn. Vì thế, việc nghiên cứu một cách đầy đủ các vấn đề cho mọi hoạt động kể cả theo các xu thế phát triển của công nghệ như internet di động là cần được ưu tiên thúc đẩy.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ nghiệp vụ để thực hiện các tác nghiệp sử dụng công nghệ cao hiện chưa được quan tâm nhiều và đầy đủ. Các hoạt động đào tạo chủ yếu mới đang được tập trung cho đội ngũ chuyên môn chính về CNTT. Những năm tới, khi các tác nghiệp được thực hiện trên nền công nghệ cao, sẽ bức bách đòi hỏi phải nâng cao năng lực sử dụng các tác nghiệp này một cách phổ cập cho đội ngũ rất đông cán bộ nghiệp vụ của từng lĩnh vực. Vì thế cần phải sớm có phương án mới đáp ứng kịp.
(Theo taichinhdientu.vn)