Tuy nhiên, cùng với xu hướng công khai, minh bạch, trong những năm gần đây chủ đề này đặc biệt đã được đưa ra bàn thảo công khai tại các hội nghị, hội thảo giao ban về CNTT của ngành Tài chính nhằm tháo gỡ và tìm ra những giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án CNTT của ngành. Nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đã được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo.
Trước thềm Hội nghị giao ban hệ thống CNTT ngành Tài chính năm 2010, chúng ta hãy nhìn nhận việc thực hiện các dự án, nhiệm vụ CNTT năm 2009 của ngành Tài chính và so sánh kết quả thực hiện giữa các đơn vị, hệ thống (tính đến hết ngày 31/12/2009), cụ thể:
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với phóng viên Tạp chí Tài chính điện tử, nội dung như sau:
Trong công tác dự toán của các hệ thống CNTT ngành Tài chính lâu nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Công tác xây dựng dự toán CNTT của các đơn vị hệ thống ngành tài chính hiện nay được dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế, các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý của từng đơn vị trong điều kiện chưa có các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, cũng như chưa có định mức xây dựng dự toán, trang bị các sản phẩm về CNTT.
Ngay cả một số văn bản quy định của chính Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã và đang “làm vướng” giới CNTT ngành Tài chính. Đơn cử như Công văn 3364 của Bộ Thông tin về xác định giá phần mềm, nhưng theo phản ánh của các đơn vị CNTT trong ngành Tài chính thì “không thể áp dụng được”, mặc dù vẫn phải tuân thủ trong các khâu từ xây dựng dự toán đến triển khai. Với phương thức định giá trong Công văn 3364, “đầu ra” của các dự án CNTT Tài chính không hiệu quả, nói cách khác là sản phẩm được lựa chọn không thể đáp ứng nhu cầu, nhiều phần việc không “trọn vẹn” đã phải nâng cấp triển khai nhiều lần, do vậy càng tốn kém, lãng phí. Đơn cử với những đơn giá phần mềm trọn gói (thường là sản phẩm của nước ngoài) lên tới 1 - 3 chục triệu USD, nhưng nếu không có đơn vị tư vấn, đánh giá chuyên nghiệp, thì rất dễ bị những đơn vị lợi dụng để xây dựng đơn giá cho những phần mềm kém chất lượng, hiệu quả, từ đó gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính vẫn phải cho phép vận dụng linh hoạt đối với những đặc thù riêng của ngành, kết hợp với việc tuân thủ quy định tại Công văn 3364 nêu trên.
Cuối năm ngoái, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, song quá trình triển khai Nghị định này cũng còn nhiều vướng mắc. Đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Thông tin & Truyền thông vẫn còn chưa có các văn bản hướng dẫn cho Nghị định này. Mà trên thực tế thì với một Nghị định của Chính phủ, để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc thì cũng phải qua nhiều quy trình, mất nhiều thời gian.
Trong bối cảnh toàn ngành Tài chính đang tích cực đẩy mạnh hiện đại hoá xây dựng nền Tài chính điện tử, rất nhiều công việc cần phải làm ngay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rất sát công việc xây dựng dự toán trên cơ sở nhu cầu thực tế theo các nghiệp vụ của các đơn vị. Theo đó, các đơn vị hệ thống đã chủ động ban hành những văn bản hướng dẫn nội bộ để khi xây dựng dự toán đảm bảo vừa sát yêu cầu thực tế phát sinh, vừa đảm bảo hiệu quả chi tiêu từ NSNN.
Ví dụ, ngành Kho bạc đã xây dựng quy định đối với kho bạc huyện, kho bạc tỉnh thì cán bộ ở vị trí nào được cấp những thiết bị gì, định mức bao nhiêu… hàng năm đều cập nhật, hướng dẫn tiêu chí kỹ thuật đáp ứng quá trình mua sắm. Hệ thống Thuế cũng đã ban hành quy định về việc những bộ phận nào dùng máy tính xách tay, bộ phận nào được trang bị máy tính để bàn, bộ phận văn thư hành chính chỉ dùng máy tính cấp độ thấp hoặc sử dụng máy tính điều chuyển từ những bộ phận nghiệp vụ khác...
Nhìn chung tới nay, cả các hệ thống thuộc Bộ Tài chính đều đã có những văn bản hướng dẫn liên quan tới công tác xây dựng dự toán CNTT trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, những văn bản này chưa phải là căn cứ pháp lý chính thức vì chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành, chỉ có hiệu lực trong thời gian rất ngắn chứ không có định hướng lâu dài.
Việc chưa đầy đủ căn cứ pháp lý, văn bản hướng dẫn của Nhà nước chính là nguyên nhân chủ yếu khiến công tác xây dựng dự toán cho các dự án CNTT ngành tài chính bị hạn chế, quá trình xây dựng dự toán phải điều chỉnh nhiều lần theo những yêu cầu, thay đổi về công nghệ để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn thực tế (đặc thù của CNTT là thiết bị CNTT có tốc độ phát triển rất nhanh, có thể chỉ sau 6 tháng đã thay sang thế hệ mới, vì thế, từ lúc xây dựng dự toán đến khi triển khai dự án phải cập nhật rất nhiều lần - PV).
Ông có thể cho biết một số ví dụ điển hình về việc xây dựng dự toán phải dựa vào thực tiễn là chủ yếu?
Đánh giá một cách tổng quát thì trong số các Bộ ngành, Bộ Tài chính đã xây dựng được kho dữ liệu thông tin về trang thiết bị CNTT toàn ngành rất tốt, từ đó có các số liệu thực tế để có thể đánh giá liên tục được nhiều năm về thực trạng CNTT, phân định được những gì cần thay thế, những gì cần mua mới (được thể hiện rất rõ trong các biểu 25a, 25b, 25c trong các văn bản hướng dẫn về xây dựng dự toán của Bộ Tài chính)…
Tuy nhiên, vẫn có một số sản phẩm đặc thù của CNTT không có căn cứ pháp lý để xây dựng dự toán, mà phải dựa vào những thông tin thực tế, thông tin xã hội được phản ánh qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng Internet… để làm dự toán. Ví dụ như: các phần mềm triển khai ứng dụng hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, hoặc những phần mềm có bản quyền mới xuất hiện tại Việt Nam; Hoặc những chương trình đào tạo mới du nhập vào Việt Nam (chẳng hạn chương trình đào tạo về quản trị mạng…) Đặc biệt, như với những chương trình phần mềm ứng dụng để phục vụ cho nghiệp vụ cải cách tài chính công, khi xây dựng dự thảo về các hướng dẫn cải cách tài chính công thì mới tính được “đầu ra”, chứ chưa có khối lượng cụ thể. Trong những trường hợp đó, rõ ràng là phải vừa “đi” vừa định hình cho quá trình xây dựng dự toán.
Giải pháp được Bộ Tài chính vận dụng linh hoạt là cho phép làm “tạm ước” khi xây dựng dự toán, sau đó tiếp tục xem xét rất kỹ trong quá trình tổ chức triển khai (công tác đấu thầu,…) để khắc phục những bất cập mà quá trình dự toán chưa lường hết được. Trên thực tế, công tác xây dựng dự toán được các đơn vị CNTT ngành tài chính tiến hành từ tháng 6 – 7 năm trước, còn khi triển khai có thể đến tận tháng 11 của năm sau mới thực hiện. Với việc tạm ước và sau đó tiếp tục cập nhật giúp cho việc xây dựng dự toán chủ động hơn vì khi cần vẫn có thể điều chỉnh kịp thời, sát với thực tiễn hơn.
Nói đến việc điều chỉnh, có ý kiến cho rằng nhiều dự án CNTT hiện nay phải điều chỉnh tiến độ thực hiện do các trình tự, thủ tục trong đấu thầu mất rất nhiều thời gian. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Nguyên nhân sâu xa của việc mất nhiều thời gian chủ yếu là do chất lượng dự toán, … của đơn vị chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại chứ không phải do các trình tự, thủ tục. Hơn nữa, nếu cần điều chỉnh mà đơn vị kịp thời điều chỉnh hồ sơ phù hợp với yêu cầu một cách nhanh chóng thì việc phê duyệt ở Bộ Tài chính cũng diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài ba ngày.
Với cách thức xây dựng dự toán như vậy thì chất lượng dự toán ra sao?
Đánh giá một cách khách quan, thì mặc dù ngành Tài chính là ngành đa lĩnh vực và bao trùm trên diện rộng, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống trong nhiều năm qua, chất lượng dự toán CNTT của toàn ngành về cơ bản là tương đối đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng ngành Tài chính có thể đạt được chất lượng dự toán CNTT cao hơn, nếu làm tốt hơn những công việc sau:
Một là làm tốt việc đánh giá thực trạng. Ngay từ năm 2007, 2008 các đơn vị trong ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đầu vào, nhưng thời gian qua, một số đơn vị không cập nhật, điều chỉnh thường xuyên nên có ảnh hưởng đến chất lượng dự toán.
Hai là những người làm dự toán CNTT phải được thống nhất ngay từ chủ trương, định hướng, nguyên tắc bố trí, ngay từ đầu phải có sự phối hợp giữa bộ phận nghiệp vụ và bộ phận CNTT. Lâu nay vẫn tồn tại hiện tượng cứ một bên làm dự toán rồi một bên tập hợp. Đáng nhẽ phải có sự ngồi lại cùng họp bàn và phân định rõ: phía nghiệp vụ cần những gì, bộ phận chuyên trách CNTT dựa trên căn cứ nghiệp vụ đó, phạm vi đối tượng làm như thế thì dựng lên mô hình hệ thống ra sao, sau đó cả bộ phận nghiệp vụ và bộ phận CNTT cùng tính toán để xây dựng dự toán.
Ba là, cải thiện tiến độ làm dự toán. Một trong những yếu tố dẫn đến hiện tượng chậm tiến độ là do ngay từ đầu công tác tổ chức triển khai và phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt, hầu hết chỉ theo hình thức trao đi đổi lại bằng giấy tờ theo đường công văn. Mỗi khi có ý kiến góp ý thì lại gửi công văn rồi thụ động ngồi chờ hồi âm.
Bốn là hoạt động ứng dụng CNTT phải đảm bảo tính chiến lược. Thời gian qua, việc ứng dụng CNTT đối với từng đơn vị hệ thống cũng như của Bộ Tài chính vẫn mang tính chất “đến đâu hay đến đó”, chưa đón đầu được công nghệ, chưa xác định được tâm nhìn chiến lược cho từng giai đoạn rõ ràng.
Những vướng mắc trong công tác dự toán, tổ chức đấu thầu nêu trên phải chăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác giải ngân dự án CNTT?
Đúng vậy. Đây chính là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới công tác giải ngân dự án CNTT.
Ngoài ra, trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa phải đảm bảo tiết kiệm ngân sách, vừa phải gấp rút triển khai các dự án CNTT phục vụ cải cách tài chính công, phục vụ phát triển kinh tế đất nước, thì các bộ phận của nền tài chính công lại chưa có sự thống nhất, phát triển đồng bộ, dẫn tới hệ luỵ là khó có thể hoàn tất đúng hạn các dự án CNTT.
Đơn cử như hệ thống ứng dụng thuế thu nhập cá nhân hoặc hệ thống ứng dụng thông quan điện tử của Hải quan, trong khi Bộ Tài chính rất muốn sớm triển khai, thì các doanh nghiệp lại chưa có khả năng tham gia vì chưa đáp ứng tính đồng bộ về hạ tầng CNTT, nhân lực… với hệ thống ứng dụng CNTT của ngành Tài chính.
Ngoài ra, còn một yếu tố chủ quan nữa, đó là vấn đề phân bổ thời gian phối hợp trong công tác đấu thầu. Hiện nay, do các đơn vị trực tiếp xây dựng hồ sơ mời thầu kéo dài quá nhiều thời gian (chẳng hạn như Tổng cục Thuế mất tới 6 - 8 tháng để xây dựng hồ sơ mời thầu), nên thời gian để các đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định thầu (như Cục Tin học & Thống kê tài chính và Vụ Kế hoạch - Tài chính) luôn trong tình trạng bị rút ngắn đáng kể. Sự phân bổ thời gian quá chênh lệch như vậy là không phù hợp và không thể tiếp tục duy trì mãi được.
Riêng về chuyện chất lượng hồ sơ thầu chưa đạt yêu cầu, có thể kể ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Một là, từ năm 2009 trở về trước, một số đơn vị chưa rõ ràng trong việc xác định phân công phân nhiệm để tổ chức mua sắm đấu thầu. Điển hình như Tổng cục Thuế, dồn nhiệm vụ tổ chức đấu thầu chủ yếu cho Cục Ứng dụng CNTT là không “trúng”. Đúng ra là phải giao cho bộ phận nghiệp vụ lo về thủ tục, năng lực, tài chính, trình tự… còn Cục Ứng dụng CNTT chỉ giữ vai trò chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, như thế công việc sẽ dãn ra và tiến độ mới đẩy nhanh được.
Thứ hai là cách thức phối hợp giữa các đơn vị chưa hiệu quả. Khi đã tổ chức cuộc họp và có ý kiến thống nhất tại cuộc họp về công tác phối hợp triển khai giữa các đơn vị thì người đi họp phải chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về những nội dung đã được thống nhất đó. Tránh cử người không đủ chức trách đi họp, rồi sau đó về không triển khai được. Thực tế là vẫn có nhiều đơn vị cử người đi họp không đủ thẩm quyền giải quyết, không chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, dẫn đến công việc bị trì trệ.
Thứ ba là tính quyết liệt của lãnh đạo. Nếu tiến độ công việc “trôi” chậm thì lãnh đạo đơn vị phải tập trung giải quyết dứt điểm. Bởi chỉ cần “lùng nhùng” từ một điểm rất nhỏ, nếu không quyết liệt xử lý vào thời điểm quyết định thì sẽ dẫn tới cả mảng công việc lùng nhùng theo.
Mặt khác, khi tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ CNTT phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 111/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng (các Nghị định thay thế: số 58/2008/NĐ-CP, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP); tuy nhiên, các văn bản này chủ yếu hướng dẫn cho đấu thầu dự án đầu tư xây dựng nên tất nhiên có rất nhiều điểm chưa phù hợp với việc đấu thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ nói chung và nhất là đặc thù trong mua sắm CNTT (ví dụ như, thời gian tổ chức triển khai áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng thường khá dài, còn đối với các dự án CNTT cần phải được triển khai nhanh chóng do thường xuyên thay đổi công nghệ…).
Vậy tiến độ giải ngân của các hệ thống trong năm nay có được cải thiện?
Nhìn chung vẫn đang chậm tiến độ. Tại Quyết định số 3286/QĐ-BTC ngày 25/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2010, đã quy định rõ các đơn vị, hệ thống phân bổ danh mục dự toán xong trước ngày 30/1/2010. Thế nhưng vẫn có những đơn vị, hệ thống đến tháng 4 vừa rồi mới gửi báo cáo dự toán.
Cho đến thời điểm này, phần lớn các đơn vị vẫn khá chậm trễ trong việc xây dựng hồ sơ mời thầu và kế hoạch đấu thầu.
Tôi cho rằng, để giải quyết được bất cập này thì phải phân cấp, phân công rõ từng đơn vị, từng cán bộ rõ ràng, ai làm việc gì và chịu trách nhiệm đến đâu. Từng dự án, từng hạng mục công việc đều phải có quy định thời gian cho từng cấp cụ thể, kể cả các cấp lãnh đạo.
Trên phạm vi toàn ngành, ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa bộ phận phụ trách nghiệp vụ và bộ phận phụ trách CNTT?
Về mặt phối hợp cơ bản là tốt. Có thể kể ra một số “gương điển hình” như sự phối hợp giữa Ban Tài vụ Quản trị với Cục Công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước. Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước phụ trách CNTT thường xuyên trao đổi, bàn bạc cụ thể những công việc cần sự “chung tay, góp sức” với Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính, Ban Tài vụ Quản trị.
Hoặc như 2 đơn vị thuộc Bộ Tài chính là Vụ Kế hoạch Tài chính và Cục Tin học & Thống kê tài chính, trong khoảng 3 – 4 năm vừa qua cũng đã phối hợp tương đối hiệu quả.
Hoạt động phối hợp tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng dần đi vào nền nếp. Nhiều việc cần đề xuất đã đươc tập hợp qua Ban Tài vụ quản trị (nay là Vụ Tài vụ Quản trị), sau đó bộ phận phụ trách CNTT cùng ngồi họp bàn để triển khai.
Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị chưa làm tốt công tác phối hợp giữa bộ phận nghiệp vụ và bộ phận chuyên trách CNTT. Chẳng hạn như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều năm vẫn chưa hình dung được cách làm trong điều kiện mới, vẫn áp theo cách thức cũ là làm theo mô hình xây dựng các dự án đầu tư xây dựng, nên trong những năm trước không có cơ sở kịp thời để bố trí dự toán cho hoạt động CNTT. Mới đây, sau khi được góp ý nhiều lần thì mới bắt đầu dần dần chỉnh sửa, thay đổi. Hoặc như Tổng cục Hải quan, mặc dù được coi là phối hợp rất cụ thể mà vẫn không đạt mục tiêu đề ra, dẫn đến chậm tiến độ.
Cá biệt là Tổng cục Thuế, sự phối hợp giữa hai đơn vị phụ trách nghiệp vụ và phụ trách CNTT rất mang tính chất thủ tục hành chính (bộ phận CNTT tổng hợp các “đầu việc” rồi chuyển cho bộ phận Tài vụ, sau đó, bộ phận Tài vụ của Tổng cục chỉ làm công tác tổng hợp cộng số học trình lên Tổng Cục, trình Bộ Tài chính mà không nắm vững nội dung chi tiết, khi bị truy vấn lại chuyển trả cho bộ phận CNTT…). Cách thức phối hợp như vậy là kém hiệu quả.
Trong tổ chức triển khai các dự án CNTT, không tránh được chuyện có những công việc mà bộ phận CNTT chỉ lường trước, còn bộ phận phụ trách Tài chính lại cần phải có đủ căn cứ, cơ sở để bố trí ngân sách. Do đó, 2 bộ phận này cần phối kết hợp ngay từ đầu để nghe và trao đổi thấu đáo với nhau, đồng thời phải năng động, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
STT
|
Đơn vị
|
Tỷ lệ triển khai danh mục dự toán
|
Tỷ lệ giải ngân/dự toán được giao
|
1
|
Tổng cục Dự trữ Nhà nước
|
100%
|
100%
|
2
|
Cục Tin học &Thống kê tài chính
|
95%
|
90%
|
3
|
Tổng cục Thuế
|
16%
|
11%
|
4
|
Tổng cục Hải quan
|
89%
|
11%
|
5
|
Kho bạc Nhà nước
|
93%
|
59%
|
Trong thời gian tới, để có thể nâng cao chất lượng giải ngân các dự án CNTT, ông chờ đợi gì ở các đơn vị CNTT ngành tài chính?
Những người làm công tác quản lý CNTT phải theo kịp thời đại, theo kịp yêu cầu của các cấp quản lý về nghiệp vụ. Chẳng hạn, Cục Tin học & Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính cần phải có chiến lược “đón đầu” kế hoạch cải cách của Bộ Tài chính, không thể chỉ ngồi chờ đến lúc có cơ chế, chính sách gần được ban hành hoặc ban hành rồi mới bắt tay vào đầu tư mua sắm hoặc khi Bộ trưởng “bảo làm” mới “chạy theo”. Hoặc như ngành Thuế, trước khi triển khai thực hiện chiến lược cải cách gì, thì Cục Ứng dụng CNTT của Tổng cục thuế phải hiểu được thấu đáo chiến lược đó để có thể đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời và khả thi.
Như đối với lĩnh vực Dự trữ, quá trình tổ chức triển khai CNTT phải luôn cập nhật, đối chiếu với tình hình thực tiễn của thế giới, khu vực và các ngành nghề khác tương đồng ở Việt Nam. Có tiền ngân sách bố trí, nhưng khối Dự trữ còn phải tính đến năng lực cán bộ, vì đội ngũ cán bộ CNTT ở đây chưa có, cần phải tính để làm từng bước, dần dần một cách hiệu quả.
Làm CNTT phải xác định rất rạch ròi giữa quản lý và thực hiện. Ở vị trí quản lý CNTT thì nên đầu tư chất xám về chiến lược phát triển và cách thức thực hiện. Ví dụ như hạ tầng truyền thông ngành Tài chính đang ở mức độ nào, sắp tới phải phát triển đến đâu, phải gắn kết thế nào, giá trị gia tăng của hạ tầng cần thêm những gì… thì mới có thể chỉ đạo để bộ phận thực hiện triển khai theo lộ trình. Nếu chỉ đạo không có “tầm”, thì có nghĩa sẽ phải suốt ngày “chạy” theo công việc mà thôi.
Ngoài ra, trong quản lý điều hành CNTT, còn cần phải có “tâm”. Người quản lý điều hành CNTT phải dành công sức, thời gian phân tích xem thông tin tư vấn của các nhà thầu, hãng CNTT có sát thực với tình hình thực tế hay không, làm sao để tiết kiệm cho ngân sách, phục vụ đắc lực nhất cho ngành mình, cho nền tài chính quốc gia.
CNTT là một lĩnh vực khó khăn, phức tạp, do vậy, các cấp đều phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, thực thi và quyết đoán, dám chịu trách nhiệm thì mới thúc đẩy được các ứng dụng CNTT phục vụ đắc lực cho nghiệp vụ tài chính, phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa ngành Tài chính.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị này!
(Bình Minh - Theo taichinhdientu.vn)