Bộ Tài chính đã thực hiện thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin và gửi cho các Bộ, ngành theo đúng quy định. Hầu hết các báo cáo Bộ Tài chính đều được định kỳ gửi và nhận thông tin từ Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, cơ sở dữ liệu luật Việt Nam… dưới dạng thông tin điện tử.
Nhiệm vụ trọng tâm tới 2015
Đến năm 2015, thống kê ngành Tài chính sẽ phải hoàn thành 10 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu quốc gia của ngành tài chính nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu quản lý tài chính công và hoạch định chính sách quản lý tài chính công phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bổ sung, sửa đổi chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ từ các đơn vị thuộc Bộ, các quỹ tài chính công ngoài ngân sách, quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Xây dựng chế độ báo cáo thống kê tài chính thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tăng cường hỗ trợ các sở tài chính xây dựng và phát triển công tác thống kê tài chính tại địa phương cả về nghiệp vụ, năng lực, tổ chức và phương tiện, công cụ.
Từng bước cải tiến và hoàn thiện phương pháp thống kê tài chính, các bảng phân loại, bảng danh mục, mã dung chung của toàn ngành đáp ứng các yêu cầu công việc chính của ngành từ hoạch định, điều chỉnh chính sách đến quản lý, điều hành và phân tích dự báo; đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thuận lợi cho ứng dụng công nghệ thông tin.
Bổ sung và sửa đổi các phần mềm thu thập và phân tích số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính để bao hàm được các thông tin theo nhiệm vụ 2 nêu trên; đồng thời đảm bảo tích hợp với các chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ, đặc biệt là hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS), Hệ thống thông tin quản lý Hải quan (VCIS), Hệ thốgn thông tin quản lý dự trữ quốc gia.
Thực hiện đầy đủ các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu với Chính phủ và giữa các Bộ, ngành đáp ứng nhu cầu phân tích, nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược, dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học.
Đẩy mạnh chuẩn hoá, đồng bộ dữ liệu. Xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê vi mô, vĩ mô ngành Tài chính.
Đa dạng hoá các sản phẩm thông tin thống kê, đảm bảo thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Hoàn thành việc củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức thống kê theo Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; tăng cường môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác thống kê của Bộ.
Tiếp tục đẩy mạnh các lớp đào tạo nâng cao năng lực thống kê và phân tích dự báo cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính toàn ngành Tài chính.
Nhận diện thách thức
Ông Minh cho rằng, công tác thống kê tài chính trong những năm tới sẽ là tiến thêm một bước mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như: Người chủ trì công việc là đòi hỏi không chỉ nắm đúng và đầy đủ các kiến thức cập nhật về hoạch định và quản lý tài chính công theo chuẩn mực quốc tế, mà còn phải nắm được kịp thời tình hình kinh tế tài chính hiện tại của đất nước.
Việc sửa đổi chế độ báo cáo thống kê định kỳ từ các đơn vị thuộc Bộ là việc thường xuyên, nhưng đối với các quỹ tài chính công ngoài ngân sách, quỹ BHXH, Bảo hiểm y tế, hiện có rất nhiều loại quỹ này với nhiều chế độ và năng lực kế toán thống kê khác nhau. Chúng đòi hỏi những người làm chế độ phải hiểu biết các nhu cầu hiện hành về quản lý tài chính công đối với các quỹ này, mà còn phải hiểu hiện trạng khả năng cung cấp thông tin của họ đến đâu, theo các quy định pháp lý nào? Có như vậy các thông tin mới thực sự hoà hoà và đúng, đủ theo yêu cầu, cũng như có bước đi thích hợp theo nhu cầu nâng cao chất lượng thông tin, tạo gắn bó hiệu quả giữa nhu cầu thông tin với khả năng cung cấp và chất lượng hoạt động phân tích dự báo, cảnh báo sau này.
Công tác xây dựng chế độ báo cáo thống kê tài chính thống nhất từ trung ương đến địa phương cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Để thống nhất được, phải hiểu rõ ở địa phương cần phân tích đánh giá những vấn đề gì, cơ sở kinh tế của các dòng tài chính phát sinh trên địa bàn về tài chính và cách điều hành xử lý các vấn đề tài chính của địa phương… Nói chung, những vấn đề nảy sinh cần xử lý ở địa phương thường rất cụ thể, nhưng lại không chi tiết như các nhu cầu phân tích đánh giá của trung ương trên giác độ tổng thể nền kinh tế quốc dân. Trong khi ở trung ương các vấn đề nổi lên cần tập trung xử lý là về hoạch định và điều chỉnh chính sách, thì ở địa phương lại là giải pháp chấp hành chính sách và những vấn đề cần “lách” sao cho vừa thực hiện được chế độ quy định, lại vừa đảm bảo được các yêu cầu của thực tế tại chỗ… Có như vậy, mới thực sự nắm được các nhu cầu mà các Sở Tài chính địa phương cần hỗ trợ cả về nghiệp vụ, năng lực, tổ chức và phương tiện, công cụ.
Những năm qua, các phần mềm thu thập và tổng hợp các báo cáo thống kê tài chính đã được xây dựng và đang hoạt động tốt, nhưng so với các nhu cầu mới đặt ra như trên còn chưa đủ. Vì vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và triển khai các phần mềm thu thập và phân tích số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính còn thiếu, trên cơ sở các yêu cầu: Đầu vào tương thích với hệ thống chế độ kế toán và báo cáo thống kê kế toán hiện hành cũng như đã được định hướng của Việt nam. Đặc biệt chú ý đến hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho hệ thống thông tin tích hợp ngân sách - kho bạc nhà nước (TABMIS), hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS), hệ thống thông tin quản lý hải quan (VCIS), hệ thống thông tin quản lý dự trữ quốc gia. Đầu ra cho phép chiết suất ra các báo cáo, thông tin cần nghiên cứu trên cơ sở các dữ liệu đã có và cần phải bổ sung. Đặc biệt, chú ý xác định các nhu cầu thông tin theo từng cấp bậc lãnh đạo và theo nhiều nhu cầu của Chính phủ, của các Bộ, ngành để phục vụ có hiệu quả, kịp thời.
Xây dựng một số phần mềm chuẩn cơ bản phục vụ cho công tác phân tích thống kê, tập trung ở các nội dung chính về phân tích các quy luật của các dãy số liệu và thông tin; các mối tương quan chính thường dùng trong phân tích điều hành, hoạch định chính sách trung và dài hạn, dự báo và cảnh báo về an ninh tài chính khi các các biến động bất thường về kinh tế trong nước hay quốc tế.
Bản thân các thông tin, dữ liệu, dù đã được các công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ để tập hợp lại, thì tự nó vẫn chỉ là nguồn thông tin dữ liệu “thô”. Để có sức sống, yếu tố con người làm công tác thống kê mới có tính quyết định. Vì thế, củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho bộ máy ấy hoạt động là không thể thiếu được. Vấn đề đặt ra là phải có kế hoạch rõ ràng và được xác định chi tiết cụ thể theo từng việc, do ai làm và thời điểm phải hoàn thành.
Trong bối cảnh cụ thể của hệ thống đội ngũ cán bộ và vị trí công tác thống kê tài chính chưa đồng đều và thống nhất giữa các đơn vị, giữa các cấp trung ương và địa phương hiện nay, vấn đề phải đẩy mạnh các lớp đào tạo nâng cao năng lực thống kê và phân tích dự báo cho các càn bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính càng cần thiết. Việc đào tạo này nếu chỉ theo các lớp tập trung sẽ là càng khó, bởi hầu hết ở các ngành dọc, các địa phương đa số cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính là kiêm nhiệm. Vì thế, các dạng đào tạo qua mạng, trực tuyến càng cần được chú trọng.
(Theo taichinhdientu.vn)