Các nhiệm vụ triển khai CNTT của ngành Tài chính khi xây dựng dự toán và tổ chức thực hiện đều dựa trên cơ sở nhu cầu thực tế, các yêu cầu về nghiệp vụ quản lý, trong điều kiện chưa có các văn bản hướng dẫn của nhà nước, chưa có định mức xây dựng dự toán, trang bị các sản phẩm về CNTT.
Các văn bản đã ban hành như hướng dẫn định giá phần mềm (Công văn 3364 của Bộ Thông tin và Truyền thông về xác định giá phần mềm); Nghị định quản lý đầu tư CNTT… còn rất nhiều điểm vướng mắc, không triển khai thực hiện được.
Cục Tin học và Thống kê tài chính và các đơn vị trong ngành đã có xây dựng quy định, định mức trang cấp thiết bị CNTT, quy chế sử dụng máy tính xách tay... tuy nhiên những văn bản này chưa là căn cứ chính thức vì chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành, chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn, chưa có định hướng lâu dài.
Nhiều nội dung triển khai CNTT không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, phải dựa theo những thông tin thực tế để xây dựng dự toán: đào tạo chuyên sâu về CNTT, xây dựng phần mềm, bản quyền phần mềm, trong đó đặc biệt là phần mềm. Chỉ khi xác định được cơ bản những nội dung quy trình nghiệp vụ mới có thể xác định được khối lượng công việc để lập dự toán.
Bên cạnh đó, nghiệp vụ quản lý tài chính thường xuyên thay đổi và điều chỉnh; các hệ thống CNTT phải duy trì vận hành song song giữa hệ thống cũ, mới, thử nghiệm chiếm quá nhiều nguồn lực cán bộ CNTT.
Ngoài ra, năng lực của các công ty CNTT trong nước hạn chế: Có rất ít công ty đủ khả năng thực hiện tư vấn giải pháp CNTT để đề xuất với các đơn vị thuộc Bộ những phương án triển khai đồng bộ, hiệu quả; rất ít công ty đủ khả năng để triển khai các dự án lớn cho Bộ Tài chính.
(Kim Hoa)
Theo www.taichinhdientu.vn