Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Định hướng và các giải pháp điều hành giá cả năm 2010
Ngày cập nhật 04/03/2010

Từ cuối năm 2008 và ngay từ đầu năm 2009, trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm, trên cơ sở phân tích dự báo đúng tình hình, Chính phủ đã chuyển trọng tâm điều hành từ "Phấn đấu kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu” sang ưu tiên "Ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ngăn ngừa tái lạm phát"

Trong điều hành giá, Nhà nước kiên trì thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước (năm 2009 đã điều hành theo cơ chế giá thị trường đối với xăng dầu, than bán cho sản xuất xi măng, phân bón, giấy; điều chỉnh một bước giá than bán cho sản xuất điện nhằm tạo điều kiện cho việc điều chỉnh một bước giá điện theo cơ chế thị trường từ ngày 01/3/2009; một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá nước sạch theo cơ chế thị trường theo nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí sản xuất,...). Việc thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước là cả một quá trình và đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện trong năm 2010 và các năm tiếp theo.

Những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại thành công: ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có kết quả nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.  

Năm 2010, với mục tiêu tổng quát là phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, ngăn chặn lạm phát cao trở lại, phấn đấu đạt chỉ số giá tiêu dùng không tăng quá 7%; bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 về các giải pháp chủ yếu điều hành kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

Để thực hiện mục tiêu đó, ngay từ đầu năm, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 2008/CT-TTg về tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh bình ổn thị trường và phục vụ Tết Canh Dần 2010, các Bộ, ngành, UBND các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chỉ đạo và thi hành nhiều biện pháp nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Nhờ vậy, giá cả thị trường không có đột biến xảy ra. So với tháng 1/2010 chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2010 tăng 1,69% (so với cùng kỳ các năm trước: chỉ số giá tháng 2 của các năm 2003-2007 lần lượt tăng là 2,25; 3%; 2,5%; 2,1% và 2,2%; năm 2008 là năm lạm phát tăng cao, tăng 3,6%); tính chung 2 tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,35%, tương ứng với mức tăng chỉ số giá của các giai đoạn trước đó (chỉ số giá 2 tháng đầu năm giai đoạn 2003-2007 lần lượt tăng 3,1%; 4,1%; 3,6%; 3,3% và 3,2%).

Từ nay đến cuối năm 2010, mục tiêu đặt ra là phải phấn đấu để Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng không quá 7% như Quốc hội đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Để đạt mục tiêu đó cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 như sau:

- Về chính sách giá:

Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tránh các hiện tượng “neo giá” để giá cả của những hàng hóa ở mức cao bất hợp lý bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới hoặc “đông giá” ở thị trường trong nước quá thấp bất hợp lý trong khi giá thị trường thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi. Điều hành giá phù hợp tín hiệu của thị trường thế giới "có lên, có xuống" nhưng không thụ động; không thả nổi giá trong nước để thị trường trong nước chịu sự tác động tự do, tự phát của giá thị trường thế giới mà cần có những biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô thích hợp với từng giai đoạn.

Trong điều hành giá cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn việc kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ độc quyền; khuyến khích cạnh tranh về giá theo pháp luật mà hiện nay đang áp dụng đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ của nền kinh tế. Áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất thường.

Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá; những hàng hóa, dịch vụ được Nhà nước sử dụng ngân sách để đặt hàng phục vụ các chương trình, mục tiêu quốc gia; hàng hóa, dịch vụ công ích, hàng hóa còn được trợ cước, trợ giá phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo, hàng hóa thực hiện chính sách xã hội.

Tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách. Nghiên cứu để từng bước chuyển từ hình thức trợ giá, trợ cước sang đầu tư trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát  thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận về thuế, kiểm tra việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá, đấu tranh chống mọi hiện tượng đầu cơ nâng giá bất hợp lý…

Ngoài chính sách điều hành về giá như trên, cần áp dụng đồng bộ với các chính sách sau:

           

- Về chính sách tiền tệ:

Điều hành các công cụ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng.

Điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá linh hoạt trong mối quan hệ với lãi suất, giá tiêu dùng và cán cân thương mại. Ứng phó có hiệu quả với các biến động của các luồng vốn; giữ ổn định cán cân thanh toán tổng thể và mức dự trữ ngoại hối cần thiết.

Tiếp tục xử lý tín dụng phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô; tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung hạn và dài hạn ngân hàng bằng Đồng Việt Nam theo Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 4/4/2009 của Thủ tướng chính phủ và các khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và VLXD ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nhanh, có hiệu quả các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tăng cường thanh tra, giám sát và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

 

- Về chính sách tài  khóa:

Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2%.

Điều chỉnh hợp lý chính sách thu phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, tăng cường quản lý thu; Thực hiện giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đến ngày 31/3/2010 đối với  các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp sản xuất, gia công dệt may, da, giầy. 

Thực hiện các biện pháp phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất hợp lý.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.

 

- Về chính sách xuất, nhập khẩu:

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu (các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, mặt hàng có tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, mặt hàng mới có hàm lượng công nghệ cao); chú trọng công tác xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường. Cơ cấu hàng hóa theo nhu cầu thị trường, nâng chất lượng hàng Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, giữ thương hiệu và uy tín với bạn hàng. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, nhất là thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng có lợi thế so sánh, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và sử dụng nhiều lao động.

Kiểm soát nhập khẩu thông qua việc rà soát cơ cấu lại danh mục, các mặt hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu, nhất là các hàng hóa tiêu dùng xa xỉ chưa thiết yếu (ô tô, xe máy, rượu, hóa mỹ phẩm…).  

 

- Về chính sách thị trường:

Phát triển đồng bộ các thị trường. Tập trung hoàn thiện thể chế cạnh tranh, kiểm soát độc quyền; thể chế thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường công nghệ và một số dịch vụ công cơ bản. Tăng cường công tác giám sát, xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng, chứng khoán, nâng cao tính minh bạch của thị trường. Tăng cường quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, chống đầu cơ trục lợi, nâng giá. Đẩy mạnh việc thực hiện quản lý giá cả theo nguyên tắc thị trường.

 

- Đẩy mạnh hơn công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

 

- Về công tác tuyên truyền:

Thời gian qua các cơ quan báo chí tuyên truyền đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực tài chính. Trong thời gian tới đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để góp phần tuyên truyền đúng chủ trương chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về công tác tài chính nói chung và công tác quản lý, điều hành giá nói riêng nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội để cùng chung sức phấn đấu thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra./. 

(Theo mof.gov.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 424
Chung nhan Tin Nhiem Mang