Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Hợp tác Việt - Nhật ứng dụng CNTT cảnh báo môi trường và giảm nhẹ thiên tai
Ngày cập nhật 12/09/2011

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Hợp tác Việt Nhật ứng dụng CNTT cảnh báo môi trường và giảm nhẹ thiên tai do Viện Công nghiệp phần mềm & nội dung số và Trung tâm Phát triển Công nghệ lõi, Công ty Mạng Hệ thống trực thuộc Tập đoàn Panasonic tổ chức.

Thực tế, do vấn đề biến đổi khí hậu, động đất, thiên tai và bão lũ diễn ra ngày một nhiều, ở khắp nơi trên thế giới và Việt Nam không phải ngoại lệ. Trong năm vừa qua Việt Nam cũng hứng chịu 6 cơn bão nhiệt đới ở biển Đông, 4 đợt lũ lớn tại các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ, với 290 người chết và tài sản thiệt hại ước tính 13,274 tỉ đồng để lại hậu quả khá nặng nề. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong 10 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và việc đưa ra một hệ thống cảnh báo hiện đại là rất cần thiết, sẽ phần nào hạn chế những tổn thất do thiên tai gây ra đối với Việt Nam.- Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì mức độ khó khăn và khả năng triển khai hạ tầng, cũng như ứng dụng CNTT tại nhiều địa phương là rất khác biệt, dẫn tới việc xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tại nhiều nơi hoàn toàn không đơn giản, nhất là hệ thống phải đảm bảo hoạt động 24/7, hoạt động trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, không có người chăm sóc, bảo dưỡng, không có nguồn điện lưới ổn định…

Như vậy, Dự án Hệ thống cảm biến và giám sát phục vụ cảnh báo môi trường và giảm nhẹ thiên tai này sẽ chỉ được thí điểm tại Cần Thơ và Đà Nẵng trong vòng 1 năm kể từ tháng 1/2012. Theo đó, mô hình thí điểm sẽ sử dụng giải pháp tích hợp hệ thống cảm biến (sensor system) với hạ tầng mạng truyền dữ liệu không dây băng rộng mắt lưới (wireless mesh network) và giải pháp quản lý truy cập dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây (iDragon Cloud) phục vụ giám sát môi trường và cảnh báo sớm thiên tai.

Ông Nguyễn Trung Nhân, Giám đốc Sở TT&TT Thành phố Cần Thơ cũng bày tỏ mong muốn sớm được tiếp nhận hệ thống để nhân dân Cần Thơ có cuộc sống an toàn hơn trong bối cảnh nhu cầu cảnh báo thiên tai và giám sát môi trường rất cao nhưng việc đầu tư chưa nhiều, đặc biệt là các thiết bị công nghệ cao. Nếu dự án thí điểm triển khai thành công tại Cần Thơ thì có thể triển khai tại nhiều địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có những đặc điểm địa lý tương tự Cần Thơ.

Riêng Thanh hóa, qua khảo sát, với nhiều loại hình thiên tai như bão trên biển Đông, lũ ống, lũ quét trên sông Bưởi, sạt lở trên vùng núi và các vùng dân cư ven sông…Do đó, việc đưa ra một giải pháp ứng dụng CNTT tổng thể phục vụ giám sát và cảnh báo thiên tai cho Thanh hóa cần nhiều thời gian và công sức hơn nữa. Thực tế, việc Thanh Hóa không được nâng cấp đồng bộ hạ tầng mạng 3G, WAN…mỗi khi có thiên tai chỉ có thể sử dụng điện thoại để thông báo cho cơ quan có trách nhiệm, thậm chí, nhiều lúc mạng viễn thông cũng bị ngừng hoạt động, dẫn đến không thể cảnh báo thiên tai cho người dân.

Hiện, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đã cùng đối tác Nhật Bản Panasonic khảo sát thực tế và đánh giá nhu cầu ứng dụng CNTT phục vụ cảnh báo môi trường và giảm nhẹ thiên tai tại một số địa phương. Viện và Công ty Mạng hệ thống Panasonic sẽ triển khai thí điểm hệ thống ứng dụng CNTT cảnh báo môi trường và giảm nhẹ thiên tai tại 2 thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ.

Viện đã xây dựng triển khai thành công một số dự án hợp tác nghiên cứu phát triển phần mềm và nội dung số, điển hình là dự án Rồng thông minh i Dragon hợp tác với Công ty Hệ thống Bảo mật T-SS Nhật Bản với sản phẩm điện toán đám mây đã có mặt trên thị trường; và nay là dự án thí điểm Xây dựng hệ thống hạ tầng mạng không dây mắt lưới giám sát môi trường, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai, hợp tác với Tập đoàn Panasonic Nhật Bản.

Chia sẻ về công nghệ mới này, ông Tokikazu Matsumoto, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Mạng Hệ thống Panasonic cho biết: Hệ thống cảm biến môi trường và cảnh báo thiên tai tại Nhật Bản được phân làm 5 loại theo chức năng chính là: thu thập thông tin, đo đạc thường xuyên bằng cảm biến, liên kết với vệ tinh khí tượng và các đầu đọc để nắm bắt thông tin lượng mưa, tốc độ gió, lượng nước, phục vụ cảnh báo thiên tai trong tương lai.

Sau đó, xác định vùng hứng chịu thiên tai, truyền tải thông tin hình ảnh dữ liệu bằng camera gắn sẵn để truyền thông tin về, hoặc dùng máy bay trực thăng gắn thiết bị thu thập thông tin để truyền về từ địa điểm đó. Thông tin thu được sẽ được truyền về UBND tỉnh và các cơ quan hành chính địa phương, theo hệ thống mệnh lệnh được quy định sẵn để ban hành lệnh cứu trợ, cứu hỏa, kêu gọi người dân di tản. Đưa đến người dân thông tin về thiên tai, sử dụng hệ thống loa phát thanh gắn sẵn để kêu gọi di tản. Cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông như điện thoại, Internet, đài phát thanh...

Đối với 2 địa phương được lựa chọn, vị đại diện Panasonic đề xuất tại Cần Thơ sẽ bố trí cảm biến cảnh báo lũ lụt và theo dõi chất lượng nước dọc sông Hậu, thông tin dữ liệu thu thập được sẽ được truyền về Ủy ban Phòng chống bão lụt và UBND tỉnh. Và tại Đà Nẵng, thông tin truyền từ camera giám sát tại các bãi biển, bờ sông sẽ được truyền về Trung tâm Phòng chống lụt bão của Đà Nẵng.

Những thiết bị hiện đại dự kiến sẽ được sử dụng gồm hệ thống cảm biến mực nước sử dụng giải pháp đo mực nước bằng áp lực nước, siêu âm hoặc vi sóng; cảm biến đo lưu lượng dòng chảy của sông; cảm biến giám sát độ ô nhiễm của nước; camera giám sát thực địa với kỹ thuật chụp ảnh có độ nét cao nhất thế giới, chụp được cả trong điều kiện ngược sáng hoặc ánh sáng yếu...; giải pháp truyền thông không dây để truyền thông tin dữ liệu từ các cảm biến về trung tâm phòng chống bão lụt.

Bên lề Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác triển khai dự án thí điểm hệ thống cảnh báo thiên tai và giám sát môi trường.

 

Lễ ký kết hợp tác triển khai dự án thí điểm hệ thống cảnh báo thiên tai
và giám sát môi trường. Ảnh: TH.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 911
Chung nhan Tin Nhiem Mang