i) Hạ tầng CNTT để thực hiện các dịch vụ/ dùng chung cho nhiều người, hoặc nhiều tập thể. Nó bao gồm cả phần cứng máy chủ, hệ thống lưu trữ và mạng cùng với hệ thống điều hành kèm theo và phần mềm ảo hoá được dùng để cung cấp các dịch vụ;
ii) Nền tảng để phát triển các ứng dụng và triển khai nhằm cung cấp các dịch vụ cho mọi đối tượng có nhu cầu, chẳng hạn các phần mềm nguồn mở, các hệ điều hành,…;
iii) Các ứng dụng đã tương đối hoàn chỉnh có thể được cung cấp như là các dịch vụ phục vụ cho người sử dụng cuối cùng. Bao gồm các phần mềm dùng chung, các phần mềm chuẩn theo các hoạt động chuẩn nào đó,…
2. Chỉ vài năm sau khi xuất hiện, “điện toán đám mây” đến nay đã trở thành một xu thế công nghệ hiện thực. Số lượng các công ty theo đuổi điện toán đám mây ngày càng nhiều, số lượng dịch vụ ngày một phong phú. Bởi vì, như trên đã nêu, có thể nói, điện toán đám mây là một giải pháp công nghệ nhằm giúp cho người sử dụng có thể sử dụng các sản phẩm CNTT với hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.
3. Hiện nay, các dịch vụ qua điện toán đám mây có thể được phân theo 3 hình thái: công cộng, nội bộ, lai ghép.
- Với hình thái công cộng: nhiều khách hàng sẽ cùng chia sẻ tài nguyên điện toán đám mây mà được cung cấp bởi một nhà cung cấp dịch vụ. Họ sẽ có quyền truy cập đến các tài nguyên này trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng không có một thủ tục ngăn cản nào. Họ chỉ phải trả chi phí cho những tài nguyên mà họ đã sử dụng như là chi phí hoạt động. Theo mô hình này, mặt ưu là tiết kiệm tối đa đối với người sử dụng. Song, mặt trái là vấn đề an toàn dữ liệu lưu trữ ở bên nhà cung cấp dịch vụ: không bị thất thoát, không bị truy cập trái phép, không bị hacker, lại bị đòi hỏi tuân thủ các yêu cầu về sắp xếp tổ chức dữ liệu, tính sẵn sàng phải luôn cao với độ trễ thấp. Nên, hiện mô hình này chủ yếu được sử dụng bởi các cá nhân, đơn vị nhỏ với các nhu cầu thông dụng.
- Với hình thái đám mây nội bộ: tài nguyên đám mây điện toán sẽ chỉ dành riêng cho một tổ chức, một ngành và được kiểm soát bởi chính định chế tổ chức của tổ chức, ngành ấy. Đám mây nội bộ này thường được đặt tại trung tâm dữ liệu của tổ chức, ngành đó và được quản lý bởi lực lượng nội tại. Nó cũng có thể được quản lý bởi một tổ chức dịch vụ khác. Ưu điểm của hình thái này là tính bảo mật, an toàn dữ liệu sẽ được đảm bảo trên cơ sở khả năng, nhu cầu của chính họ. Nhưng điểm yếu của mô hình này là tính chia sẻ không cao, các sản phẩm mà họ sử dụng thường có tính “may đo” cho các đặc điểm hoạt động riêng có của chính họ.
- Với hình thái lai ghép: tổ chức sử dụng cả hai hình thái trên sẽ rất thuận lợi cho đơn vị. Tuy nhiên, để thực hiện tốt và đúng các yêu cầu, thì phải có cơ chế quan hệ rất chi tiết, chặt chẽ và hợp lý giữa đơn vị cung cấp dịch vụ công cộng và đơn vị cung cấp dịch vụ nội bộ. Hiện, hình thái này mới chỉ được ghép ở dạng thuê máy chủ và địa điểm, chưa đạt đến mức nhiều nhu cầu hơn.
4. Về mặt nguyên lý: Các “đám mây điện toán” được nói đến đều do con người tạo ra. Vì vậy, chúng đều có chủ. Điều đó nghĩa là chúng đều có bản quyền. Và mọi người - ngoài chính chủ - muốn được sử dụng đều phải trả chi phí cho chủ đã sinh ra chúng. Là các “đám mây” chúng sẽ được sử dụng cho nhiều người hơn, với phong phú hơn và đa dạng hơn về cách sử dụng. Tương ứng, chủ của chúng sẽ có nhiều giải pháp hơn để thu hồi “vốn” cho mình, kể cả bằng cách khuyến mại cho không “phần gốc” và tính đủ chi phí vào “phần dịch vụ tiếp theo”, hay nói một cách thô thiển hơn là có thể cho không máy, nhưng sẽ bán đắt phụ tùng để thu hồi đủ vốn và lãi.
5. Trong thực tiễn xây dựng và phát triển ứng dụng CNTT vào các hoạt động của ngành Tài chính nước ta, điện toán đám mây thực ra đã được tổ chức ngay từ khi mới sơ khai. Đó là bản thân mạng của hệ thống tài chính mà chúng ta đã xây dựng cho đến nay thực chất đang là một “đám mây nội bô” của ngành (sau đây gọi là mạng toàn ngành). Đám mây này bao gồm đủ các phần từ hạ tầng truyền thông đến một số ứng dụng được sử dụng chung. Trong đám mây này còn có cả các đám mây cục bộ khác, như các mạng riêng theo lĩnh vực (sau này gọi chung là các mạng lĩnh vực) của hệ thống Thuế, hệ thống Hải quan, hệ thống Kho bạc… mà mỗi hệ thống cũng đều có đủ các bộ phận như hệ thống chung toàn ngành. Ưu điểm về an toàn bảo mật của hình thái đám mây nội bộ này trong thời gian qua đã có những phát huy nhất định. Song, cũng có nhiều phân vân/ câu hỏi cần được bàn đến:
5.1. Về hạ tầng truyền thông: song song với hệ thống mạng toàn ngành, các mạng lĩnh vực cũng đang được phát triển bằng các dự án hiện đại hoá theo từng lĩnh vực (hiện đại hoá Thuế, hiện đại hoá Hải quan, TABMIS,…). Mối liên hệ giữa các đám mây này hiện mới được thực hiện chủ yếu bằng Quy định sử dụng hệ thống hạ tầng truyền thông thống nhất cho các nhu cầu truyền tin từ cấp tỉnh trở lên. Việc truyền tin từ cấp huyện và tương đương về các Sở Tài chính hiện đang được triển khai bằng dự án hỗ trợ kết nối từ các Phòng Tài chính. Trong xu thế công nghệ ngày càng phát triển với tốc độ nhanh, tốc độ lạc hậu của các thiết bị ngày càng lớn, khối lượng các thông tin cần truyền và lưu trữ ngày càng nhiều,… Rõ ràng tính thống nhất của mạng toàn ngành là cần được quan tâm, không chỉ ở việc sử dụng có hiệu quả cao nhất các đường truyền, mà cả hệ thống các trung tâm dữ liệu (datacenter) như: Phân tán hay tập trung, tiếp tục tự mua sắm hay phát triển thuê hệ thống máy chủ cũng như nơi để chúng, thuê dịch vụ đường truyền bằng một đơn vị hay nhiều đơn vị dịch vụ,…
5.2. Về nền tảng của hệ điều hành thống nhất cho tổng thể toàn ngành: cho đến nay, nền tảng hệ điều hành đối với toàn ngành chủ yếu là đựa trên các hệ điều hành có bản quyền như microsoft, oracle. Để thực hiện đúng các cam kết quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế, việc mua các bản quyền này đã đặt ra một nhu cầu kinh phí không nhỏ. Trong khi đó, vần đề sử dụng các phần mềm nguồn mở đang là một trong nhưng vấn để nổi lên đối với giới công nghệ thông tin nước ta hiện nay. Tuy nhiên, các phần mềm nguồn mở sẽ không thể dùng ngay được cho các công việc có tính rất đặc thù của ngành Tài chính, mà vẫn phải cần các chi phí để tuỳ biến. Trong nhiều năm qua, ngành Tài chính đã bỏ ra số tiền không nhỏ để tuỳ biến các phần mềm có bản quyền đó tạo nên một bộ các phần mềm dùng cho các công việc của ngành. Vấn đề tính đủ và động, dài hạn các chi phí trong sử dụng các hệ điều hành là cần, nhưng bài toán rất khó mà hiện chưa có nước nào tính được đầy đủ.
5.3. Về phần mềm dùng chung: Để tiết kiệm chi phí, rõ ràng, vấn đề đưa vào càng nhiều phần mềm dùng chung sẽ là càng hiệu quả. Từ sớm, ngành Tài chính đã xây dựng một hệ thống danh mục dùng chung, gồm các dữ liệu, thông tin mà có thể dùng chung cho cả ngành từ Trung ương tới địa phương. Đến nay, dự án TABMIS là một trong những dự án tiên phong tạo phần mềm dùng chung thống nhất lớn cho toàn hệ thống quản lý ngân sách và KBNN. Sắp tới, các dự án hiện đại hoá quản lý các lĩnh vực Thuế (ITAIS), Hải quan (VCIS), dự án xây dựng phần mềm dùng chung cho các Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Lưu ký, dự án xây dựng Chương trình Quản lý Nợ Chính phủ thống nhất (DMFAS) đang được triển khai cũng sẽ tạo tiếp các phần mềm lớn dùng chung cho các lĩnh vực này… Hiện Bộ Tài chính cũng đã có nhiều phần mềm có thể dùng chung đang được nghiên cứu để tiếp tục đưa vào thành các phần mềm dùng chung như Chương trình quản lý văn thư lưu trữ và điều hành, Chương trình quản lý tài sản nội ngành, Chương trình phục vụ công tác quản lý cản bộ, Chương tình cho công tác thi đua khen thưởng,… Đó là các hoạt động đã được xác định đúng hướng, đúng xu thế. Song, vẫn còn nhiều vấn đề cần được bàn đến. Chẳng hạn, với yêu cầu đa dạng của công tác quản lý tài chính sẽ cần bao nhiêu phần mềm dùng chung phải xây dựng tiếp và như thế có hiệu quả không so với việc tận dụng các phần mềm sẵn có khác mà ngành Tài chính có thể thuê dịch vụ? Hiện nay chúng ta đang phát triển tiếp chương trình trao đổi thông tin thuế giữa các lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc và Tài chính, vậy tiếp theo nữa là các nguồn, cơ sở dữ liệu được tạo ra sẽ được khai thác, sử dụng như thế nào phục vụ không chỉ cho nội ngành Tài chính mà cho cả quốc gia? Thêm nữa là các cơ sơ dữ liệu ấy sẽ được công khai đến mức nào trong phạm vi của hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia, còn ở mức độ nào sẽ được phép làm dịch vụ...
5.4. Vấn đề thúc đẩy sử dụng dịch vụ: hiện nay, để tổ chức quản lý, vận hành và hỗ trợ triển khai những ứng dụng CNTT, toàn ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương đã phải sử dụng một lực lượng lao động không nhỏ, mà vẫn không thể tự mình tuỳ chỉnh các phần mềm đã xây dựng cho phù hợp với những điều chính và thay đổi về chính sách chế độ tài chính, cho cập nhật theo những tiến bộ của CNTT, chưa kể hiện cũng có rất nhiều công việc đang phải thuê dịch vụ hệ thống truyền thông cũng như kinh phí hàng năm đào tạo cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ ấy. Trong những năm tới, cần bao nhiêu nữa cả về con người và kinh phí sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất là bài toán không dễ xác định, bởi sự phụ thuộc của nó với các vấn đề đã nêu trên… Ngược lại, hệ thống hạ tầng truyền thông của nội ngành thực ra không phải lúc nào cũng bị tận dụng hết, vậy có thể xác định được không việc sử dụng hệ thống đó để làm dịch vụ cho xã hội và cơ chế nào cho phép…
Trả lời và giải đáp cho các vấn đề trên, rõ ràng là những bài toán mà ngành Tài chính cần được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, các nhà tư vấn, các nhà giải pháp trong và ngoài nước.
(Theo taichinhdientu.vn)