Bộ Tài chính chiều tối qua đã phát đi thông điệp lý giải chuyện chưa giảm giá bán lẻ, dù rằng trong gần một tháng (từ ngày 10/6 đến ngày 7/7), giá dầu thô giảm tới 4,95%, giá xăng thành phẩm nhập khẩu giảm 0,96%, diezen giảm 0,52% và dầu hỏa giảm 0,84%.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường nhiên liệu thế giới có những diễn biến trái ngược. Trong lúc giá dầu thô giảm thì giá xăng dầu thành phẩm vẫn đứng ở mức rất cao. Trong hai ngày qua, giá dầu thô bỗng tăng trở lại và gần tiến sát mốc 99 USD một thùng. Xăng dầu nhập khẩu thành phẩm cũng tăng ở mức tương ứng khiến cho doanh nghiệp chưa đủ bù đắp chi phí. Do vậy, việc giảm giá bán lẻ lúc này là chưa thể tính đến. Bộ cũng quyết định chưa tăng thuế nhập khẩu với các mặt hàng này.
Hiện, giá xăng A92 của Việt Nam là 21.300 đồng mỗi lít. Dầu diezel có giá 21.100 đồng, dầu hỏa giá 20.800 đồng một lít và dầu mazut giá 2.000 đồng mỗi kg. Theo Bộ Tài chính, nếu so Trung Quốc, Lào, Campuchia thì giá mặt hàng xăng của Việt Nam đang ở mức thấp hơn các nước kể trên từ 4.048 đồng đến 5.225 đồng mỗi lít và mặt hàng dầu diezel thấp hơn từ 2.750 đồng đến 5.281 đồng mỗi lít.
Tuy nhiên, một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính khi chia sẻ với VnExpress.net mới đây lại có quan điểm ngược lại. Vị quan chức này bày tỏ sự không hài lòng với đợt tăng thuế và nâng mức sử dụng quỹ bình ổn giá mà chính cơ quan này ban hành hồi đầu tháng trước. Bởi tại thời điểm đó, xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để giảm giá bán.
"Nếu được lựa chọn, tôi sẽ giảm giá bán lẻ chứ không phải là tăng thuế như vậy", ông này nói.
Ông cho rằng sau nhiều lần chỉ biết có tăng, khi dầu thế giới hạ nhiệt và có cơ hội cần giảm giá bán lẻ ngay cho người tiêu dùng. "Lỗ thì tăng giá, lãi thì giảm giá. Làm như vậy, người dân sẽ cảm thấy sòng phẳng, minh bạch và họ sẽ không thấy hoài nghi nhiều đến chuyện lỗ lãi", vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, hai tuần qua, giá nhiên liệu thế giới giảm mạnh và có lúc xuống mức rất thấp với 94,78 USD mỗi thùng. Thế nhưng, giá bán lẻ trong nước vẫn không được điều chỉnh giảm.
Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa lý giải rằng việc chưa thể giảm giá bán lẻ trong nước là vì hai tuần trước giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore vẫn tăng và đứng ở mức rất cao. Trong khi, cùng thời điểm này giá dầu thô lại liên tục giảm.
Theo ông Thỏa, tại thời điểm này, giá xăng đã bắt đầu hòa vốn nhưng mặt hàng dầu vẫn chưa bù đắp nổi chi phí. Vì vậy, việc giảm giá bán lẻ vào lúc này là chưa tính đến. Tuy nhiên, quan điểm điều hành của Liên bộ Tài chính - Công Thương, thời gian tới, nếu giá thế giới tiếp tục giảm, cơ quan này sẽ tiến hành tăng thuế ở mức hợp lý và giảm giá bán lẻ ở mức phù hợp.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thời gian qua, Bộ Tài chính thường đưa ra con số cả nghìn tỷ đồng lỗ mà các nhà nhập khẩu đầu mối đang phải chịu để hợp thức hóa cho các đợt tăng giá bán lẻ. Thế nhưng, thực tế con số lỗ lãi này lại có phần chưa minh bạch và không được công bố bởi cơ quan kiểm toán độc lập. Chưa kể, xăng dầu của Việt Nam bị gánh quá nhiều phí và thuế khiến cho giá bán lẻ luôn đứng ở mức cao.
Lý giải về điều này, Bộ Tài chính cho rằng, nếu so sánh với hai nước láng giềng là Lào và Campuchia thì các khoản phí và thuế mà VN tính vào giá xăng dầu ở mức rất thấp. Chẳng hạn, Lào thu thuế và phí mỗi lít xăng dầu là 8.300 đồng, Campuchia thu 6.875 đồng thì tại Việt Nam, mức thu này chỉ là 4.755 đồng mỗi lít, tương ứng với khoảng 22,85% giá bán lẻ hiện hành.
Hồng Anh - Theo www.express.net