Cơ sở pháp lý về Quỹ Bình ổn giá nói chung và Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Quỹ Bình ổn giá không phải là giải pháp bình ổn giá mới có gần đây: Từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta đã đề ra: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giá cơ sở và đổi mới công tác quản lý giá. Tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia, đổi mới cơ chế dự trữ lưu thông, cơ chế hình thành và hoạt động của Quỹ bình ổn giá, phương thức can thiệp để bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu”.
Ngày 12/4/1993 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 151/QĐ-TTg về hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá (đến năm 1999 thì Quỹ này chuyển sang Quỹ hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/9/1999 về việc lập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu).
Tại Điều 5 Pháp lệnh Giá quy định: "Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với những hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, phát triển".
Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25/12/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giá, tại Điều 3 cũng đã quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết để bình ổn giá khi thị trường có những biến động bất thường (các biện pháp tài chính bao gồm: thuế, phí, hình thành các Quỹ tài chính…).
Từ những căn cứ trên, trước tình hình giá thế giới biến động mạnh, lạm phát bùng nổ có tính toàn cầu, tác động bất lợi đối với kinh tế trong nước, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã có lúc tăng đến đỉnh điểm: 147 USD/thùng..., Ngày 23/6/2008 tại Thông báo số 147/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh doanh xăng, dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác đã chỉ đạo: Trước tình hình giá cả vật tư hàng hoá trên thế giới, nhất là xăng dầu, phân bón, thép tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững… Bộ Tài chính “chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan cụ thể hoá điều kiện thực hiện, cơ chế quản lý, sử dụng, hạch toán Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp để áp dụng khi có điều kiện thuận lợi”.
Sau đó, ngày 9/1/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg về việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong đó Điều 2 quy định: " Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương: Căn cứ vào diễn biến giá cả thế giới và trong nước, quy định mức trích cụ thể trong từng thời điểm cho phù hợp; Hướng dẫn cơ chế hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ".
Căn cứ quy định trên, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối triển khai và đã ban hành Thông tư số 56/2009/TT-BTC ngày 23/3/2009 về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong đó khoản 2 Điều 4 Thông tư số 56/2009/TT-BTC quy định: "Quỹ Bình ổn giá được hình thành từ khoản mục chi phí được tính trong cơ cấu giá thành để hình thành giá bán tính đúng, tính đủ của giá bán lẻ một lít xăng, dầu hoả, điêzen, giá bán buôn 1 kilôgam madut bán ở thị trường trong nước. Giá bán ở thị trường trong nước được hình thành theo quy định tại Điều 3, Chương I Thông tư này, cộng thêm tối đa 500 đồng/lít, kg để trích lập Quỹ Bình ổn giá...". Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 159/2009/TT-BTC ngày 6/8/2009 về việc sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, sử dụng, quyết toán Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Ngày 15/10/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó Điều 26 quy định:"Thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ Bình ổn giá để tham gia bình ổn giá theo quy định tại Điều 27 Nghị định này; Quỹ Bình ổn giá được lập để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá; Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá".
Căn cứ quy định đó, sau khi lấy ý kiến của các Bộ (Công Thương), Ngành (các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối liên quan), Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/TT-BTC ngày 9/12/2009 hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Như vậy, việc hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là theo đúng chủ trương, Nghị quyết của Đảng và có căn cứ pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi đã chuyển giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xoá bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát.
Thực tế triển khai và điều hành Qũy Bình ổn giá xăng dầu
Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá đang được thực hiện trích lập, sử dụng, quản lý theo quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; cụ thể:
Về trích Quỹ Bình ổn giá:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư 234/2009/TT-BTC thì: "Quỹ Bình ổn giá được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của Thương nhân đầu mối.Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ Bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các Thương nhân đầu mối thực hiện"
Chính vì vậy, việc trích Quỹ BOG là chi phí bắt buộc, không phụ thuộc và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thực tế, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, tình hình kinh tế xã hội trong nước và các quy định hướng dẫn tính giá cơ sở xăng dầu, sau khi trao đổi với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có các giải pháp điều chỉnh giá; thuế; mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG xăng dầu phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới. Kể từ khi bắt đầu trích Quỹ Bình ổn giá đến nay, mức trích Quỹ Bình ổn giá qua các thời kỳ, cụ thể như sau:
(đơn vị tính: đồng/lít,kg)
STT
|
Thời gian
|
Xăng
|
Điêzen
|
Dầu hoả
|
Ma Dút
|
1
|
Từ 27/3/2009
đến 03/4/2009 (dieden)
đến 09/5/2009
(madút)
đến 29/5/2009
(dầu hoả)
|
|
250
|
460
|
230
|
|
dừng trích
|
460
|
230
|
|
|
460
|
dừng trích
|
|
0
|
dừng trích
|
0
|
2
|
Từ ngày 19/09/2009 đến 30/9/2009
|
|
100
|
200
|
0
|
3
|
Từ ngày 01/10/2009 đến hết 14/12/2009
|
200
|
300
|
200
|
200
|
4
|
Từ ngày 15/12/2009 đến hết 9/6/2011
|
300
|
300
|
300
|
300
|
5
|
Từ ngày 10/6/2011 đến 21h ngày 26/8/2011
|
400
|
300
|
300
|
300
|
6
|
Từ 21h ngày 26/8/2011 đến nay
|
300
|
300
|
300
|
300
|
Về sử dụng Quỹ Bình ổn giá:
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính – Công Thương (thông qua Tổ Giám sát Liên Ngành về giá xăng dầu - nhiệm vụ của Tổ này được quy định tại Quyết định số 3130/QĐ-BTC ngày 11/12/2009).
Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá; chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện Bình ổn giá; kiềm chế tăng giá hoặc không được tăng giá bán, thì lúc đó cùng với các công cụ tài chính khác (điều hành linh hoạt thuế nhập khẩu), Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá không phải cố định mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành; tình hình kinh tế, xã hội trong nước... cụ thể:
(đơn vị tính: đồng/lít,kg)
STT
|
Thời gian
|
Xăng
|
Điêzen
|
Dầu hoả
|
Ma Dút
|
1
|
Từ ngày 1/4 đến ngày 27/5/2010
|
500
|
400
|
400
|
0
|
2
|
Từ ngày 28/5/2010 đến 8/6/2010
|
200
|
400
|
400
|
0
|
3
|
Từ ngày 22/10 đến 12/11/2010
|
550
|
550
|
700
|
250
|
4
|
Từ ngày 13/11/2010 đến 14/1/2011
|
1200
|
1000
|
1200
|
700
|
5
|
Từ ngày 15/1/2011 đến ngày 10/2/2011
|
1200
|
1600
|
1200
|
700
|
6
|
Từ ngày 11/2/2011 đến 10h ngày 24/2/2011
|
1650
|
2300
|
2150
|
1400
|
Cơ chế kiểm soát đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu:
- Việc trích, sử dụng Qũy Bình ổn giá: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính – Công Thương (thông qua các thông báo của Tổ Giám sát Liên Ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Qũy Bình ổn giá.
- Quỹ Bình ổn giá được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích Bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác.
- Định kỳ hàng Qúy các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với Bộ Tài chính (được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 2342009/TT-BTC), kể cả trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất...
Đánh giá hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu:
Những tác động tích cực:
Việc trích Quỹ Bình ổn giá là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thì "Quỹ BOG được lập để tại doanh nghiệp được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá", Quỹ BOG không thu vào Ngân sách Nhà nước. Đây cũng là một trong những biện pháp tài chính mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để bình ổn giá.
Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ Bình ổn giá thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn, ví dụ: nếu không được sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì ngay trong thời điểm Tết nguyên đán 2011 vừa qua đã phải điều chỉnh giá lên 700 – 1.200 đồng/lít, kg tùy theo từng chủng loại xăng dầu mà không thể giữ ổn định giá cho đến ngày 24/2/2011 mới điều chỉnh giá và mức giá phải tăng từ 3.510 – 5.850 đồng/lít,kg chứ không phải mức tăng chỉ từ: 2.110 – 3.550 đồng/lít,kg; hơn nữa, nếu không có Quỹ Bình ổn giá sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, ví dụ: từ ngày 22/10/2010 đến ngày 24/2/2011 sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ít nhất 4 lần tương ứng với các lần tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như đã nêu tại biểu sử dụng Quỹ Bình ổn giá (điểm 2 mục II trên đây)...
Một số ý kiến khác:
Hiện nay cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ... Lãnh đạo Bộ Tài chính đang chỉ đạo sơ kết, hội thảo, đánh giá sau đó sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ để đưa ra quyết định phù hợp.
Mô hình Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico... và được coi là công cụ tài chính hiệu quả nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở nước ta hiện nay, trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường, những biện pháp như trợ giá (từ năm 2008 trở về trước, mỗi năm Ngân sách phải bỏ ra trên 20.000 tỷ đồng để bù lỗ kinh doanh xăng dầu, chưa kể việc giảm thuế nhập khẩu); trợ cấp sẽ không còn phù hợp và vi phạm cam kết khi gia nhập WTO. Trong bối cảnh đó, để có những biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ BOG là một giải pháp phù hợp. Thực tế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh nói riêng và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội.
Vừa qua, ngày 19/7/2011 Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 75/TTr-BTC trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua để trình Quốc hội dự thảo Luật Giá thay thế Pháp lệnh Giá (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2011 và thông qua trong năm 2012); trong đó có bổ sung cụ thể biện pháp bình ổn giá: "Lập Quỹ Bình ổn giá; sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá".
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành Kiểm toán việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và tại Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Qua quá trình Kiểm toán, bước đầu Kiểm toán Nhà nước có nhận xét, đánh giá cao về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chấp hành tốt hướng dẫn trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.
PV (Tổng hợp)
theo mof.gov.vn