Lâm Đồng có 17 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chè, với tổng vốn đầu tư 324 tỷ đồng, nhưng tính đến đầu 2010, các doanh nghiệp này có số lỗ luỹ kế đã là 317 tỷ đồng, nhiều đơn vị đã mất gần hết vốn, thậm chí có đơn vị có số lỗ vượt quá số vốn đầu tư, trong khi còn nhiều khoản phải chi trả rất lớn.
Theo ông Trần Ngọc Hương, Cục trưởng Cục thuế Lâm Đồng, xét về khả năng tài chính thì doanh nghiệp phải dừng hoạt động khi đã mất hết vốn, nhưng trên thực tế, tất cả 17 doanh nghiệp FDI này không những hoạt động bình thường, mà còn mở rộng quy mô kinh doanh, đầu tư thêm nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, thuê thêm đất để trồng chè…
Nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá, Cục thuế Lâm Đồng đã tổ chức thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, triệt để khai thác thông tin của những người đã từng làm việc, đang làm việc tại doanh nghiệp và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp cung cấp. Từ những thông tin này, cơ quan thuế đã phát hiện ra nhiều hành vi gian lận.
Cụ thể, trong khi giá nguyên liệu để sản xuất ra 1 kg chè trên thị trường là 175.000 đồng, nhưng doanh nghiệp FDI bán chè cho công ty mẹ ở nước ngoài chỉ với giá 64.580 đồng/kg. Cơ quan thuế cũng phát hiện ra nhiều khoản tài chính có dấu hiệu bất thường nhằm duy trì sự hoạt động của công ty con tại Việt Nam như người mua (phía nước ngoài) trả trước tiền hàng, cho doanh nghiệp vay tiền không tính lãi và cũng không quy định thời hạn trả nợ như hoạt động vay nợ bình thường khác…
Kết quả của “chiến dịch” chống chuyển giá là xử lý toàn bộ số lỗ (258 tỷ đồng) mà trước đó đã được 17 doanh nghiệp đề nghị được chuyển lỗ; xác định được nhiều doanh nghiệp đã có lãi từ năm 2005 hoặc 2006 trong khi trước đó, những doanh nghiệp này đều khai lỗ; tất cả các doanh nghiệp buộc phải thực hiện nghiêm túc giá thị trường khi xuất khẩu sản phẩm về công ty mẹ (giá bán tăng 2-3 lần)… Trong quý I/2011, 17 doanh nghiệp FDI kể trên đã lãi 45 tỷ đồng, nộp thuế 6 tỷ đồng thay vì khai lỗ và đề nghị được chuyển lỗ như những năm trước đây.
Đồng Nai cũng là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước, vì vậy, Cục thuế Đồng Nai đặc biệt coi trọng việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp FDI bằng việc thành lập riêng một phòng chuyên thanh tra doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có quy mô lớn trong nước. Kết quả là, năm 2010, Cục thuế Đồng Nai sau khi tiến hành thanh tra chống chuyển giá đã yêu cầu Công ty Changshin Vietnam giảm lỗ trên 120 tỷ đồng, Công ty liên doanh Suzuki Vietnam giảm lỗ trên 70 tỷ đồng. Năm 2010, Cục thuế Đồng Nai đã thu về cho ngân sách khoảng 500 tỷ đồng (trong đó trên 90% là truy thu từ khối doanh nghiệp FDI), gấp nhiều lần những năm trước đó cộng lại.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục thuế Đồng Nai, ông Nguyễn Quốc Hùng, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của không ít doanh nghiệp FDI nhìn chung chưa tốt. Họ sử dụng nhiều biện pháp để né thuế, trong đó phổ biến là chuyển giá, phân tán lợi nhuận qua hợp đồng khống, chuyển sản phẩm với số lượng lớn ra nước ngoài dưới hình thức chào hàng, lợi dụng sơ hở trong chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam…
Vì vậy, theo ông Hương, tiến hành kiểm tra trực tiếp tại trụ sở doanh nghiệp là bước đi quyết định của “chiến dịch” chống chuyển giá. Cục thuế đã lựa chọn cán bộ thuế có năng lực, trình độ và nghiệp vụ cao với quan điểm vừa mềm dẻo trong giao tiếp, vừa vững vàng về nghiệp vụ, giải thích rõ ràng, kết luận chặt chẽ, đúng luật.
Tuy vậy, vẫn có một khó khăn lớn đối với cơ quan thuế là, cơ sở dữ liệu của ngành về doanh nghiệp FDI không đầy đủ để có thể phân tích, đánh giá, nhận định doanh nghiệp có chuyển giá hay không.
Nhận định về “cuộc chiến chống chuyển giá”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Tôi tin rằng có thể đẩy lùi được tình trạng lãi thật - lỗ giả nếu ngành Thuế kiên quyết, triển khai đồng bộ các biện pháp chống chuyển giá trên diện rộng”.
Theo báo Đầu tư