Theo đánh giá Bộ Công Thương, về cơ bản chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thu được những thắng lợi nhất định. Các địa phương khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã tiếp cận được hàng hóa với với tổng kinh phí hỗ trợ là 20,1 tỷ đồng.
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trong lĩnh vực gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái… Đến hết tháng 7, lực lượng QLTT đã kiểm tra 92.465 vụ, xử lý 49.871 vụ vi phạm với tổng số thu 160,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên qua thời gian triển khai, chương trình đã vấp phải những trở ngại và bất cập nhất định. Nhiều ý kiến của các Sở Công Thương, doanh nghiệp, hiệp hội và các nhà quản lý đã nêu lên những khó khăn khi thực hiện CVĐ.
Cần đa dạng hàng hóa đưa về nông thôn...
Cụ thể, các chương trình hành động mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết cho nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp thì không chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường và hỗ trợ xây dựng sản phẩm thương mại phát triển trên thị trường trong nước.
Kinh phí thực hiện CVĐ còn hạn chế nên các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, triển khai chương trình hành động. Ông Ngô Văn Trụ- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng ý kiến: Nên mở rộng khái niệm hàng Việt Nam để ngoài việc tuyên truyền sử dụng sản phẩm trong nước thì người tiêu dùng hưởng ứng sử dụng các tư liệu sản xuất, dịch vụ trong nước.
"Toa thuốc" của Bộ Công Thương
Đánh giá về phong trào, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Từ chỗ chỉ có 32% người Việt quan tâm đến hàng Việt nhưng sau 1 năm triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động con số này đã tăng lên 58%, có hơn 15.000 lượt đưa hàng về nông thôn. Rõ ràng, việc triển khai CVĐ đã mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội, cho DN và người dân.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả CVĐ, Bộ Công Thương đã đề ra 5 nội dung cho chương trình hành động trong thời gian tới: Thứ nhất,Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tham mưu cho UBND tỉnh, tiến hành phối kết hợp với các DN tại địa phương và trong ngành tổ chức đưa hàng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Thứ hai,chú ý tới việc đào tạo lực lượng cán bộ thương mại cho các địa phương. Hiện nay Bộ Công Thương đã có kế hoạch đào tạo 1.000 cán bộ quản lý chợ và 250 chủ nhiệm HTX thương mại.
Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phát động chương trình “Chuỗi ngày Vàng Ngành Công Thương hưởng ứng CVĐ” trong toàn ngành Công Thương. Thứ tư,Bộ giao cho Vụ Thị trường trong nước xây dựng chương trình tháng khuyến mại trong cả nước.
Thứ năm,Bộ Công Thương sẽ tổ chức 4 đoàn nắm tình hình thực hiện CVĐ tại các địa phương và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thứ trưởng Thoa cũng cho biết, trong tháng 8/2011, Bộ Công Thương sẽ kết hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm phân phối hàng Việt trong hệ thống/kênh bán lẻ hiện đại”. Đấy sẽ là dịp các Hiệp hội, doanh nghiệp và Bộ Công thương ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn...
(Hà Nam) - Theo www.taichinhdientu.vn