Sự sụt giảm trên các thị trường tài chính và hàng hóa có thể mở đường cho việc áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng và giúp giảm giá tiền tệ tại các thị trường mới nổi.
Tại Trung Quốc, mặc dù Chính phủ báo cáo số liệu lạm phát lên mức cao nhất trong 3 năm nhưng kì vọng ngân hàng Trung ương nâng lãi suất hoặc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lại khá mờ nhạt. Các chuyên gia và tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới đã loại bỏ những dự đoán trước đó cho rằng Trung Quốc có thể thắt chặt tiền tệ 2-3 lần trong những tháng còn lại của năm 2011.
Ông Mohammed Apabhai, giám đốc chiến lực kinh doanh châu Á Thái Bình Dương của Citigroup cho biết, làn sóng bán tháo trên thị trường vào những ngày qua đã có tác dụng nhanh chóng trong việc kiềm chế lạm phát, điều mà các ngân hàng Trung ương châu Á đã cố gắng trong hơn 8 tháng qua nhưng vẫn thất bại.
Citigroup cũng dự đoán, lạm phát liên quan đến hàng hóa Trung Quốc có thể kết thúc vào tháng 3 năm sau. Thị trường Úc, nền kinh tế liên quan đến nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là năng lượng của Ấn Độ và Trung Quốc, nhanh chóng chuyển từ kì vọng tăng lãi suất sang dự đoán cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Brazil, quốc gia chứng kiến lạm phát tăng chóng mặt, khiến ngân hàng Trung ương phải nâng lãi suất lên mức cao kỉ lục 12,5%, cũng dự báo tạm dừng thắt chặt trong những tháng tới.
Các quốc gia trên thế giới đang ở vào thời điểm rất phù hợp để nếu cần thiết có thể giảm lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc và đồng tiền giảm giá, thúc đẩy xuất khẩu, kích thích tăng trưởng.
(Theo Gafin)