Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Linh hoạt trong xử lý vi phạm
Tham gia dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, có ý kiến từ phía một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, tại Khoản 6 Điều 6 của dự thảo quy định “khai đúng tên hàng hóa thực XK, NK nhưng khai sai mã số, thuế suất lần đầu”, đề nghị sửa thành “khai đúng tên hàng hóa thực XK, NK nhưng khai sai mã số hàng hóa, thuế suất mà hàng hóa này chưa được cơ quan hải quan xác định mã số hàng hóa, thuế suất chính xác”. Vì quy định “khai sai mã số, thuế suất lần đầu” có thể hiểu là lần đầu tiên khai sai mã số, thuế suất đúng nhưng tại tờ khai lần này lại khai sai.
Trong thực tế việc xác định mã số, thuế suất chính xác cho hàng hóa XK, NK là khó khăn, không chỉ đối với DN mà còn cả với cơ quan hải quan, nhất là các loại hàng hóa thuộc công nghệ mới, hóa chất mới phải qua giám định… hoặc hàng hóa thuộc nhóm trong Biểu thuế thường xuyên thay đổi mức thuế suất nên DN rất khó cập nhật kịp thời văn bản để khai đúng thuế suất.
Theo đó, chỉ xử phạt khi DN tiếp tục khai sai mã số, thuế suất đối với lô hàng hóa tiếp theo sau khi đã được cơ quan hải quan xác định mã số, thuế suất chính xác cho lô hàng hóa XK, NK trước đó.
Ý kiến từ phía DN cho rằng, việc sai sót trong quá trình khai báo hải quan là không thể tránh khỏi và việc xử phạt đối với hành vi này sẽ gây áp lực rất lớn cho DN. Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng hành vi này sẽ bị phạt nếu khai không đúng trên tờ khai hải quan hoặc các chứng từ khác sau có nhiều lần chỉnh sửa.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Đảm bảo tính răn đe của pháp luật
Góp ý dự thảo Nghị định, một số đơn vị hải quan cho rằng, đảm bảo tính hiệu lực răn đe của pháp luật, cần quy định cụ thể về hành vi và bổ sung tình tiết tăng nặng và xác định hành vi vi phạm như thế nào được coi là tình tiết tăng nặng. Một số hành vi cần có biện pháp nghiêm trị, như: vi phạm hành chính có tổ chức; vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm; vi phạm có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn; lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ, vi phạm hành chính có tính chất côn đồ…
Về hành vi trốn thuế, gian lận thuế tại Điều 13, có ý kiến cho rằng, trốn thuế, gian lận thuế là những hành vi hết sức nguy hiểm và cần phải bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định không quy định mức tối thiểu của tiền phạt đối với hành vi này mà chỉ quy định mức phạt tiền 1 lần số trốn thuế, gian lận có thể không đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi trốn thuế nhưng giá trị trốn thuế, gian lận thuế không lớn. Nên chăng, quy định mức phạt tiền tối thiểu đối với hành vi này và có thể nâng mức xử phạt lên khoảng 2 lần số trốn thuế, gian lận.
Nhiều ý kiến thống nhất với quy định xử phạt trong dự thảo Nghị định. Cụ thể, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực hải quan đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng. Cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trong lĩnh vực hải quan, đối tượng trong quan hệ pháp luật hải quan chủ yếu là các tổ chức. Dự thảo quy định mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức; mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức là hợp lý và thống nhất.
Theo N.Phong - http://www.mof.gov.vn