Đối lập...
Cú nhảy lớn của giá vàng trong nước hai ngày đầu tuần được nhiều phương tiện truyền thông mô tả như một "cơn điên loạn". Tuy nhiên, bình tĩnh suy xét, dường như đây chỉ là hệ quả tất yếu khi trên bình diện quốc tế, kim loại quý này cũng quay trở lại với vai trò là một loại "hàng hóa đặc biệt" được xác lập hàng ngàn năm nay: vàng đại diện cho giá trị vật chất thật sự, là công cụ phòng chống lạm phát và sự rủi ro mất giá của tiền tệ.
Giá vàng vừa xác lập đỉnh cao mới được lý giải bằng hai từ khủng khoảng - lý do không mới mẻ trong vài năm qua, có chăng chỉ diễn ra trong bối cảnh mới: cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có nguy cơ bùng phát và lan rộng trở lại khi lần đầu tiên Standard & Poor's hạ xếp hạng tín dụng của Chính phủ Mỹ; nguy cơ lạm phát tiếp tục gia tăng và lan rộng tới nhiều nền kinh tế lớn sau các biện pháp kích cầu, bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế… Khi nhiều tài sản có mức rủi ro cao và giá trị nhanh chóng bị "bốc hơi", thì vàng vật chất cất lên tiếng nói của mình. Trong các loại tài sản, chứng khoán được đánh giá là có tính rủi ro cao nhất. Vì thế, mỗi khi giá vàng thực hiện bước nhảy lớn đi lên, thì chứng khoán phải quay đầu thúc thủ. Điều này mang tính quy luật.
Mối liên hệ rõ nét giữa giá vàng và chứng khoán cho thấy sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của những chuyển động, quy luật của thị trường tài chính quốc tế tới Việt Nam. Điều này cho thấy, thị trường vốn nội địa đã mở cửa khá rộng, liên thông với mọi biến động, sự kiện tài chính quốc tế.
... và tương đồng
Jim Roger, đồng sáng lập Quỹ Quantum (cùng với George Soros), đã từng khuyên rằng: "Đừng lắng nghe những người như tôi, mà hãy tự ra quyết định và hiểu rõ về các lĩnh vực đầu tư của bạn". Theo Jim Roger, không nên tin vào bất cứ nhận định nào cung cấp bởi các phương tiện truyền thông hay các báo cáo phân tích về giá vàng. Nếu không am tường về thị trường vàng thì tại sao phải chạy theo các "cơn điên" của thị trường khi thực sự chỉ hiểu biết rất hạn chế về nó? Đây là nét tương đồng trong các nhận định diễn biến thị trường giữa giá chứng khoán và vàng.
Tương tự như các cổ phiếu nóng, muốn tránh vào "cơn điên" của giá vàng, NĐT cần nhận ra bức tranh thật sự phía sau sự di chuyển của các dòng tiền lớn. Theo cuốn sách "Chiến tranh tiền tệ" mà tác giả từng làm cố vấn cao cấp cho Fannie Mae và Freddie Mac, quyền lực làm giá vàng trên thế giới biến động thuộc về các ông trùm tài phiệt ngân hàng. Họ tạo ra một cơ chế kiểm soát nguồn cung ứng tiền tệ xuyên quốc gia, thực thi chính sách bơm tiền vào các nền kinh tế đang tăng trưởng, rồi chích quả bong bóng đang phình to để thu lợi. Vũ khí là tiền tệ và mức sát thương không thua kém gì súng đạn. Nguồn tài sản của các ông trùm tài phiệt thu được có thể là dầu khí, bất động sản, nền công nghiệp quốc phòng hay đất nông nghiệp… Tất cả được quy đổi thành vàng hay tiền mặt tùy thuộc vào vị thế mỗi thời điểm. Kết quả sau mỗi lần "xén lông cừu", họ lại có uy lực hơn trên thị trường tài chính quốc tế. Cũng như chứng khoán, vàng có cơ chế làm giá, nhưng ở cấp độ tinh vi hơn.
Hai ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin người dân trong nước đổ xô đi mua vàng, ngay khi giá kim loại quý này lồng lên như một con ngựa bất kham. Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn cũng không phải là lần cuối cùng diễn ra hình ảnh trên - không khác bao nhiêu với việc NĐT truy sát các cổ phiếu nóng trong chứng khoán. Về giấc mộng vàng này, Robert Kiyosaky - tác giả của cuốn sách "Cha giàu cha nghèo" khuyến nghị: "Khi tất cả đều đổ xô tới một bữa tiệc lớn do lòng tham dẫn dắt, người khôn ngoan hãy đừng say sưa uống quá nhiều và tốt nhất nên đứng sẵn sát lối ra" - Điều mà nhiều NĐT say sưa với cổ phiếu nóng đã quá thấm thía.
Riêng với chứng khoán Việt Nam, từ năm 2007 tới nay, mối liên hệ này đã được xác lập tương đối rõ nét, khi thị trường tài chính nội địa hội nhập sâu hơn với toàn cầu (xem bảng). Mối liên hệ ngược chiều này trên hai phương diện. Thứ nhất, trong những giai đoạn giá vàng biến động mạnh, các sàn vàng cạnh tranh trực tiếp với chứng khoán như các kênh đầu tư song song, hoạt động theo nguyên tắc bình thông nhau. Thứ hai, do ảnh hưởng bởi các yếu tố lịch sử và văn hóa, ở góc độ cá nhân, vàng vật chất vẫn là công cụ dự trữ ưa thích. Dù vậy, xét trên góc độ xã hội, nguồn vốn được cất giữ dưới dạng tài sản ngầm lại không có đóng góp vào sự phát triển chung (như việc quay trở lại lưu thông dưới dạng tiền gửi ngân hàng hay đầu tư vào TTCK).
"Vàng có tính lưu động thuộc đẳng cấp cao nhất của các loại tiền tệ. Trong lịch sử 5.000 năm của loài người, vàng không chỉ là hình thức của cải cuối cùng, mà bất cứ thời đại nào, nền văn minh nào, dân tộc nào, khu vực nào, thể chế chính trị nào, vàng cũng đều được chấp thuận. Vàng gánh vác trọng trách lịch sử là thước đo cơ bản nhất trong hoạt động kinh tế xã hội ở tương lai. Trong lịch sử, loài người đã từng 4 lần tìm cách tước bỏ vai trò hòn đá tảng của vàng trong hệ thống tiền tệ nhằm phát minh ra chế độ tiền tệ thông minh hơn, nhưng đều thất bại".
Song HongBing - "Chiến tranh tiền tệ"
Theo http://24h.com.vn