Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, càng thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành Tài chính đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội như Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra. Vậy, xin Thứ trưởng cho biết những chương trình hành động của ngành Tài chính trong thời gian qua đã mang lại kết quả như thế nào?
Nhiệm vụ Tài chính-Ngân sách năm 2011 được thực hiện trên cơ sở định hướng chung là: phấn đấu tăng thu, thắt chặt chi tiêu công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN... nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt điều hành các nhiệm vụ về tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tạm dừng việc mua sắm trang bị mới ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, xăng dầu, hội thảo, hội nghị, công tác phí... Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương áp dụng nhiều biện pháp để giữ bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường...
Ngoài ra, Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng đến các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, đảm bảo kinh phí để thực hiện: miễn giảm viện phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo ngay từ tháng 3/2011; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với vùng ven biển, hải đảo, huyện nghèo...Để hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho người có thu nhập thấp, người nghèo, NSNN đã thực hiện trợ cấp khó khăn cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp. Đồng thời, xuất dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói kịp thời cho nhân dân vùng bị khó khăn do thiên tai...
Để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 08/2011/QH13 ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, trong đó: giảm 30% số thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…; Giảm 50% mức thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN từ Quý III/2011 đến hết năm 2011 đối với: các cá nhân, hộ kinh doanh một số dịch vụ hỗ trợ người lao động (nhà trọ, trông giữ trẻ, cung cấp suất ăn...); Miễn giảm thuế thuế TNCN đối với một số khoản thu nhập trên thị trường chứng khoán; Miễn thuế TNCN từ 1/8/2011 đến hết 31/12/2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công...
Thưa Thứ trưởng, trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng cuối năm còn nhiều diễn biến phức tạp, để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu tài chính- ngân sách nhà nước năm 2011, từ nay đến cuối năm, những giải pháp nào sẽ được ngành Tài chính tập trung triển khai thực hiện?
Từ nay đến cuối năm 2011, toàn ngành vẫn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã đề ra trong Nghị quyết 11. Mặc dù việc thực hiện các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế theo các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân sẽ tạo áp lực cho việc thực hiện dự toán thu, song toàn ngành tài chính vẫn sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt 7-8% dự toán thu NSNN năm 2011. Đồng thời, trong điều hành chi NSNN, phải đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung kinh phí, phấn đấu giảm bội chi NSNN dưới 5%/GDP. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để kịp thời có các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2011. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng thao túng thị trường giá cả. Kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường, trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, sẽ có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để có các biện pháp điều tiết, bình ổn giá thị trường phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; tăng cường sự phối hợp trong điều hành chính sách. Sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện lành mạnh hóa, công khai, minh bạch tài chính doanh nghiệp.
Thưa Thứ trưởng, để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và phát triển bền vững, rất cần có một năng lực dự báo tốt, kết hợp với khả năng phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế trước những “cú sốc” từ bên ngoài. Đối với ngành Tài chính, vấn đề “dự báo” được đặt ở vị trí nào? Và đã, đang, sẽ được triển khai ra sao?
Hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội song cũng có những khó khăn nhất định. Điều đó đòi hỏi các cơ quan hoạch định chính sách phải nhạy bén, nhận định tốt tình hình để đưa ra những đối sách phù hợp. Trong thời gian qua, ngành tài chính đã luôn chú trọng đến việc xây dựng và phát triển công tác phân tích dự báo, nhận thức đúng đắn vai trò của phân tích dự báo trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của ngành. Trong thời gian tới, nâng cao năng lực phân tích dự báo là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Chiến lược tài chính giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tài chính. Thực hiện Quyết định số 674/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo vĩ mô”, trọng tâm công tác phân tích dự báo của Bộ Tài chính trong những năm tới tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác dự báo thông qua việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn và các khóa học dài hạn (đào tạo cơ bản trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) trong và ngoài nước. Mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác dự báo. Khuyến khích tạo điều kiện để các đơn vị, cá nhân làm công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo hợp tác, trao đổi thông tin, tiếp cận các phương pháp dự báo tiên tiến, hiện đại.
Hai là, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho toàn ngành tài chính, chuẩn hóa và thống nhất về thông tin dữ liệu dùng chung, nhằm nâng cao sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa đơn vị trong và ngoài ngành trong công tác hoạch định chính sách và phân tích dự báo.
Ba là, khuyến khích tạo điều kiện cho các đơn vị trong ngành tài chính ứng dụng các phương pháp phân tích và dự báo tiên tiến, xây dựng mô hình dự báo những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của đơn vị, của ngành.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Huyền Trang (thực hiện)
theo mof.gov.vn