Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020
Ngày cập nhật 12/11/2012

 A - TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1 - Từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Hệ thống pháp luật và chính sách phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên.

Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi người có công, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác gia đình và bình đẳng giới. Ðời sống vật chất và tinh thần của người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Nước ta được Liên hợp quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện một số mục tiêu Thiên niên kỷ.

Tuy nhiên, lĩnh vực xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục. Tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng công tác bảo vệ,  chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm; vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thấp. Ðời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở và sử dụng nước sạch. Chênh lệch các chỉ số về an sinh xã hội giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn.

2 - Những hạn chế, yếu kém nêu trên là do nước ta còn nghèo, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, thiên tai xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chồng chéo. Chính sách xã hội còn chậm đổi mới so với chính sách kinh tế. Còn thiếu các giải pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách về mức sống và an sinh xã hội giữa các vùng, miền. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa nghiêm, hiệu quả thấp; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều nơi chưa được coi trọng. Nguồn lực thực hiện các chính sách xã hội còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước; chưa động viên, thu hút được nhiều sự tham gia của xã hội và khuyến khích người thụ hưởng chính sách tự vươn lên.

Từ những kết quả, hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện chính sách xã hội thời gian qua, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển. Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ.

Hai là, chính sách xã hội phải được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm mức sống tối thiểu và hỗ trợ kịp thời người có hoàn cảnh khó khăn.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái của dân tộc ta. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Bốn là, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp, có chương trình hành động cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

B - ÐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI GIAI ÐOẠN 2012 - 2020

Các chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cần sớm được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua các nghị quyết chuyên đề, các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Riêng đối với chính sách người có công và chính sách an sinh xã hội thực hiện theo quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau:

I - QUAN ÐIỂM

1 - Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

2 - Chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

3 - Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng.

4 - Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Ðồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.

5 - Tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

II - MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

III - NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1 - Về chính sách ưu đãi người có công

Tập trung triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với người có công, chú trọng giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu. Ðến hết năm 2013, hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ người có công đang có khó khăn về nhà ở. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo. Ðẩy mạnh việc tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Có biện pháp khắc phục có hiệu quả tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách người có công.

2 - Về bảo đảm an sinh xã hội

2.1 - Về việc làm, thu nhập và giảm nghèo

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, học nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ưu tiên người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn. Xây dựng và triển khai Luật Việc làm; khẩn trương nghiên cứu xây dựng Chương trình việc làm công. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.

Ðẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng các chính sách giảm nghèo đối với các huyện nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, thu hẹp chênh lệch về mức sống và an sinh xã hội so với bình quân cả nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5 - 2%/năm; các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.

2.2 - Về bảo hiểm xã hội

Nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng mở rộng đối tượng, bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm xã hội. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Rà soát, bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2.3 - Về trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó trên 30% là người cao tuổi.

Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp đột xuất; mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng.

2.4 - Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số

a) Bảo đảm giáo dục tối thiểu

Tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình, đề án về giáo dục. Mở rộng và tăng cường các chế độ hỗ trợ, nhất là đối với thanh niên, thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn để bảo đảm phổ cập giáo dục bền vững. Tăng số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú; xây dựng và củng cố nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn. Xây dựng đề án phổ cập mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi. Nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở, đặc biệt là đối với con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Phấn đấu đến năm 2020 có 99% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, 95% ở bậc trung học cơ sở; 98% người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ; trên 70% lao động qua đào tạo.

b) Bảo đảm y tế tối thiểu

Tiếp tục triển khai chiến lược, các chương trình, đề án về y tế, nhất là đề án khắc phục quá tải ở các bệnh viện. Cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thiện việc phân công quản lý các đơn vị thuộc ngành y tế ở địa phương. Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ðến năm 2020, trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân 10%. Ðẩy mạnh việc thực hiện Chương trình phòng, chống lao quốc gia, giảm mạnh số người bị mắc bệnh lao và chết do lao, phấn đấu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất thế giới.

Nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, đổi mới công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế. Ðến năm 2020 trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

c) Bảo đảm nhà ở tối thiểu

Cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

Ðẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa nhà tạm giai đoạn 2013 - 2020. Ðổi mới cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị để có giá thuê, giá mua hợp lý với các đối tượng. Tập trung khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp.

d) Bảo đảm nước sạch

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 và các năm tiếp theo, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ, vùng bị nhiễm mặn. Cải thiện cơ bản tình trạng sử dụng nước sinh hoạt của dân cư, đặc biệt là dân cư nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao thiếu nước. Ðến năm 2020, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 70% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia.

đ) Bảo đảm thông tin

Tăng cường thông tin truyền thông đến người dân nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn. Ðẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 và các năm tiếp theo. Củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ðến năm 2015, bảo đảm 100% số xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh, truyền hình mặt đất và 100% các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới và xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển và hải đảo có đài truyền thanh xã.

3 - Giải pháp thực hiện

3.1 - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với người có công và bảo đảm an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chỉ đạo và thực hiện. Báo cáo kết quả công tác hằng năm của cấp ủy và chính quyền các cấp ở địa phương phải có nội dung về thực hiện chính sách người có công và an sinh xã hội.

3.2 - Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội tại mỗi địa phương để người dân có thể truy cập dễ dàng. Tiếp tục phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ người có công, người nghèo.

3.3 -  Ðổi mới quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ưu đãi người có công và an sinh xã hội. Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ, đơn giản và hiệu quả; vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích nỗ lực vươn lên của các đối tượng thụ hưởng, khắc phục sự ỷ lại vào Nhà nước.

Thống nhất đầu mối quản lý các chương trình, chính sách theo hướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn thực hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, phổ biến điển hình; địa phương chịu trách nhiệm quản lý nguồn lực, tổ chức thực hiện. Nâng cao năng lực thực thi chính sách của cấp cơ sở.

Hợp lý hóa, hiện đại hóa công tác quản lý, phương thức chi trả; xây dựng cơ sở dữ liệu hộ gia đình, mã số cá nhân và bộ chỉ số an sinh xã hội để quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trong từng thời kỳ. Hằng năm có báo cáo quốc gia về an sinh xã hội, trong đó làm rõ kết quả thực hiện chính sách xã hội ở các huyện nghèo, vùng núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3.4 - Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

3.5 - Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện chính sách người có công, đồng thời quan tâm bố trí ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Ðổi mới việc phân bổ nguồn lực đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội. Phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện. Hoàn thiện các quy định về việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân, bảo đảm minh bạch, hiệu quả.

IV - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1 - Tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.

Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo quán triệt và tăng cường lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

2 - Ðảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các đạo luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước.

3 - Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và kịp thời điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

4 - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện Nghị quyết này.

5 - Văn phòng Trung ương Ðảng chủ trì, phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết.

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

Tổng Bí thư

(Đã ký)

Nguyễn Phú Trọng

 

Đảng ủy Sở Tài chính

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 588
Chung nhan Tin Nhiem Mang