QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CỦA ĐẢNG VỀ MỐI QUAN HÊ GIỮA LỰC LƯỢNG SẢN XUẤT VÀ QUAN HÊ SẢN XUẤT TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Trong suốt quá trình đổi mới 25 năm qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm tìm tòi, phát triển nhận thức về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên tổng thể và đối với từng yếu tố cấu thành của quan hệ sản xuất. Đó là một quá trình vận động và phát triển liên tục về nhận thức thông qua lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, có nhiều đổi mới quan trọng, có tính đột phá, nhất là từ sau Đại hội VI đến nay, đã đem lại những thành tựu to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội XI của Đảng đã kế thừa và phát triển những thành tựu của quá trình đổi mới, đề ra quyết sách quan trọng cho những năm sắp tới.
Dưới đây xin trình bày khái quát quá trình vận động và phát triển nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên tổng thể và đối với từng yếu tố cấu thành của quan hệ sản xuất.
1- Quá trình phát triển nhận thức xét trên tổng thể về yêu cầu xây dựng và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất "phù hợp" với trình độ phát triển lực lượng sản xuất để thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất
Trong thời kỳ đầu, sau giải phóng miền Bắc, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã nhấn mạnh thái quá vai trò "tích cực" của quan hệ sản xuất, dẫn đến chủ trương quan hệ sản xuất phải đi trước, mở đường để tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất.
Đại hội III xác định phải lấy cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm, nhằm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, mở đường cho sức sản xuất phát triển, đồng thời tiến hành một bước việc xây dựng chủ nghĩa xã hội; khi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã giành được thắng lợi có tính chất quyết định thì chuyển sang lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đồng thời hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa(1).
Trải qua một thời kỳ dài 15 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, trong điều kiện vừa sản xuất vừa chiến đấu và 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, chúng ta đã có một bước vận động, phát triển nhận thức quan trọng, đã xác định phải đồng thời tiến hành xây dựng quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất trong mối quan hệ mật thiết với nhau.
Đại hội V đã xác định phải tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt, đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phải kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Bảo đảm sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, luôn luôn kết hợp chặt chẽ cải tạo quan hệ sản xuất với tổ chức lại và phát triển sản xuất(2).
Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta đã ngày càng khẳng định rõ: phải từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, coi đó là tiêu chuẩn đánh giá việc xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI nhận định: Chúng ta chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đại hội khẳng định phải giải phóng sức sản xuất, đã đưa ra chủ trương điều chỉnh lớn cơ cấu sản xuất, bố trí lại cơ cấu đầu tư; xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất; cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động(3).
Đại hội VII, Cương lĩnh của Đảng đã nêu định hướng: phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, phải thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu(4).
Đại hội VIII xác định: Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh(5).
Đại hội XI của Đảng đã khẳng định rõ, một trong những mối quan hệ lớn phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là: quan hệ "giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa"; "Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"(6).
Nhưng căn cứ vào đâu để đánh giá được trong thực tiễn sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, và từ thực tiễn đổi mới đầy sức thuyết phục của đất nước, Đại hội VIII khẳng định: Lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh(7).
Đại hội IX khẳng định rõ thêm: Tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội(8).
Đại hội XI của Đảng đã khẳng định rõ, một trong những mối quan hệ lớn phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quan hệ "giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa"; "Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"(9).
Về đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa nhân dân ta xây dựng, Cương lĩnh năm 1991 được thông qua tại Đại hội VII của Đảng xác định đó là: "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu"(10).Qua tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X đã khái quát, một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là "có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất"(11).
Qua tổng kết 25 năm đổi mới và 20 thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đại hội XI đã thảo luận và biểu quyết với đa số phiếu tán thành nội dung đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là "có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp"(12). Sự phù hợp ở đây bao gồm cả phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại và phù hợp với bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đây là một bước bổ sung, phát triển quan trọng Cương lĩnh năm 1991 và các nghị quyết của Đảng từ sau đổi mới về vấn đề này.
2- Quá trình phát triển nhận thức về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm không ngừng giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy cao độ mọi nguồn lực để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Trong thời kỳ đầu, sau giải phóng miền Bắc, đã phân định tách bạch thuần khiết chế độ sở hữu và thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, phi xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối hoá vai trò của chế độ công hữu, dẫn đến chủ trương cải tạo, sớm xoá bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa.
Đại hội III chủ trương sớm cải tạo những quan hệ sản xuất không xã hội chủ nghĩa thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó mấu chốt là cải biến chế độ sở hữu cá thể và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất thành các hình thức sở hữu khác nhau của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa(13). Thực tế đã chứng minh những quan điểm và chính sách này không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta đã có những bước phát triển cơ bản, có tính đột phá trong nhận thức, ngày càng khẳng định rõ phải đa dạng hoá các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (trình độ tích tụ vốn thấp, đan xen nhiều quy mô, cấp độ phát triển); các thành phần kinh tế, thuộc mọi hình thức sở hữu đa dạng, đều là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Đại hội VI đã phê phán: Về cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới, sử dụng các thành phần kinh tế, đã có những biểu hiện nóng vội muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa; không ít tổ chức kinh tế được gọi là công tư hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chỉ có hình thức, không có thực chất của quan hệ sản xuất mới. Đại hội đã chủ trương bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; cho phép những nhà tư sản nhỏ tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nghề thuộc khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước; với quy mô và phạm vi hoạt động được quy định theo ngành nghề và mặt hàng(14).
Hội nghị Trung ương 6 (khoá VI) đã có bước phát triển đột phá về chính sách đối với các thành phần kinh tế, khẳng định: Chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội và thể hiện tinh thần dân chủ về kinh tế, bảo đảm cho mọi người được làm ăn tự do theo luật pháp. Trong nền kinh tế quốc dân thống nhất do Nhà nước hướng dẫn, kiểm soát và điều tiết với kinh tế quốc doanh nắm những vị trí then chốt, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế vừa hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật; cần xoá bỏ những định kiến, phân biệt đối xử không đúng và các hình thức độc quyền kìm hãm xu thế ấy. Kinh tế quốc doanh cần có lực lượng đủ sức chi phối thị trường, song không nhất thiết chiếm tỉ trọng lớn trong mọi ngành nghề; những ngành nghề, loại hoạt động nào mà kinh tế hợp tác xã, kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân có thể làm tốt, có lợi cho nền kinh tế thì nên tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế ấy phát triển. Trong điều kiện của nước ta, các hình thức kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hoá đi lên chủ nghĩa xã hội(15).
Phát triển quan điểm của Hội nghị Trung ương 6 (khoá VI), Đại hội VII đã nêu rõ: Phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, bổ sung cho nhau trong nền kinh tế quốc dân thống nhất. Các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện(16).
Đại hội IX, Đại hội X đã có những đổi mới khá cơ bản về chính sách đối với các thành phần kinh tế nhằm tiếp tục giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển. Trong đó, điều quan trọng nhất là đã khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp. Kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt; kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển mạnh hình thức kinh tế đa sở hữu mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần (ngày càng phát triển, trở thành hình thức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hoá kinh doanh và sở hữu)(17).
Đại hội X khẳng định rõ chủ trương: "Xoá bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu. Nhà nước chỉ thực hiện sự ưu đãi hoặc hỗ trợ phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm; một số mục tiêu như xuất khẩu, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, khắc phục rủi ro; một số địa bàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa"(18).
Từ những thành tựu của 25 năm đổi mới, kế thừa và phát triển tinh thần Đại hội X, Đại hội XI đã khẳng định rõ thêm những quan điểm chính sách mấu chốt trong những năm tới: phải "Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế"; "Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo"; "bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế"(19).
3- Quá trình phát triển nhận thức về cơ chế quản lý kinh tế để phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phát huy cao độ các nguồn lực công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Để phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phát huy được cao độ mọi nguồn lực cho phát triển, bước vào thời kỳ mới, Đảng ta đã dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế vận hành của nền kinh tế hàng hoá, và tiếp đó là cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI đã tổng kết và phê phán cơ chế quản lý kinh tế trước đổi mới là cơ chế "tập trung quan liêu, bao cấp". Cơ chế đó từ nhiều năm không tạo được động lực phát triển, kìm hãm sản xuất, gây rối loạn trong phân phối lưu thông và làm phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội(20).
Trong quá trình đổi mới từ sau Đại hội VI, Đảng ta đã không ngừng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế gắn với yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Đại hội VI đã chủ trương, việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng xoá bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế(21).
Đại hội VII đã rút ra một trong những kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới là : Đổi mới về kinh tế, chuyển nền kinh tế mang nặng tính tự cấp, tự túc với cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là hoàn toàn cần thiết để giải phóng và phát huy các tiềm năng sản xuất kinh doanh trong xã hội(22).
Đại hội VIII, IX và X đều nhấn mạnh yêu cầu đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, phát huy những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường(23).
Kế thừa và phát triển những thành tựu của quá trình đổi mới, Đại hội XI xác định: "Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế..."(24).
4- Quá trình phát triển nhận thức về chế độ phân phối phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm tạo động lực để phát triển
Để tạo được động lực phát triển, phải công bằng trong phân phối. Vấn đề bảo đảm công bằng trong phân phối, bao gồm cả việc phân phối tư liệu sản xuất và phân phối kết quả làm ra, đã luôn được các nhiệm kỳ đại hội đề cập tới và có những đổi mới khá cơ bản.
Từ chỗ trên thực tế, công bằng xã hội trong phân phối đã được thực hiện theo nghĩa bình quân, cào bằng; đã có những bước nhận thức ngày càng đúng đắn, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiều hình thức phân phối, cùng với phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đã ngày càng phát triển hình thức phân phối theo kết quả đóng góp, đồng thời thực hiện phân phối qua phúc lợi xã hội và phân phối qua hệ thống an sinh xã hội.
Đại hội VIII đã chỉ rõ: Công bằng xã hội không chỉ được thực hiện trong phân phối kết quả sản xuất, mà còn được thực hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất, ở việc tạo ra những điều kiện cho mọi người phát huy tốt năng lực của mình(25).
Đại hội X xác định: Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội; đồng thời phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội(26).
Hội nghị Trung ương 6 (khoá X) yêu cầu: Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức cạnh tranh về việc làm(27).
Kế thừa và phát triển những thành tựu của quá trình đổi mới, Đại hội XI đã xác định: "Công bằng trong phân phối các yếu tố sản xuất, tiếp cận và sử dụng các cơ hội, điều kiện phát triển. Phân phối kết quả làm ra chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội"(28).
NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU
1- Thành tựu và nguyên nhân
Nhìn chung, tư duy và đường lối đổi mới của Đảng qua các nhiệm kỳ đại hội về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp đã được thể chế hoá, được các ngành, các cấp tích cực chỉ đạo thực hiện, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đồng thuận xã hội.
Diện mạo của quan hệ sản xuất đã có sự thay đổi khá căn bản so với trước đổi mới:
- Chế độ sở hữu và cơ cấu các thành phần kinh tế được đổi mới cơ bản từ hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể là chủ yếu, sang nhiều hình thức sở hữu đan xen, hỗn hợp; từng bước xoá bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, thống nhất chung một luật đầu tư, luật doanh nghiệp và các luật về nghĩa vụ kinh doanh; quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho phát huy, khai thác các tiềm năng trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đồng thuận xã hội.
- Các thành phần kinh tế đều phát triển. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được tăng cường. Khu vực doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại và đổi mới cơ chế hoạt động, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hoá theo nguyên tắc thị trường; tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, hoạt động có hiệu quả hơn. Việc kiện toàn các tổng công ty, thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước đạt được kết quả trên nhiều mặt, góp phần tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Các tổ hợp tác phát triển nhanh trong nhiều lĩnh vực; nhiều hợp tác xã mới được thành lập, hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế hộ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, chiếm gần 34% tổng đầu tư xã hội, tạo ra 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút ngày càng nhiều lao động, đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm và phát triển kinh tế. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có bước phát triển mạnh, góp phần tích cực vào phát triển nền kinh tế và tăng kim ngạch xuất khẩu.
- Các doanh nghiệp cổ phần đang trở thành hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phổ biến, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm mới. Năm 1999, cả nước có khoảng 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 450 doanh nghiệp cổ phần; đến cuối năm 2008, có 412.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó hơn 64.000 doanh nghiệp cổ phần. Năm 2009, có thêm hơn 70.000 doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động, gần 400 doanh nghiệp đã thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
- Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cơ bản đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện, huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ bản đã xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp; từng bước tách quản lý nhà nước về kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đã dần hình thành và phát triển tương đối đồng bộ các thị trường cơ bản; thực hiện lưu thông tự do và giá thị trường với hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ. Tiền lương, tiền công, lãi suất ngân hàng, giá cả đất đai được định hướng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Chế độ phân phối đã có đổi mới, khắc phục một bước tính bình quân cào bằng. Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, thực hiện chính sách với gia đình và người có công, chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực. Đời sống của nhân dân được cải thiện.Cùng với đường lối phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đúng đắn, sự phù hợp của quan hệ sản xuất đã tác động giải phóng, phát huy các nguồn lực để phát triển. Những nét nổi bật trong phát triển lực lượng sản xuất qua 25 năm đổi mới của đất nước ta là:
- Vốn đầu tư toàn xã hội cho tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá tăng cao. So với năm trước, vốn đầu tư năm 1991 tăng 18,5%, năm 2007 tăng 27%, năm 2009 tăng 11,4%. Tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP năm 1991 đạt 26,2%, năm 2009 tăng lên 42,8%; bình quân 10 năm 2001-2010 ước đạt 40,6%, trong đó vốn trong nước chiếm khoảng 70%.
Cơ cấu đầu tư có bước chuyển biến tích cực, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và đầu tư của nước ngoài tăng mạnh, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài đang trở thành một nguồn lực đáng kể cho phát triển.- Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cơ cấu lao động bước đầu có sự chuyển dịch tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Kết cấu hạ tầng phát triển, nhiều công trình quan trọng đã được xây dựng và phát huy tác dụng; kết cấu hạ tầng và điều kiện sống ở nông thôn có nhiều thay đổi. Mạng lưới đô thị quốc gia có bước phát triển khá nhanh, góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế-xã hội.
- Năng lực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao đang hình thành. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Dịch vụ có bước phát triển về quy mô, ngành nghề và thị trường; trình độ công nghệ và chất lượng dịch vụ ngày càng cao.Đạt được những thành tựu quan trọng như trên, nguyên nhân là do những chính sách đổi mới về quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất đã tác động khơi dậy, phát huy các nguồn lực để phát triển; Nhà nước đã kịp thời cụ thể hoá, thể chế hoá các chủ trương của Đảng; các chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp quy luật khách quan, phù hợp thực tiễn của đất nước, phù hợp lòng người, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.
2- Hạn chế và nguyên nhân
Trong xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất, còn những hạn chế, dẫn đến cản trở sự phát triển lực lượng sản xuất. Một số hạn chế cần được quan tâm xem xét, phân tích là:
- Chưa bảo đảm được sự tương thích trong xây dựng, hoàn thiện giữa các mặt của quan hệ sản xuất. Sự quan tâm vẫn dành nhiều cho sự thay đổi chế độ sở hữu hơn là cho sự đổi mới cần thiết về quan hệ quản lý và đặc biệt là về quan hệ phân phối.
- Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước chưa được thể hiện rõ nét, trong nhận thức và hành động vẫn quan tâm nhiều đến tỉ trọng của kinh tế nhà nước trong tổng sản phẩm xã hội hơn là quan tâm nâng cao hiệu quả và tác động của kinh tế nhà nước đến các thành phần kinh tế khác. Tốc độ tăng trưởng và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với đầu tư và những ưu đãi về nhiều mặt của Nhà nước; vẫn chưa tách bạch rõ giữa độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp, làm hạn chế các thành phần kinh tế khác phát triển. Thực tế chưa chuyển được từ cơ chế Nhà nước giao vốn sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn cho doanh nghiệp.
Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, nhất là trong khu vực nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng kinh tế tập thể trong nền kinh tế giảm dần. Hầu hết các tổ hợp tác, hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn quỹ ít, phạm vi hoạt động hẹp, chỉ làm được một số khâu hỗ trợ kinh tế hộ. Nhiều tổ hợp tác tổ chức và hoạt động thiếu ổn định, một bộ phận hợp tác xã yếu kém kéo dài, nhiều hợp tác xã tồn tại trên danh nghĩa. Còn nhiều lúng túng trong xác định mô hình và phương thức hoạt động của hợp tác xã phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Kinh tế tư nhân chưa thực sự trở thành một trong những động lực phát triển của nền kinh tế. Vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân còn yếu. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do nhiều thủ tục phiền hà và sự nhũng nhiễu của không ít cán bộ trong bộ máy công quyền.
- Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho sự vận hành của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế. Chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển một số ngành, vùng, nhất là quy hoạch sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn yếu, gây khó khăn cho đầu tư phát triển và thất thoát, lãng phí lớn. Quản lý thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tài chính có lúc còn lúng túng, sơ hở, gây rối ren trong sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm giàu bất chính của một số người. Những bất cập trong cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy quản lý nhà nước, thủ tục hành chính, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, khả năng hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng đang là một lực cản lớn chủ yếu đối với đầu tư, phát triển của đất nước.
- Chế độ phân phối đổi mới chậm, còn nhiều bất hợp lý, bất bình đẳng; chính sách tiền lương chưa tạo được động lực thu hút và sử dụng người tài; hệ thống an sinh xã hội chậm được hoàn thiện.
Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan do con đường chúng ta đang đi rất mới mẻ, vừa làm vừa phải tìm tòi, rút kinh nghiệm để đổi mới; những khó khăn vốn có của nền kinh tế không dễ khắc phục trong một thời gian ngắn; tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Nhưng như Đại hội XI nhận định, "trực tiếp và quyết định nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan", Đại hội XI đã chỉ rõ một trong những nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém là: "Tư duy phát triển kinh tế-xã hội và phương thức lãnh đạo của Đảng chậm đổi mới, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đất nước"; "Nhận thức trên nhiều vấn đề cụ thể của công cuộc đổi mới còn hạn chế, thiếu thống nhất"; "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu"(29). Vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chưa có thái độ dứt khoát đối với những hợp tác xã tồn tại chỉ mang tính hình thức./
-------------
(1), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Nxb ST, H, 1960, tr.55, 53-54.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb ST, H, 1982, tr.47, 48, 51, 57.
(3), (14), (20), (21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H, 1987, tr.23-47, 59-60, 20-23-24, 61-63.
(4), (10), (16), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H, 1991, tr.9, 8, 66, 55.
(5), (7), (23) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.80, 91, 92, 91-92, 96-104; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, tr.100-104; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, tr.77-82.
(6), (9), (12), (19), (24), (28), (29) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.72-73-101, 72-73-101,
(8), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H, 2001, tr.87, 97-98-99; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, H, 83-84.
(11), (18), (26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.68, 84, 77-78-102.
(15) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (kkhoá VI), tháng 3-1989, tr.13, 14, 16.
(25) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.113.
(27) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (khoá X), Nxb CTQG, H, 2008, tr.151.
|