Thực tiễn sau 25 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy: Chỉ với việc chuyển đổi thể chế kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang thể chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước XHCN, các nguồn lực nền kinh tế nước ta đã được phát huy có hiệu quả hơn. Từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, nay nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển với GDP bình quân đầu người đạt 1.200USD; trở thành nước xuất khẩu gạo có vị trí thứ hai trên thế giới. Điều đó khẳng định rằng, một thể chế kinh tế phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Trải qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc để xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN trên cả ba phương diện: “Luật chơi”; “Sân chơi” và “Người chơi”. Theo đó, hệ thống pháp luật tạo khung khổ pháp lý cho nền KTTT định hướng XHCN đã được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện để nước ta trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Các loại thị trường bước đầu được hình thành đồng bộ bao gồm cả thị trường công nghệ và thị trường lao động; trong đó thị trường chứng khoán-thành tựu cao nhất của nền KTTT trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Các loại hình doanh nghiệp dựa trên các hình thức sở hữu khác nhau đều được khuyến khích phát triển không giới hạn về quy mô và trình độ, trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn, thể chế KTTT định hướng XHCN cũng còn bộc lộ không ít vấn đề bất cập. Những hạn chế nảy sinh trong thực tế đời sống trở thành “rào cản” của sự phát triển và được Đại hội XI của Đảng nhìn nhận: “Kinh tế phát triển chưa bền vững. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sự cạnh tranh của nền kinh tế thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc”. Vì vậy, đột phá vào hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn, nhằm tạo tiền đề “thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô”-Đúng như Đại hội XI xác định: Đây cũng là cách làm ít tốn kém nhất trong quá trình thực hiện ba đột phá chiến lược.
Để hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, Đại hội XI chủ trương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao quát cả ba yếu tố tạo thành thể chế kinh tế với trọng tâm hướng vào “tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”. Để làm tốt vấn đề trọng tâm nêu trên, điều quan trọng hàng đầu là phải nhận thức đúng đắn về tính phổ biến và đặc thù của nền KTTT định hướng XHCN; trên cơ sở đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động kinh tế phù hợp với quy luật vận hành của nền KTTT, cũng như để giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển. Theo đó, mặc dù nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta được nhận thức là một hình thái KTTT đặc biệt, có nét đặc thù là “được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH”; nhưng tính phổ biến của KTTT luôn đòi hỏi sự vận hành của nền KTTT định hướng XHCN phải chịu sự chi phối trước hết của các quy luật kinh tế khách quan. Do vậy, quá trình vận hành, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ để phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực; còn sự can thiệp của Nhà nước XHCN vào nền KTTT để thực hiện quyết tâm chính trị nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH cũng không thể tùy tiện, duy ý chí, mà phải dựa trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường. Bỏ qua hay vi phạm các quy luật của thị trường, thì sự can thiệp của Nhà nước XHCN chẳng những sẽ làm méo mó các quan hệ thị trường, mà các mục tiêu của CNXH cũng sẽ khó thực hiện được như mong muốn và nảy sinh thêm nhiều tiêu cực. Đây là vấn đề được Đại hội XI nhấn mạnh cả trong Báo cáo Chính trị cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; phản ánh bước tiến mới trong nhận thức và hành động của Đảng ta về phát triển nền KTTT định hướng XHCN; thể hiện sự đoạn tuyệt triệt để với “tàn dư” của cơ chế kinh tế cũ và khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý Nhà nước về kinh tế, phù hợp với yêu cầu của nền KTTT.
Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Đại hội XI chủ trương: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách kinh tế trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân; Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp; cùng với việc đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân, sẽ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về sở hữu đối với các loại tài sản mới như sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước…; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các chủ sở hữu đối với xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng giảm mạnh và bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân; đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ công phù hợp với cơ chế KTTT định hướng XHCN. Khi các thủ tục hành chính phiền hà được xóa bỏ, thì môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp sẽ được đảm bảo.
Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; bảo đảm mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Với việc tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là kết quả của quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới 25 năm qua của Đảng ta; phản ánh nét đặc thù của nền KTTT định hướng XHCN so với nền KTTT định hướng tư bản chủ nghĩa. Theo đó, Đại hội XI khẳng định: Thực hiện đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác, nhằm bảo đảm quyền sở hữu vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng quyền sử dụng được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc hiệu quả thông qua cơ chế thị trường; đồng thời đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng: Cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty Nhà nước, tập trung vào một số ngành và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, phân định rõ quyền sở hữu Nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, xác định cụ thể quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị và giám đốc doanh nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng vô chủ và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, gây tổn thất, lãng phí.
Cùng với vấn đề nêu trên, Đại hội XI của Đảng cũng chỉ rõ con đường phát triển của kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, cũng như các loại hình thị trường. Đặc biệt, đối với việc nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước đối với nền KTTT định hướng XHCN, Đại hội XI khẳng định sự cần thiết phải “giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường”. Theo đó, Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết khác, nhưng “trên cơ sở tôn trọng và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và cơ chế vận hành của nền KTTT”; Nhà nước tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, vừa không phó mặc cho thị trường, vừa không tùy tiện can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường; không lẫn lộn chức năng quản lý kinh tế Nhà nước với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Năng lực và hiệu lực quản lý Nhà nước được nâng cao theo đúng những định hướng mà Đại hội XI xác định, sẽ là nhân tố vừa bảo đảm cho nền kinh tế được vận hành trôi chảy theo yêu cầu của các quy luật kinh tế khác nhau, vừa bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH một cách bền vững.
Theo Thiếu tướng, PGS,TS Nguyễn Ngọc Hồi/QĐND