Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đã cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống no ấm hạnh phúc của nhân dân. Người để lại cho cho Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc thiêng liêng, mà đến nay và mãi về sau, chúng ta luôn ghi nhớ, học tập và làm theo.
Di chúc của Người là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời, Bác đều gửi gắm trong Di chúc. Đây là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; của tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của Người, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại.
Di chúc là những lời căn dặn quý báu, là ánh sáng soi đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với các dân tộc đã và đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, Bác bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc để lại cho muôn đời sau lúc 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Bác xếp tài liệu lại và chuyển sang làm các công việc thường ngày. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12 và 13/5/1965), cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14/5/1965, do buổi sáng có lịch đi thăm một hợp tác xã ở ngoại thành Hà Nội và dự một phiên họp của Bộ Chính trị, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.
Và cứ đến dịp sinh nhật Bác hằng năm, đồng chí Vũ Kỳ lại đặt bản Di chúc lên bàn làm việc của Bác; sau đó Bác bổ sung và giao lại cho đồng chí Vũ Kỳ. Bác đọc kỹ bản Di chúc, xem xét, cân nhắc kỹ từng đoạn, từng câu, từng ý, từng lời và bổ sung thêm vào bản Di chúc tùy theo tình hình đất nước. Đặc biệt, qua tình hình chiến sự miền Nam, Bác lại viết thêm những phần cần thiết vào bản Di chúc.
Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Năm 1967, Bác xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.
Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Bác sửa lần cuối. Toàn văn Di chúc được công bố sau ngày Bác Hồ qua đời (ngày 2/9/1969).
Di chúc và toàn bộ tư tưởng của Bác là tài sản vô giá để lại cho Đảng và nhân dân ta.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra hết sức ác liệt và có những dấu mốc quan trọng; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đồng thời đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.
Là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Người đã dẫn dắt Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, Bác đặc biệt quan tâm căn dặn: “Trước hết nói về Đảng”. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người tâm huyết nhắc nhở các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Trong Di chúc, Bác Hồ cũng chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài…” và “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Người cũng thường căn dặn và mong muốn, sau khi chiến tranh kết thúc, cần ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Đối với đoàn viên thanh niên, trong Di chúc Bác chỉ rõ vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Bác đối với việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Bác căn dặn và nhấn mạnh: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau mỗi lần chiến thắng, ông cha ta lại có kế sách để bồi dưỡng sức dân, tăng cường lực lượng. Di chúc của Bác đã kế thừa truyền thống lâu đời đó của dân tộc ta. Với tình thương bao la dành cho mọi tầng lớp nhân dân, Bác đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Trong Di chúc, Bác đưa ra lời tiên đoán có tính chất khẳng định, như một tất yếu của lịch sử: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài. Đồng bào ta có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn” và “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”.
Trong Di chúc, Bác viết : “…Tôi mong rằng, Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, trong Di chúc Bác không đề cập đến “cá nhân” hay “bản thân”, mà nói “về việc riêng”, bởi suốt đời Bác phấn đấu cho hạnh phúc của toàn dân. Cái riêng của Bác hòa trong cái chung của dân tộc. Suốt đời Bác vì dân, vì nước, vì Đảng, nên không lúc nào Bác nghĩ đến bản thân mình. Trước lúc đi xa, Người “không có điều gì phải hối hận” vì Bác đã phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân hết sức, hết lòng. Người “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Mỗi dòng, mỗi điều Bác Hồ viết và để lại trong Di chúc là chỉ dẫn vô giá, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, để đất nước ta được phồn vinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Thế mà Bác chỉ coi đó là “để sẵn mấy lời” trước khi đi xa. Nhưng đó là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Đó cũng là niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Cho đến những ngày cuối đời, Bác vẫn ấp ủ ước mơ, khát khao cháy bỏng đưa đất nước ta tiến lên "Sánh vai cùng năm châu bốn biển". Và điều mong muốn cuối cùng của Bác, cũng là những dòng cuối cùng Người viết trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu đoàn kết, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới./.
“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
(Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
|
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch