Trong Di chúc, Người nhấn mạnh: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Bác có 3 nội dung lớn:
Một là, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bác nêu rõ: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Bác nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng vì đó là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, đồng thời phòng ngừa sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu và mất sức chiến đấu của Đảng.
Hai là, phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc. Người nêu rõ: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm làm cho Đảng mạnh lên, phải có động cơ, thái độ tự phê bình và phê bình đúng đắn vì sự phát triển và vững mạnh của Đảng.
Ba là, hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa, hư hỏng trong Đảng. Bác căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".
Trong Di chúc, khi viết về xây dựng Đảng, Bác đồng thời viết về thế hệ trẻ. Người nêu rõ: "ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất trọng và rất cần thiết".
Thực hiện những chỉ dẫn của Bác Hồ trong Di chúc, suốt 50 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng chăm lo tự xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Nghị quyết Trung ương 23, khóa III (tháng 12/1974) về xây dựng Đảng đã tạo sức mạnh, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.
Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) là sự tự phê bình, phê bình nghiêm túc, một cuộc chỉnh đốn lớn để đi đến hoạch định đường lối đổi mới.
Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6/1992) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ vượt qua thách thức của sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.
Với thành quả của các chặng đường đấu tranh cách mạng, trực tiếp là của công cuộc đổi mới, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta-Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng". Có được thành quả đó, một yếu tố hết sức quan trọng là Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là: "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách".
Xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là kim chỉ nam cho hành động của Đảng; trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận vào thực tiễn Việt Nam trong điều kiện mới của thời đại. Không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị và tinh thần độc lập tự chủ của Đảng.
Tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực tổ chức, lãnh đạo cần thiết.
Cần chú trọng xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng, ra sức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thẳng thắn chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với 27 biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Với quyết tâm chính trị rất cao, toàn Đảng đã và đang đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đó.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, hư hỏng, suy thoái, mà Bác Hồ gọi là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, trong tình hình hiện nay đòi hỏi toàn Đảng càng phải kiên quyết, kiên trì, tiến hành đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra.
Vấn đề hàng đầu vẫn là nâng cao chất lượng, phát huy vai trò đầu tàu, nêu gương của đội ngũ đảng viên, cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, chủ trì.
Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng./.
PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc