Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu
Ngày cập nhật 26/06/2013
Cộng đồng DN được hưởng lợi đáng kể từ mức thuế suất mới của Luật thuế TNDN. Nguồn: Internet

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII. Các nội dung sửa đổi được dư luận đánh giá là “đột phá trong cải cách”, hỗ trợ nguồn lực tài chính cho DN, đẩy mạnh nuôi dưỡng nguồn thu…

Đột phá trong cải cách…

Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế TNDN không phải là “cây đũa thần” ngay lập tức giúp DN thoát khỏi khó khăn nhưng nó là động lực hết sức quan trọng tạo niềm tin cho cộng đồng DN và là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Đạo lý căn bản này đã được hiện thực hóa bằng các quy định sửa đổi, bổ sung trong Luật Thuế TNDN theo hướng giảm áp lực tài chính cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất mang tính đột phá là việc giảm mạnh mức thuế suất. Giai đoạn 2014-2015, mức thuế suất phổ thông áp dụng là 22%; đối với DN nhỏ và vừa có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/ năm, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian áp dụng mức thuế suất 20%. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014-2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1/1/2016. Đồng thời, điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi 20% xuống 17% kể từ 1/1/2016 vừa đảm bảo sự tương quan giữa mức thuế suất phổ thông 20% với mức thuế suất ưu đãi 10% và vẫn đảm bảo sự hấp dẫn của mức thuế suất ưu đãi 10% so với mức thuế suất ưu đãi 17%.

Với mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 22% và áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa là đảm bảo tính hấp dẫn cạnh tranh thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực. Đồng thời, mức thuế suất này cũng không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, không làm xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi. DN có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mức thuế 10% được áp dụng cho các khoản thu nhập của DN đến từ việc thực hiện dự án nghiên cứu phát triển, dự án ứng dụng ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo DN công nghệ cao; thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản của cơ quan xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản… cũng được đánh giá là những cải cách mang tính đột phá, tạo động lực cho các DN, tổ chức trong lĩnh vực này phát triển.

Nuôi dưỡng nguồn thu

Việc cải cách mạnh mẽ qua giảm thuế suất được đánh giá không chỉ đơn thuần là tiếp thêm động lực cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư mà còn hình thành dư địa tốt cho DN phát triển lành mạnh hơn.

Theo tính toán, chỉ riêng việc điều chỉnh giảm thuế suất và ưu đãi mở rộng như trên dự kiến làm giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng trên 16.000 tỷ đồng, trong đó giảm 12.064 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thuế TNDN từ 25% xuống 22% và giảm thêm khoảng trên 2.000 tỷ đồng do tiếp tục giảm thuế suất từ 23% xuống 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa, giảm 2.081 tỷ đồng do bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng. Con số này giảm trong một vài năm đầu nhưng có tác động tăng thu cho những năm sau do thu hút đầu tư tăng lên, đồng thời phần tiền thuế được giảm sẽ được tái đầu tư và tiêu dùng. Do đó, Nhà nước có thể thu được thông qua các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân qua việc người lao động được tăng phúc lợi từ tiền thuế được giảm. Nhờ việc giảm nghĩa vụ thuế, sản xuất kinh doanh của DN sẽ phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần đưa kinh tế tăng trưởng, đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Đây chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong 5 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 200.660 tỷ đồng, bằng 36,8% dự toán, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2012; thu từ dầu thô đạt 47.070 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2012.

Nguồn: Bộ Tài chính

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc đưa mức thuế suất thuế TNDN xuống mức thấp phải được coi là một giải pháp đột phá, một mũi tên trúng được nhiều đích, không chỉ đạt được yêu cầu khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng niềm tin cho DN mà còn phù hợp với yêu cầu hội nhập.

Việc giảm thuế hiện nay sẽ tạo lòng tin khi DN thấy có sự đồng hành và chia sẻ từ Nhà nước. Một số lập luận cho rằng, hiện nay DN khó khăn, không có doanh thu thì giảm thuế cũng không có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên phải khẳng định, khó khăn hiện nay là nhất thời và giảm thuế cũng chỉ là một trong nhiều chính sách hỗ trợ thị trường và DN. Cùng với việc giảm thuế TNDN, các gói hỗ trợ khác sẽ cộng hưởng thêm tác động tương hỗ tạo ra niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy DN tồn tại và phát triển.

Thực tế cho thấy, chính sách thuế luôn là dòng chảy hướng các luồng đầu tư, tạo động lực cho DN phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu đưa ra mức thuế suất quá cao thì DN sẽ không đến đầu tư ở Việt Nam. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, phải có lộ trình khoan sức DN. Khi đó, DN sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh bởi tiền được giảm thuế DN cũng không cất vào tủ mà sẽ tiếp tục bỏ vào sản xuất. Quy mô sản xuất tăng, doanh thu tăng thì tiền thuế sẽ tăng. Kinh nghiệm từ lần giảm thuế TNDN từ 28% xuống 25%, cho thấy việc giảm thuế đã mở ra cơ hội cho nền kinh tế tăng thu liên tục, tăng thu với tốc độ cao trong những năm qua mặc dù kinh tế có khó khăn. Đây chính là nuôi dưỡng nguồn thu. 

Theo Đường Thị Quỳnh Liên - Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2013

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 685
Chung nhan Tin Nhiem Mang