PV: Thưa ông, ông có nhận định gì về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng tới?
Ông Nguyễn Đức Thắng: Nhìn lại CPI tháng 7, chúng ta thấy rằng CPI tăng nhẹ ở mức 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12/2012, CPI mới tăng 2,68%. Có thể nói trong 7 tháng đầu năm nay tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn khá nhiều so với các năm trước đây.
Hiện nay, có một số yếu tố tác động tới việc tăng chỉ số giá trong tháng 8. Ví dụ, đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7 đóng góp vào chỉ số giá tháng 8 khoảng 0,15%, còn việc tăng giá điện 5% góp vào CPI thêm 0,12% nữa. Trong tháng 8 chúng tôi cũng nhận được thông tin Hà Nội tăng giá dịch vụ y tế với mức tăng tương đối cao, đây là thành phố lớn nên chúng tôi cũng dự báo sẽ góp vào CPI chung 0,3%... Tháng 8 cũng là mùa mưa bão nên ảnh hưởng đến giá cả một số địa phương khi bão đến, làm tăng CPI chung. Dự báo tháng 8 CPI tăng khoảng 0,6-0,7% so với tháng 7.
Với việc một loạt hàng hóa, dịch vụ điều chỉnh giá như vậy, liệu khả năng CPI tăng mạnh trong năm nay có xảy ra không, thưa ông?
Theo lộ trình, các mặt hàng do Nhà nước thống nhất quản lí giá phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên việc điều chỉnh này cần tránh làm một cách đột ngột, gây sốc cho người dân và thị trường. Từ nay đến cuối năm nhiều yếu tố ảnh hưởng đến CPI. Tháng 8 Hà Nội điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tháng 9 TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh học phí cùng với việc Chính phủ áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài ra, tháng cuối năm chi tiêu của người dân cũng nhiều hơn. Đây là những vấn đề ảnh hưởng giá cả thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi thấy năm nay tốc độ tăng CPI vẫn thấp cho nên mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% vẫn có thể đạt được.
Đúng ra lạm phát có nhiều yếu tố, nhưng để đơn giản nhiều nước hay dùng chỉ số giá tiêu dùng để đánh giá lạm phát. Việc này là theo thông lệ quốc tế, không phải mỗi Việt Nam thực hiện.
Trong năm tới CPI liệu có tăng cao trở lại, thưa ông?
Không như các nước khác, sự ổn định giá cả của Việt Nam không bền vững. Năm nay chỉ số giá tăng thấp nhưng các biện pháp kích thích đầu tư có thể khiến CPI tăng trở lại. Có thể năm nay những biện pháp này tác động đến CPI chưa đáng kể, song với độ trễ thời gian, nó sẽ tác động đến chỉ số giá của năm sau. Nhìn vào lịch sử tăng chỉ số giá những năm qua, chúng ta có thể thấy rằng có năm CPI tăng thấp nhưng năm sau CPI lại tăng rất cao. Cho nên, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành có chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đầu tư cần lưu ý chỉ số giá có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian tiếp theo. Riêng trong năm nay lạm phát có thể trong vòng kiểm soát như mục tiêu Quốc hội đề ra nhưng những năm tiếp theo cần lưu ý việc tăng giá các mặt hàng.
Tức là sang năm vẫn phải hết sức cảnh giác với lạm phát phải không, thưa ông?
Chúng ta phải cảnh giác ngay từ bây giờ. Chính phủ luôn phải có cam kết ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Vậy ông có khuyến nghị gì việc điều hành giá từ nay đến cuối năm?
Với mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, cơ quan quản lí cần tiếp tục ưu tiên sử dụng các biện pháp linh hoạt như thuế, quỹ bình ổn, theo sát diễn biến thị trường để khi điều chỉnh không tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tâm lí thị trường. Việc tăng giá dịch vụ y tế cần giãn tiến độ, thực hiện theo lộ trình, không nên tăng đồng loạt ở các tỉnh, gây "sốc" lớn cho xã hội như những năm trước. Mặt hàng sữa hiện nay cũng đang tăng giá, do đó Bộ Y tế nên sớm thống nhất tên gọi chung các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em để tạo thuận lợi cho công tác quản lí của các bộ, ngành. Bởi vì một số DN đổi tên sữa thành sản phẩm dinh dưỡng, biến tướng để tăng giá.
Trong bối cảnh sức cầu yếu, một số giải pháp kích cầu cũng được cơ quan quản lí Nhà nước đưa ra. Việc tăng giá các hàng hóa, dịch vụ cần chú ý gì để không cản trở việc kích thích kinh tế, thưa ông?
Hiện nay sản xuất gặp nhiều khó khăn nên muốn sản xuất phát triển cũng cần thiết kích thích tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian qua sức mua thấp, thu nhập người dân thấp, nên tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ không cao hơn hoặc cao hơn không nhiều so với cùng kì năm ngoái. Thời gian tới bên cạnh việc kích cầu, cần lưu ý tránh những cơn sốc khi tăng giá đột ngột như giá xăng dầu, giá điện vì đây là những mặt hàng rất nhạy cảm, khi tăng cần có sự cân nhắc.
Thống kê về CPI hàng tháng của Tổng cục Thống kê luôn được sự chú ý của dư luận. Vậy công tác thống kê giá đóng vai trò thế nào trong công tác điều hành nền kinh tế, thưa ông?
Thống kê giá có hai loại: Giá sản xuất và giá tiêu dùng. Chỉ số giá sản xuất gồm chỉ số giá về công nghiệp, nông nghiệp, chỉ số giá xuất nhập khẩu để đánh giá sức sản xuất của nước ta. Chỉ số giá tiêu dùng luôn được quan tâm vì nó đánh giá được thu nhập người dân, chi tiêu của người dân ảnh hưởng như thế nào đến mức độ tăng-giảm của giá cả trên thị trường. Chỉ số này dùng để đánh giá chỉ tiêu lạm phát, lạm phát tăng hay giảm là dùng chỉ số giá tiêu dùng. Đúng ra lạm phát có nhiều yếu tố, nhưng để đơn giản nhiều nước hay dùng chỉ số giá tiêu dùng để đánh giá lạm phát. Việc này là theo thông lệ quốc tế, không phải mỗi Việt Nam thực hiện.
Công tác thu thập giá cả các mặt hàng để có thống kê chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của Tổng cục Thống kê được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Việc thu thập giá cả các mặt hàng được tiến hành trên phạm vi cả nước. Hàng tháng Cục Thống kê ở các tỉnh có trách nhiệm thu thập giá cả mặt hàng ở các quận, huyện để tính CPI của tỉnh. Có hàng nghìn, hàng vạn mặt hàng nhưng chỉ lấy những mặt hàng phổ biến, người dân chi tiêu nhiều nhất để thực hiện điều tra biến động giá cả của mặt hàng ấy. Từ chỉ số giá các tỉnh gửi về, Tổng cục Thống kê sẽ căn cứ để tính chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.
Theo baohaiquan.vn