Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tái đầu tư công theo hướng nào?
Ngày cập nhật 19/03/2012

Vốn đầu tư khu vực nhà nước đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải tái cơ cấu vốn đầu tư của khu vực này nhằm giảm áp lực lạm phát, nâng cao hiệu quả đầu tư chung. Chính phủ đã ban hành một số giải pháp tài chính - tiền tệ, trong đó có việc tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả đầu tư công được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong chống lạm phát.

Hạn chế trong cơ cấu

Theo bà Lê Thị Thanh Huyền, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thời gian qua cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả. Chưa huy động hết tiềm năng các nguồn vốn cho đầu tư phát triển của nền kinh tế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước mà chủ yếu vẫn trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách cho. Trong nông nghiệp, chủ yếu tập trung đầu tư vào thủy lợi (chiếm khoảng 70% vốn đầu tư của ngành), mà chưa chú ý nhiều đến đầu tư nhằm nâng cao chất lượng phát triển nông nghiệp như đầu tư phát triển khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, đầu tư cho hệ thống giống cây trồng, vật nuôi... Bên cạnh đó, chưa quan tâm đúng mức đến công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn do đầu tư chưa tương xứng để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, phát triển trang trại...

Đối với công nghiệp, cơ cấu đầu tư cho công nghiệp chiếm 43% trong tổng số đầu tư toàn xã hội là thấp, chưa đủ để phát triển và cơ cấu lại ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp để có thể hội nhập, trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt; hiện tượng đầu tư theo phong trào, lợi nhuận trước mắt còn tồn tại, lãng phí vốn, tài nguyên, giảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, chưa chú trọng đầu tư phát triển ngành cơ khí, đầu tư công nghiệp đóng tầu, chế tạo máy công cụ...

Trong giao thông vận tải, chủ yếu tập trung vào giao thông đường bộ (chiếm hơn 70% vốn đầu tư của ngành) trong đó chỉ tập trung chủ yếu vào hệ thống đường quốc lộ; hệ thống đường giao thông nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa được đầu tư thỏa đáng.

Ngoài ra, đầu tư cho lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực còn ở mức thấp, chưa gắn chặt với chiến lược phát triển các ngành kinh tế, các vùng kinh tế.

Mặc dù, những năm qua, Chính phủ đã cố gắng điều chỉnh cơ cấu đầu tư gữa các vùng, nhưng tỷ lệ đầu tư của các vùng miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên vẫn còn ở mức khiêm tốn (ở mức 8%-12% tổng mức đầu tư toàn xã hội), vốn đầu tư tập trung cao ở mức vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ. Đầu tư cho các công trình liên vùng, liên tỉnh còn kém, bị chia cắt theo địa giới hành chính địa phương. Các công trình, dự án vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước giải ngân chậm, thời gian thực hiện dự án kéo dài, nợ quá hạn, lãi đến hạn trả chưa trả được có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn.

Tái cơ cấu đầu tư công

Cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư: Trước mắt cần huy động mọi nguồn lực có thể, đặc biệt là nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của nhà nước. Vốn đầu tư từ NSNN vẫn chiếm tỷ trọng cao trong vốn đầu tư nhà nước. Vốn tín dụng theo xu hướng giảm dần, nhưng những năm kinh tế giảm sút, tín dụng nhà nước sẽ tăng nhẹ trở lại. Tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước sẽ giảm dần, nhưng vẫn còn ở mức khoảng 25%, vì đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới vẫn lớn nhằm thực hiện các mục tiêu đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp then chốt.

Cơ cấu lại phương thức sử dụng vốn: Trong 10 năm tới, vốn đầu tư từ NSNN không cấp cho doanh nghiệp nhà nước dưới mọi hình thức; tỷ trọng cấp cho các chương trình mục tiêu quốc gia giữ bằng mức giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng vốn cấp bù lãi suất dự kiến sẽ giảm. Tính chung toàn bộ vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, chương trình mục tiêu và cấp bù lãi suất sẽ ở mức khoảng 6% tổng vốn đầu tư từ NSNN, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2006-2010 là 4%.

Cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư: Vốn đầu tư từ NSNN cần được tập trung cao độ, hoàn thành càng sớm càng tốt cho các công trình cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng. Khi các công trình này hoàn thành sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng và đảm bảo lưu thông thuận tiện giữa các vùng miền, đảm bảo năng lượng điện cho quá trình công nghiệp hóa. Các lĩnh vực đầu tư khác sẽ do chính quyền địa phương và doanh nghiệp đầu tư chủ yếu, nhà nước tham gia chỉ với hình thức "vốn mồi".

Cơ cấu lại bội chi NSNN trong mối tương quan với an ninh tài chính quốc gia: Giảm bội chi bằng cách giảm chi (không tăng thu) nhất là giảm chi đầu tư. Thực hiện chi ngân sách theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua; tất cả các khoản vượt thu ngân sách so với dự toán phải đưa vào Quỹ dự phòng, không tự ý phân bổ, tăng các khoản chi cao hơn dự toán đã được Quốc hội phê chuẩn. Sử dụng Quỹ dự phòng do Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội chấp thuận, thông qua.

Đa dạng hoá hình thức đầu tư: Trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng phát triển, yêu cầu về vốn đầu tư ngày càng lớn trong khi vốn ngân sách có hạn thì ngoài hình thức đầu tư trực tiếp 100% vốn từ NSNN, cần phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư từ NSNN, nhằm thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào các dự án xây dựng cơ bản. Sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước cũng làm cho hoạt động đầu tư được quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng "bao cấp" trong các dự án cơ sở hạ tầng.

(Thái Vĩnh). Theo www.taichinhdien tu.vn.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 179
Chung nhan Tin Nhiem Mang