Mặc dù, GDP quý I/2010 cao hơn cùng kỳ, nhưng thấp hơn quý IV/2009. Đặc biệt, giá cả trong những tháng đầu năm 2010 đến nay tăng khá cao so với các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2010 tăng 0,75% so với tháng 2/2010. So với tháng 12/2009, CPI tháng 3/2010 tăng 4,12%. sẽ có nhiều biện pháp chống tăng giá CPI tháng 3/2010 của hai thành phố lớn, Hà Nội và TP.HCM hiện tăng ở mức 0,75% và 0,78% so với tháng trước, cao hơn mức dự báo ban đầu. Đây là những yếu tố thấy rõ của nguy cơ lạm phát, và trong lúc này các Bộ, ngành vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp bình ổn giá nhằm kéo lạm phát xuống mức thấp hơn.
Nhiều nguyên nhân gây tăng giá
Thống kê cho thấy, CPI tháng 3/2010 của TP Hồ Chí Minh cao hơn 0,78% so với tháng 2/2010 (1,68%), tính chung quý I/2010 CPI cao thêm 3,78% và tăng 10,27% cùng kỳ năm trước. Tại Hà Nội, chỉ số CPI tháng 3 tăng ở mức 0,75% so với tháng 2. Tính chung quý I/2010, CPI của Hà Nội tăng 9,58%. Tại Hà Nội, nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống, tăng tới 1,23%. Tiếp đó là nhóm nhà ở, điện nước và chất đốt, giao thông, dịch vụ giải trí, du lịch... Ngay từ đầu năm, các chuyên gia kinh tế đã nhận định tình hình biến động của giá cả sẽ là một trong những tác nhân chủ yếu gây nên lạm phát.
Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trong phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa tháng 3 mới đây, Bộ trưởng phân tích, có nhiều nguyên nhân gây lên tăng giá, ngoài các mặt hàng điện, than... là yếu tố tác động chính, một nguyên nhân nữa là tăng giá do “tâm lý”. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng nhận định, giá cả thị trường hiện còn có nhiều nhân tố ảo nên Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ. Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, nhiều thành viên Chính phủ cũng cho rằng, sự “đồn thổi” thông tin cũng gây nên tâm lý hoang mang cho người dân. Cộng với việc điều chỉnh giá vật tư cơ bản như vừa qua có thể là theo lộ trình, nhưng lộ trình đó đặt ra khi không có khủng hoảng, nên thời gian tới Chính phủ cần cân nhắc mức độ điều chỉnh cho phù hợp. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/4/2010, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đối với thông tin cho rằng, trong năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể lên đến 8 - 9% chỉ là thông tin mang tính cảnh báo; chưa xảy ra trên thực tế.
Nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ áp dụng nhiều biện pháp chống tăng giá đối với các mặt hàng cơ bản như: xăng dầu, điện, than và thép. Một loạt các biện pháp như giảm thuế, sử dụng quỹ bình ổn... để giữ giá các mặt hàng này sẽ được Chính phủ tích cực triển khai. Về việc thực hiện các giải pháp này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phân tích, trong điều kiện giá xăng dầu thế giới diễn biến như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước không được phép tăng giá bán lẻ nhưng có thể sử dụng quỹ bình ổn giá để đảm bảo kinh doanh không lỗ. Trong trường hợp giá thế giới đi xuống, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh việc giảm giá theo quy định. Tuy nhiên, nếu giá thế giới tăng bất thường, trước khi điều chỉnh, doanh nghiệp phải báo cáo lên liên Bộ Tài chính - Công Thương để cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp ngoài yếu tố giá. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đang kiến nghị Chính phủ nâng thời gian tối thiếu giữa 2 lần tăng giá từ 10 ngày như hiện nay lên 30 ngày nhằm hạn chế tác động của các đợt điều chỉnh tới tâm lý thị trường.
Đề nghị kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng
Một trong những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát mà Chính phủ thực hiện đó là, yêu cầu Ngân hàng triển khai thực hiện cho vay lãi suất thoả thuận đối với những dự án hiệu quả, đồng thời kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, lãi suất ngân hàng hiện nay tương đối cao, vì vậy, tới đây, ngân hàng sẽ có các biện pháp hạ lãi suất xuống, nhưng vẫn đảm bảo quan điểm lãi suất thực dương so với lạm phát trong những giai đoạn nhất định (không theo quãng ngắn). Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với ngân hàng đó là huy động vốn. Ông Tiến cho biết, quý I/2010, tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng 9% nhưng tiền gửi của doanh nghiệp lại tăng chậm. Do đó, NHNN đang thực hiện các biện pháp để hỗ trợ vốn có tính dài hơi cho các tổ chức tín dụng.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu NHNN cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phấn đấu thấp hơn năm 2009; tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung - cầu vốn thị trường theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất. Bảo đảm lượng tiền trong lưu thông hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Thủ tướng đề nghị việc điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường và yêu cầu phải bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển, điều kiện thực tế của nền kinh tế nước ta, và tránh điều hành giật cục. Bên cạnh đó, NHNN cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; rà soát, đánh giá được thực trạng hoạt động của từng ngân hàng thương mại và của hệ thống ngân hàng để chủ động có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết./.
TBTCVN số 41