Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2010 diễn ra chiều nay 1/6, các vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC (Đề án 30), đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tình hình cung ứng điện, các giải pháp điều hành giá xăng dầu là những lĩnh vực được báo chí quan tâm.
Thông báo với báo chí về tiến độ triển khai Đề án 30 đến giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã công bố giai đoạn thống kê TTHC, bao gồm 5.700 TTHC được thống kê trên phạm vi cả nước, công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Như vậy, có thể khẳng định giai đoạn 1 của Đề án đã thành công.
Giai đoạn 2 đã chọn ra 258 TTHC ưu tiên để rà soát trước với sự huy động của hàng chục luật sư, chuyên gia cùng Tổ công tác Đề án 30 của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương và đến nay đã rà soát xong. Tổ công tác Đề án 30 của Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Các thành viên Chính phủ đều nhất trí cần đơn giản hóa 258 TTHC này.
Những TTHC này đều thuộc những lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, công chứng, khám chữa bệnh, xây dựng…
Chiều qua (31/5), Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên nêu trên, từ đó, có thể tiết giảm được ít nhất 5.700 tỷ đồng.
Đây được coi là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn, mở đầu cho việc đơn giản hóa xem xét trên 5.000 TTHC còn lại. Nghị quyết này sẽ được Cổng TTĐT Chính phủ đăng tải trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm, để thực thi Nghị quyết đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên, các Bộ ngành phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi 14 Luật, 3 Pháp lệnh, 41 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng và ban hành theo thẩm quyền để sửa đổi 60 Thông tư, 40 Quyết định của Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành.
Nợ quốc gia ở mức an toàn
Trước sự quan tâm của báo chí về tình hình nợ quốc gia hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vấn đề này đã được Chính phủ thảo luận kỹ và khẳng định với mức nợ hiện nay cùng với sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới thì nợ quốc gia luôn ở mức an toàn, trong tầm kiểm soát không những trước mắt mà còn lâu dài.
”Không thể và không có tình trạng vỡ nợ xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Các khoản vay sẽ được sử dụng hiệu quả, ưu tiên cho các công trình dân sinh, những công trình bức thiết phục vụ an sinh xã hội.
Đối với việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ sẽ họp với các Bộ liên quan và Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết các vấn đề cụ thể của Dự án này. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo đầy đủ hơn đến Quốc hội và có các giải thích chi tiết.
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa đã khẳng định rõ hơn về cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cụ thể vẫn nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điều hành giá xăng dầu. Trong đó tiếp tục thi hành Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên trong bối cảnh vừa qua giá dầu thế giới tăng cao, chúng ta phải áp dụng các biện pháp về bình ổn giá hoặc sử dụng quỹ bình ổn giá để giá trong nước không tăng cao quá.
Về tình hình cung ứng điện trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, do mất cân đối cung cầu nên việc tiết giảm điện là khó tránh khỏi. Nhưng yêu cầu thực hiện việc tiết giảm điện theo nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử, luân phiên; không cắt điện trong một khu vực kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần, cắt điện không báo trước.
Theo Chinhphu.vn