Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đọc Tờ trình cho biết: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua hơn 7 năm thực hiện đã tạo được khung pháp lý có giá trị cao và đồng bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân.
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng kinh phí NSNN chi thường xuyên: Việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp THTK, CLP từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện cơ chế tự chủ trong quản lý tài chính để chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, qua đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Kết quả, từ năm 2006 đến 2012, tổng số tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngoài lương và có tính chất lương của các cơ quan, đơn vị để thực hiện cải cách tiền lương là 11.543,7 tỷ đồng; trong đó khối cơ quan trung ương là 2.846 tỷ đồng, khối cơ quan địa phương là 8.697,7 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2011 tổng số kinh phí đã thực hiện tạm dừng mua sắm là 1.081,4 tỷ đồng, trong đó: ôtô 514,4 tỷ đồng, điều hoà nhiệt độ là 184,6 tỷ đồng, thiết bị văn phòng là 328 tỷ đồng và các tài sản khác là 54,3 tỷ đồng.
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được doanh nghiệp xác định là một trong những biện pháp để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, góp phần bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Qua báo cáo của các tổng công ty 91/tập đoàn và báo cáo của Bộ, ngành, địa phương cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều xác định rõ việc THTK, CLP là một trong những biện pháp để nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản sản phẩm, tiết giảm từ 5% đến 10% chi phí quản lý. Tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đăng ký tiết kiệm do tiết giảm chi phí năm 2012 là 12.587,7 tỷ đồng...
Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cũng quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng và triển khai tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến tháng 8-2012, đã có 53 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó 9 tập đoàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án.
Tuy nhiên, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay. Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức, triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện thêm cơ chế đấu tranh chống các hành vi gây lãng phí một cách hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong các lĩnh vực THTK, CLP... cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THTK, CLP.
Bên cạnh đó, dự án Luật còn bổ sung, làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định chống lãng phí là trọng tâm trên cơ sở thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, được quán triệt xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện; Bổ sung việc quy định coi công khai trong quản lý ngân sách nhà nước, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên là biện pháp để bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Bổ sung trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng và trước công luận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc để xảy ra lãng phí trong đơn vị mình...
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật lần này đó là vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong doanh nghiệp. Kế thừa các quy định về THTK, CLP trong doanh nghiệp tại Chương 7 Luật hiện hành, dự thảo Luật (sửa đổi) dành Mục 6 quy định cho đối tượng này. Dự thảo Luật xác định rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong doanh nghiệp; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý và sử dụng các quỹ, trong quản lý, sử dụng đất và tài sản và vật tư, nguyên nhiên vật liệu trong doanh nghiệp.
Điểm mới của các quy định này là tập trung xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí đến từng hoạt động quản lý và từng loại vật tư tài sản, xây dựng kế hoạch và biện pháp để tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, bảo đảm sản xuất, kinh doanh tiết kiệm, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp và cá nhân liên quan trong quản lý sử dụng vốn, quỹ, tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức nang và công luận.
Riêng đối với doanh nghiệp nhà nước đặt ra yêu cầu cao hơn trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu tiết giảm chi phí đã đăng ký với chủ sở hữu. Dự án Luật (sửa đổi) đã bổ sung quy định rõ đưa chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng ký thành căn cứ để chủ sở hữu đánh giá kết quả xếp loại doanh nghiệp và đánh giá cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài ra, dự án Luật (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc quản lý hiệu quả và gắn với trách nhiệm của người được giao đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua việc theo dõi, giám sát tình hình hoạt động, kịp thời phát hiện báo cáo chủ sở hữu các sai phạm trong việc sử dụng vốn tránh nguy cơ mất vốn hoặc sử dụng vốn kém hiệu quả.
Để việc THTK, CLP được thực hiện một cách thiết thực, có hiệu quả, có chiều sâu, đi vào cuộc sống, cần cụ thể hóa Chương trình THTK, CLP của luật hiện hành trên góc độ lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí. Theo đó, dự án Luật (sửa đổi) đã quy định rõ việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí chung trên cả nước gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn, đồng thời đặt ra yêu cầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ ngành, UBND các cấp cũng phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đây là vấn đề có tính chất cốt lõi trong việc đổi mới cơ chế tổ chức điều hành THTK, CLP qua đó, sẽ đánh giá được hiệu quả, kết quả cụ thể của từng địa phương, ngành, lĩnh vực và của cả nước.
H.L - theo mof.gov.vn