Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...
Ngày cập nhật 11/07/2014

(Tài chính) Căn cứ quy định của Luật, chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Trung ương 3 khoá X, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

1. Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí 6 tháng đầu năm:

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành và chỉ đạo các đơn vị ban hành chương trình hành động để tổ chức triển khai trong toàn hệ thống, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được các cơ quan, tổ chức trong ngành Tài chính triển khai, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Bộ và đã thu được những kết quả tích cực:

- Các đơn vị trong ngành đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 3, nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong việc tổ chức triển khai thực hiện; có sự phối hợp chặt chẽ trong việc hướng dẫn, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật; xây dựng chương trình hành động, báo cáo kết quả theo đúng quy định.

- Ban hành Quy chế phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Tài chính kèm theo Quyết định số 45/QĐ-BTC ngày 06/01/2014.

- Công tác học tập, phổ biến các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực: sáu tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã tổ chức 127 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN với hơn 20.387 lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tham gia; đồng thời phát hành 06 tài liệu về pháp luật Phòng, chống tham nhũng.

- Thường xuyên rà soát, phát hiện các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính còn phức tạp hoặc có sơ hở dễ bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, lãng phí để sửa đổi, bổ sung kịp thời; thực hiện triệt để các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh công khai, minh bạch và các biện pháp khác để tăng cường phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, như Thuế, Hải quan, quản lý dự án đầu tư xây dựng, thực hiện tốt việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập; Công tác cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin được đặc biệt quan tâm; Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, một số vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ, công chức trong ngành đã được phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

- Các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; thực hiện luân chuyển cán bộ theo đúng quy định; ban hành các văn bản quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ trong việc chấp hành kỷ luật trong hoạt động công vụ.

- Ngay từ đầu năm 2014, Thanh tra Bộ đã chủ động tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện nghiêm quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công được đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thường xuyên đôn đốc các các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đúng quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, cấp uỷ và thủ trưởng các đơn vị trong ngành Tài chính quan tâm chỉ đạo và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết thoả đáng lợi ích của các tổ chức, cá nhân đến khiếu nại, tố cáo; đảm bảo công bằng, dân chủ.   Sáu tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp 600 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị trong đó tập trung chủ yếu ở Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Tiếp nhận 2.447 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đề nghị, trong đó có 1.546 vụ việc khiếu nại và 244 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết.

Kết quả xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo như sau:

- Về giải quyết khiếu nại: đã giải quyết 1.363 vụ việc (đạt 88%); trong đó giải quyết thông qua hòa giải, thuyết phục: 256 vụ việc; giải quyết bằng quyết định hành chính: 1.107 vụ việc.

- Về giải quyết tố cáo: đã giải quyết là 128 vụ việc (đạt 52%); số vụ việc còn lại, do mới nhận được hoặc đang trong thời hạn thụ lý.

Thủ trưởng các đơn vị ngành Tài chính đã chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đúng trình tự thẩm quyền, thời hạn của Luật Khiếu nại, Luật tố cáo và Quy chế, quy trình của ngành. Qua công tác giải quyết, khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý hành chính 7 người (tập trung tại hệ thống Thuế); kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 06 vụ việc, thu về cho NSNN 366 triệu đồng.

Tóm lại:

- Các đơn vị trong ngành Tài chính đã bám sát định hướng, kế hoạch thanh tra , kiểm tra được phê duyệt, triển khai thanh tra theo đúng kế hoạch. Nội dung thanh tra, kiểm tra đảm bảo sát với nhiệm vụ, yêu cầu quản lý của Bộ và các đơn vị thuộc ngành Tài chính; đồng thời đã gắn với việc kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính đã có nhiều đổi mới từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện thanh tra và kết luận, xử lý. Các đơn vị đã kết hợp tốt thanh tra theo chương trình, kế hoạch với đột xuất; có phương án tập trung chỉ đạo xử lý các vấn đề quan trọng, vướng mắc; tăng cường công tác kiểm tra của cơ quan thanh tra cấp trên đối với cơ quan thanh tra cấp dưới, thanh tra chuyên ngành.

3. Từ nay đến cuối năm, ngành Tài chính tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực:

-  Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm cơ sở để đưa những quy định của Luật vào cuộc sống. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính, chú trọng thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thuế, chống thất thu thuế và gian lận thương mại, công tác quản lý, thanh quyết toán các khoản chi ngân sách Nhà nước. Chú trọng công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và kết quả xử lý của từng cấp, từng đơn vị, các quỹ tài chính.

-  Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ ngành, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xử lý đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân và tập thể vi phạm pháp luật, kỷ cương, kỷ luật của ngành.

4. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

- Khẩn trương ban hành và triển khai các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 579
Chung nhan Tin Nhiem Mang