Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, với tiềm năng và lợi thế của địa bàn, 4 năm qua, tỉnh đã tập trung khai thác thế mạnh về di sản, văn hóa, giáo dục và y tế để phát triển kinh tế, từng bước khẳng định vị thế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngành du lịch, dịch vụ được đầu tư đúng hướng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với trên 2,4 triệu lượt khách du lịch hàng năm. Nông nghiệp phát triển toàn diện, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư tương đối đồng bộ. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ-du lịch chiếm 54%; công nghiệp chiếm 36%; nông nghiệp chiếm 10% GDP. Tốc độ phát triển kinh tế bình quân những năm qua đạt trên 10,2%, GDP đầu người đạt khoảng 1.760USD, tăng hơn 1,77 lần so với năm 2009; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 38,8%/năm…Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nhất là đối với các nước trong khu vực hành lang kinh tế Đông-Tây. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quốc phòng an ninh được tăng cường, giữ vững và ổn định chính trị xã hội. Tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và Kết luận 56 của Bộ Chính trị về kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, góp phần vào phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 374 tổ hợp tác, 221 hợp tác xã và 01 Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Mặc dù còn hạn chế về năng lực hoạt động, quy mô nhỏ nhưng các Tổ hợp tác và HTX ngày càng thích nghi với kinh tế thị trường, số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Các mô hình HTX nông nghiệp chuyên sâu, chuyên ngành như sản xuất giống, chăn nuôi gia súc gia cầm, sản xuất rau an toàn, trồng rừng, hoa…đang có xu hướng phát triển.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn Ban Kinh tế Trung ương đều cho rằng, mặc dù kinh tế-xã hội của Thừa Thiên Huế có bước phát triển, cùng với Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò và vị thế của mình trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, hiện nay quy mô phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh tăng trưởng kinh tế chưa cao, quy mô ngân sách còn thấp. Ngành du lịch-dịch vụ phát triển chưa ngang tầm tiềm năng, thế mạnh; nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới, nhất là trong báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới, Thừa Thiên Huế phải làm rõ mặt đặc thù và động lực phát triển kinh tế của tỉnh, việc phát huy lợi thế của hành lang kinh tế Đông-Tây phải gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và phải hướng đến việc gia nhập cộng đồng ASEAN để đưa hàng hóa của mình sang các nước trong khu vực. Mục tiêu là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh cần phải có cách nhìn căn cơ, tổng thể, không thể sao chép của vùng này hay địa phương khác, hướng xây dựng nông thôn mới nên theo mô hình Nông nghiệp-Đô thị.
|
Tại buổi làm việc
|
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả đạt được khá toàn diện trên các mặt của Thừa Thiên Huế, nhất là tỉnh đã phát huy được vai trò của trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước. Để tiếp tục đưa Thừa Thiên Huế phát triển, xứng tầm là trụ cột phát triển kinh tế của vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh cần bám sát các nội dung Thông báo 175 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Kết luận 48/KL/TW, trong đó tỉnh cần tập trung vào 4 vấn đề mà Bộ Chính trị đã đưa ra đó là: Tỉnh cần có sự bứt phá về tư duy phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác liên kết đầu tư với các địa phương trong khu vực; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí Vương Đình Huệ đồng tình và ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, thời gian tới Ban Kinh tế Trung ương sẽ chủ trì tổ chức hội nghị gồm Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Bộ, ngành liên quan và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để triển khai thực hiện các nội dung Thông báo 175 của Bộ Chính trị, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trước đó, vào buổi sáng đoàn Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi thăm, làm việc tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. (ảnh dưới)
www.thuathienhue.gov.vn