Muôn vàn lý do
Dự án quy hoạch thu gom xử lý chất rắn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đã hoàn thành từ cách đây vài năm trước, song chủ đầu tư là Sở Xây dựng đến thời điểm này vẫn chưa nộp hồ sơ quyết toán là do chỉ có quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư ban đầu, quyết định phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự toán chi phí lập đề cương quy hoạch. Còn lại các hợp đồng và thanh lý hợp đồng công tác quy hoạch, hồ sơ nghiệm thu bị thất lạc nên chưa quyết toán dự án.
|
Dự án chợ Trung tâm Quảng Điền chậm quyết toán
|
Lý do khác quan trọng hơn là Trưởng Ban quản lý dự án, kế toán và các thành viên của ban đã nghỉ hưu và chuyển công tác nên công tác quyết toán dự án càng khó khăn hơn.
Trong 122 dự án chưa hoàn thành quyết toán, có 25 dự án do các Ban Đầu tư và Xây dựng các huyện, thị xã làm chủ đầu tư; 4 dự án do Ban Quản lý Phát triển khu đô thị mới, nay là Ban Quản lý Phát triển khu vực đô thị làm chủ đầu tư; 53 dự án do khối đầu tư cấp sở và tương đương làm chủ đầu tư; 26 dự án do các đơn vị sự nghiệp làm chủ đầu tư; 3 dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 11 dự án do các đơn vị trực thuộc TP Huế làm chủ đầu tư.
|
Dự án chợ trung tâm Quảng Điền do Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 4,4 tỷ đồng hoàn thành đưa vào sử dụng đã lâu, khoảng cuối năm 2006, song vẫn chưa hoàn thành hồ sơ quyết toán do thiếu hồ sơ phê duyệt kế hoạch đầu tư và chưa đối chiếu vốn với cơ quan thanh toán, dù chủ đầu tư đã nộp hồ sơ quyết toán tại bộ phận một cửa ở Sở Tài chính.
Hệ thống tiêu úng Hòa-Bình-Chương có tổng mức đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng đã nghiệm thu hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng cách đây gần 10 năm. Khi đoàn kiểm tra của Sở Tài chính tiến hành kiểm tra công tác quyết toán công trình cuối 2014, thì dù đầy đủ hồ sơ, song Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Phong Điền, chủ đầu tư dự án vẫn chưa nộp hồ sơ quyết toán tại Sở Tài chính.
Với các dự án cải tạo hạ tầng Đại Nội, giai đoạn 2 dù đã hoàn thành từ tháng 6-2006, song do nhà thầu chưa cung cấp hồ sơ hoàn công nên chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ quyết toán dù báo cáo quyết toán đã được lập. Tương tự, với dự án Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, giai đoạn 1, chủ đầu tư cũng chưa nộp hồ sơ quyết toán do nhà thầu là Công ty VINACONCO 10 thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam chưa hoàn thành hồ sơ quyết toán khối lượng và hồ sơ hoàn công dù công trình đã nghiệm thu, bàn giao từ tháng 5-2014, với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng...
Khó xử lý
Theo Trưởng phòng Đầu tư-Sở Tài chính - Nguyễn Thái Hòa, người có thâm niên trong việc kiểm tra quyết toán dự án và đã từng tham gia nhiều lần các đoàn kiểm tra, thì cái khó nhất trong việc xử lý với các chủ đầu tư chậm quyết toán công trình, dự án vẫn là cơ chế, chính sách. Dù theo quy định, chỉ kiểm tra đối với các công trình, dự án đã nghiệm thu hoàn thành, bàn giao trên 24 tháng, song kiểm tra chỉ mang tính nhắc nhở, còn chế tài xử phạt hiện đang còn thiếu văn bản hướng dẫn nên chưa có cơ sở để xử lý các chủ đầu tư. Đó là chưa nói đến vấn đề khá nhạy cảm khác là nếu chủ đầu tư dự án, nhất là người đứng đầu chuyển công tác, nếu chưa quyết toán thì người kế nhiệm gặp khó khăn không ít trong việc này.
“Văn bản, chế tài chưa có đã đành, thử ví dụ, người đứng đầu cơ quan kia trước đây là chủ đầu tư dự án, khi chưa kịp hoàn thành hồ sơ quyết toán đã chuyển công tác, chưa nói đến vị trí cao hay thấp hơn hoặc về hưu, thì những người làm công tác kiểm tra cũng khó xử lý. Ngay như việc ký các hồ sơ để hoàn tất thủ tục quyết toán đối với những trường hợp này cũng không phải dễ”, ông Nguyễn Thái Hòa nói.
Vì lẽ đó, trong 122 dự án chưa hoàn tất hồ sơ quyết toán thì đơn vị có trách nhiệm liên quan là Sở Tài chính chỉ còn cách tiếp tục đôn đốc, tập hợp hồ sơ để báo cáo UBND tỉnh.
Giải pháp cứng rắn đã được đề cập là không cho những chủ đầu tư có dự án chậm hoàn thành quyết toán làm chủ đầu tư các dự án mới, song xem ra giải pháp này càng khó khả thi. “Nếu cơ quan A “xin” được dự án hoặc được phê duyệt dự án, chẳng hạn như đầu tư nâng cấp, sửa chữa trụ sở, mua sắm trang thiết bị... Nếu không cho cơ quan đó làm chủ đầu tư thì khi bàn giao, người đứng đầu không ký nhận, chỉ đơn giản là vì không đảm bảo công năng sử dụng, không phù hợp với chức năng chuyên môn..., thì lại càng lãng phí hơn. Do đó, để có giải pháp cho vấn đề này phải ở tầm vĩ mô khi các cơ quan liên quan của các Bộ, ngành Trung ương ban hành các văn bản hướng dẫn xử lý thì chúng tôi mới có cơ sở giải quyết dứt điểm việc này”, lãnh đạo Sở Tài chính giải thích.