|
Sản xuất dệt may tại Thừa Thiên Huế
|
Chủ động vượt rào
Là DN sản xuất hàng dệt may quy mô lớn với chuỗi các nhà máy có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, Công ty Scavi Huế đang có chiến lược riêng trước thềm hội nhập. Theo Giám đốc công ty - ông Trần Văn Mỹ, tham gia vào TPP là cơ hội lớn đối với ngành dệt may trong nước, đặc biệt là Thừa Thiên Huế khi cả tỉnh đang dốc sức xây dựng Huế trở thành trung tâm dệt may của khu vực và nguồn lao động ở đây khá dồi dào. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong sân chơi lớn này, trước mắt DN đang kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất hàng phụ trợ dệt may từ các tập đoàn lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Pháp, nhằm giảm cước phí vận chuyển và ổn định nguyên phụ liệu sản xuất”.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 30 DN hoạt động ở lĩnh vực dệt may, trong đó trên 60% chủ yếu là sản xuất dưới hình thức gia công, còn DN làm hàng FOB chỉ chiếm khoảng trên 30%. Như vậy, đối với DN sản xuất gia công có thể yên tâm khâu nguyên liệu, còn DN FOB phải thay đổi chiến lược sản xuất và chủ động hơn trong khâu sử dụng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu và các quy tắc chung. “Tham gia vào TPP là tín hiệu mừng đối với các DN nói chung, trong đó lĩnh vực dệt may được lợi nhiều nhất. Đối với dệt may Huế, tỷ lệ hàng xuất khẩu qua thị trường Mỹ lâu nay chiếm trên 80%, nên khi Việt Nam trở thành thành viên, thuế suất ở mức 0% là lợi thế lớn. Tuy nhiên, với yêu cầu xuất xứ phải là Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP, trong khi lâu nay cơ cấu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và nguyên phụ liệu trong nước chưa dồi dào đang là trở lực lớn”, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế - ông Nguyễn Bá Quang chia sẻ.
Theo TS Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược- chính sách, Bộ Công thương: “Để việc gia nhập TPP mang lại lợi ích cho DN dệt may trên địa bàn, Chính phủ cần có quy hoạch vùng nguyên liệu và kêu gọi đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Bởi, lâu nay các DN dệt may luôn thụ động trong khâu sản xuất bởi phải không chủ động được nguyên phụ liệu; đồng thời phải chấp nhận bù lỗ khi xăng dầu, điện tăng giá. Trong khi đó, hiện tại các khu công nghiệp lại e dè khi tiếp nhận các dự án đầu tư lĩnh vực dệt nhuộm vì lo ngại ô nhiễm môi trường.”
Còn nhiều thách thức
Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may đạt gần 400 triệu USD, chiếm khoảng 70% tổng KNXK của tỉnh. Trong khi đó, các DNDM lại bỏ ra 350 triệu USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Trong đàm phán TPP, các thành viên đưa ra quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Đó là tất cả các khâu từ sợi cho đến vải, cắt, may đều phải được thực hiện trong các nước TPP, khi đó sản phẩm dệt may mới hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Song, lâu nay tỷ lệ vải nhập khẩu dùng cho hàng may mặc xuất khẩu tương đối nhiều, hơn 70% từ Trung Quốc. Với quy tắc này, các DN dệt may gặp nhiều thuận lợi từ TPP, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu sản xuất đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thực trạng này không chỉ có ở các DNDM ở Thừa Thiên Huế.
TS Dương Đình Giám cho rằng: “Tham gia vào TPP, các DN dệt may chia làm hai xu hướng. Đối với DN sản xuất dưới hình thức gia công xuất khẩu thì đầu ra ổn định; riêng các DN làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) chú ý đến nguyên phụ liệu sản xuất. Bởi, các nguyên phụ liệu này sẽ cấu thành nên sản phẩm xuất khẩu và nếu chất lượng nguyên liệu không đảm bảo thì sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng và DN sẽ gặp khó trong khâu tiêu thụ. Mặt khác, theo quy tắc muốn hưởng thuế 0% khi xuất sang các nước TPP, thì mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm trong nước.” Do đó, hầu như chẳng có sản phẩm nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất sang Hoa Kỳ, bởi ngành dệt may trong nước chủ yếu làm gia công, vải nhập từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các phụ kiện chủ yếu từ một số nước Đông Nam Á...
Nói về kế hoạch hỗ trợ DN dệt may trước thềm hội nhập, Phó Giám đốc Sở Công thương- ông Nguyễn Duy Thành cho rằng: “Với mục tiêu giúp DN trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp cận thị trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thời gian tới, sở tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo về phổ biến các hiệp định, chính sách cũng như quy định của các nước nhập khẩu để DN nắm bắt và chủ động các điều kiện nhằm vượt rào cản. Mặt khác tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN xuất, nhập khẩu thông qua việc ủy quyền cho Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Bình Trị Thiên trong hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).