|
Máy điêu khắc trên gỗ 4 đầu do chương trình KC hỗ trợ một phần kinh phí đã đưa vào hoạt động
|
Ông Lê Tự Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Nguồn vốn KC không chỉ hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ, mà còn mở các khóa đào tạo nghề, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm mộc mỹ nghệ, hàng lưu niệm của các cơ sở đến với thị trường trong và ngoài tỉnh với mục tiêu giúp các DN, cơ sở và làng nghề mở rộng quy mô, góp phần khẳng định thương hiệu của nghề mộc và điêu khắc gỗ Huế.
|
Có mặt ở xã Phú Thượng (Phú Vang) từ năm 2000, Công ty TNHH Liên Thành chuyên sản xuất mộc mỹ nghệ nội ngoại thất, chạm khảm phục vụ thị trường các tỉnh và giải quyết việc làm cho 20 lao động.
Cuối năm 2014, sau khi xây dựng đề án xin hỗ trợ từ nguồn vốn KC và được Sở Công thương phê duyệt, doanh nghiệp đầu tư 231 triệu đồng trang bị máy điêu khắc trên gỗ 4 đầu, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 100 triệu đồng. Sau khi thiết kế trên máy vi tính, lập trình phần mềm và đưa một lúc 4 tấm gỗ vào khắc, máy sẽ tự động thực hiện thao tác khắc tốc độ nhanh và chính xác để cho ra những sản phẩm đẹp mắt, chuẩn xác.
Chị Phan Thị Nhịn, Giám đốc Công ty TNHH Liên Thành, vui vẻ: “Trước đây một thợ chỉ khắc 1 tấm và phải mất mấy giờ đồng hồ mới hoàn thành. Còn bây giờ sử dụng máy, năng suất cao hơn gấp 10 lần, trong khi đó độ chuẩn xác cao hơn và không bị lỗi trong khi khắc nên hiệu quả kinh tế rất lớn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho đối tác. Sau khi đưa máy vào hoạt động, DN mạnh dạn nhận thêm đơn hàng của các tỉnh như Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng và đang có kế hoạch xuất khẩu hàng lưu niệm sang các nước”.
Tại xã Vinh Hiền (Phú Lộc), đề án “Đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ và dân dụng” của Cơ sở Mộc mỹ nghệ Gia Bảo vừa được Trung tâm Khuyến công &Xúc tiến thương mại tỉnh nghiệm thu và đưa vào hoạt động. Thành lập từ năm 2009 với hoạt động sản xuất kinh doanh ngành nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng, song chủ yếu là làm thủ công nên quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ quanh quẩn trong làng. Với mục tiêu mở rộng quy mô, giải quyết việc làm cho người lao động, cơ sở đã lập đề án xin nguồn vốn KC đầu tư máy móc thiết bị sản xuất hàng lưu niệm mỹ nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất.
Anh Nguyễn Chính, chủ Cơ sở Mộc mỹ nghệ Gia Bảo cho biết: “Nhờ đề án KC hỗ trợ một phần kinh phí để trang bị máy cưa đứng và máy bào liên hợp nên cơ sở gặp nhiều thuận lợi trong sản xuất. Hiện, hai thiết bị này đã hoạt động ổn định, giúp cơ sở nâng cao năng suất gấp 5 lần, đồng thời mở rộng quy mô để tiếp nhận thêm nhiều lao động vào làm việc”.