Góc nhìn mới mẻ
Mặc dù chỉ với ở góc độ phác thảo, nhưng các đơn vị tư vấn Hàn Quốc đã thể hiện cách làm khá nghiêm túc, khi làm theo đúng các quy trình, thủ tục và đã định hình được bộ khung của dự án với đầy đủ các tiêu chí của quy hoạch; đưa ra được nhiều định hướng phát triển mới mẻ cho khu vực nghiên cứu ở hai bên bờ sông Hương. Ngoài kế thừa những giá trị cốt lõi của dòng sông thơ mộng, nơi có hệ sinh thái cảnh quan và quỹ kiến trúc đô thị đặc thù, những giá trị lịch sử - văn hóa riêng có... Quy hoạch còn hướng đến việc phát huy giá trị của sông Hương. Cụ thể, đưa ra các ý tưởng hình thành cấu trúc không gian xanh rộng lớn nối liền khu vực thượng lưu (lịch sử và sinh thái) – khu trung tâm (thương mại, dịch vụ, du lịch) – và vùng hạ lưu (truyền thống và cộng đồng) trên chiều dài 15 km từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, xây mới công viên, các thiết chế văn hóa, điểm nút dịch vụ du lịch với phạm vi mỗi bên 100 mét (tính từ bờ sông) để tạo nên những giá trị mới cho dòng sông, nâng cao khả năng phục vụ cho người dân đô thị, phát triển thương mại, du lịch. Xây dựng mạng lưới giao thông công cộng, giao thông xanh tiếp cận hai bên bờ sông, kết nối các khu vực xung quanh thành phố với trung tâm và các điểm di tích thông qua mạng lưới giao thông đường thủy.
|
Sông Hương - đoạn qua trung tâm thành phố Huế. Ảnh: HK
|
Để thiết lập Nhiệm vụ quy hoạch và phác thảo đồ án, đơn vị tư vấn đã thu thập ý kiến của 11 chuyên gia về lĩnh vực đô thị, kiến trúc, lịch sử và du lịch, môi trường, 15 cơ quan cấp tỉnh, 9 cơ quan cấp thành phố, 10 chính quyền cấp phường. Ngoài ra, còn lấy phiếu thu thập ý kiến của 469 người dân ở 17 phường trong phạm vi nghiên cứu của dự án ở thành phố Huế, huyện Phú Vang và TX Hương Trà. Kết quả, 95 – 99% đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch, mục tiêu và quan điểm lập quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch, định hướng quy hoạch.
|
Giáo sư Ohn Yeong Te, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Để có thể đưa ra được những phương án mang tính gợi mở cho dự án này, phía tư vấn với sự kết hợp giữa hai đơn vị có kinh nghiệm của Hàn Quốc là Viện nghiên cứu đô thị Han-A và Công ty kỹ thuật Dohwa đã phối hợp với Ban quản lý dự án làm việc nghiêm túc trên tinh thần cầu thị, thực hiện đầy đủ quy trình của một dự án quy hoạch với nhiều kỳ vọng đặc biệt. Trong đó, quan trọng nhất là lấy ý kiến góp ý các chuyên gia, các nhà khoa học trên tất cả lĩnh vực lịch sử - văn hóa Huế, kiến trúc đô thị, môi trường, cây xanh và cả tâm tư nguyện vọng của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã nghiên cứu để tìm ra những điểm chung từ Quy hoạch đô thị ở các quốc gia phát triển có sự tương đồng với Huế, với sông Hương, mạnh dạn gợi mở nhiều dự án ý tưởng mới mang dáng dấp hiện đại để triển khai thí điểm như đài ngắm cảnh, sân khấu ngoài trời... Quá trình thiết lập nhiệm vụ quy hoạch nghiêm túc nhằm đưa ra một định hướng xứng tầm (vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt). “Chúng tôi xem đây là bước quan trọng cho thành công của dự án, đó là nền tảng để trong quá trình nghiên cứu chúng tôi có cơ sở bám sát và thực hiện theo nội dung quy hoạch được phê duyệt” – giáo sư Ohn Yeong Te cho hay.
Những lo lắng
Sông Hương rất “nhạy cảm”, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhìn nhận như thế khi góp ý về quy hoạch con sông này. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chúng ta không thể “đụng chạm”, bởi sông Hương không phải chỉ có quá khứ, hiện tại mà cần có cả tương lai. Nó phải được vận động theo dòng chảy của sự phát triển, phát huy giá trị để trở thành linh hồn của Huế hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố, Phó ban chỉ đạo Dự án cho biết, với mong muốn đưa sông Hương thực sự trở thành một chủ thể quan trọng, sinh động là động lực để phát triển văn hóa, kinh tế xã hội của TP Huế và của cả tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở những góp ý đầy trí tuệ của các chuyên gia, cơ quan quản lý, chúng tôi mong đơn vị tư vấn có sự tổng hợp, tiếp thu, cân nhắc để đưa ra những định hướng quy hoạch phù hợp, có tính khả thi cao hơn trong quá trình hoàn thiện quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm.
|
Với những nội dung đã trình bày trong báo cáo dự thảo các ý tưởng do đơn vị tư vấn trình bày, ông Nguyễn Việt Tiến, Chủ tịch Hội quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, quan trọng nhất của công tác quy hoạch đối với sông Hương là phải bám sát vào nhiệm vụ thiết kế, nên ưu tiên đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện hiện trạng của sông Hương. Trên cơ sở những cái đang có, cái còn thiếu mới có thể đưa ra được những đề xuất sát đúng với thực tế. Ví như, hai bên bờ sông hiện còn thiếu các công trình vệ sinh công cộng, tượng đài, đài phun nước, đường đi dạo..., các loại hình dịch vụ du lịch, cách khai thác yếu tố mặt nước, kiến trúc cầu qua sông cũng là vấn đề cần quan tâm gợi mở.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An cho rằng, sông Hương vốn dĩ đã được quy hoạch từ thời nhà nước phong kiến với việc xem nó như là nhân tố chủ đạo cho quy hoạch Kinh thành Huế. Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp cũng đã có quy hoạch hai bên bờ sông Hương. Họ nhận ra được giá trị của con sông và tôn trọng nghiêm ngặt việc bảo vệ cảnh quan qua việc hạn chế xây dựng các công trình kiến trúc hai bên sông, dùng cây xanh để che chắn công trình. Vậy nên, việc nghiên cứu các quy hoạch sông Hương là yêu cầu tiên quyết để bảo đảm tính kế thừa những triết lý quy hoạch do thế hệ đi trước để lại.
Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng cho rằng:, trong quy hoạch sông Hương ngoài việc đưa ra những cái mới, đơn vị quy hoạch cần phải quan tâm đến việc cải tạo những công trình cũ có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa lịch sử. Đơn cử chợ Đông Ba, một “nhân chứng” lịch sử, với chức năng văn hóa - thương mại của Cố đô Huế đã đồng hành cùng lịch sử phát triển đô thị Huế và sông Hương hơn 100 năm qua. Chợ Đông Ba cần thiết phải được ưu tiên quy hoạch lại để tương xứng với giá trị vốn có.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý di sản, KTS Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố Đô Huế cho biết: “UNESCO luôn đánh giá cao vai trò của sông Hương đối với lịch sử hình thành đô thị Huế cũng như quần thể di sản Huế. Và trên thực tế, sông Hương đã nhiều lần được tổ chức này kiến nghị đưa vào hồ sơ để được công nhận như một bộ phận của di sản thế giới hỗn hợp trong lần tái đề cử lần sau. Vậy nên, trong quy hoạch yếu tố hài hòa là rất quan trọng, sông Hương sẽ luôn chối bỏ sự can thiệp thô kệch ở bất cứ hình thức nào...”
Theo BaoThuaThienHue - TG. Quang Phong