Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Phát huy truyền thống 70 năm - Thanh tra ngành Tài chính Quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao
Ngày cập nhật 18/11/2015

Hòa trong không khí hào hùng của những ngày Thu lịch sử, các ngành, lĩnh vực, cả nước phấn khởi, tự hào kỷ niệm 70 năm thành lập nước và các ngày lễ lớn của đất nước. Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, có nhiều đóng góp và những dấu ấn quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính với nhiều mốc son, được các thế hệ cán bộ, lãnh đạo và đội ngũ những người làm công tác thanh tra tài chính vun đắp và xây dựng trong suốt chặng đường đã qua.

Những mốc son lịch sử

Cách đây tròn 70 năm - ngày 20/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 56/TC cử ông Lê Trần Đức làm Tổng Thanh tra Tài chính và ngày này hàng năm được tập thể cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Tài chính lựa chọn làm ngày truyền thống. Trong suốt quá trình lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra ngành Tài chính luôn tự hào được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt, sâu sắc của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã trực tiếp chỉ đạo việc thành lập tổ chức Thanh tra Tài chính; ký các Sắc lệnh ấn định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động và lựa chọn, bổ nhiệm người đứng đầu tổ chức Thanh tra Tài chính, như: Sắc lệnh số 159/SL ngày 14/4/1948, ấn định nhiệm vụ của Nha Tổng Thanh tra Tài chính; Sắc lệnh số 99/SL ngày 07/6/1946, cử bác sĩ Nguyễn Văn Luyện làm Tổng Thanh tra Tài chính thay đồng chí Lê Trần Đức và Sắc lệnh số 158/SL ngày 14/4/1948, cử ông Nguyễn Ngọc Khuê, Tổng giám đốc Nha Thuế trực thu, kiêm Quyền Tổng Thanh tra Tài chính thay liệt sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Thấm nhuần lời Huấn thị của Bác Hồ kính yêu: “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới. Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ là không soi được”, trong suốt 70 năm qua, lớp lớp các thế hệ cán bộ làm công tác thanh tra tài chính luôn ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức và bản lĩnh chính trị; thực hiện cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư; chủ động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đã có những đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ và sự phát triển lớn mạnh của ngành Tài cũng như sự thành công trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước.

Giai đoạn từ 1945 đến 1954, Tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế, ngân sách quốc gia được gây dựng từ sự chắt chiu của toàn dân nên hết sức quý báu và càng cần được quản lý chặt chẽ để không bị thất thoát, lãng phí. Thanh tra Tài chính tuy mới được hình thành, còn non trẻ, nhưng đã tổ chức triển khai thực hiện ngay những nhiệm vụ cấp thiết liên quan đến công tác quản lý tiền, hiện vật; tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất, giải quyết tại chỗ; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước như thanh tra kỹ các kho thóc, kho lương thực, kiểm tra giám sát tài sản ngân khố, giám sát việc quản lý, kiểm kê vàng, bạc, tài sản của tư bản tư doanh… đảm bảo an toàn, tránh thất thoát và bảo toàn ngân sách quốc gia; góp phần tích cực trong việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, chống đế quốc, trấn áp bọn phản cách mạng, khôi phục và ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau nạn đói, nạn lụt;

Giai đoạn từ 1955 đến 1975, Cách mạng nước nhà bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Tài chính được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực quản lý về tài chính-ngân sách,  từ công tác tài chính, kế toán, hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh và thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp quốc doanh; quản lý, thu Thuế nông nghiệp, công thương nghiệp; đến thanh tra các chi tiêu lĩnh vực hành chính, sự nghiệp; quản lý, phân phối, sử dụng các loại vật tư, thiết bị, hàng viện trợ, hàng hóa dự trữ, các nguồn huy động, đóng góp khác; việc chấp hành kỷ luật giá; xét và giải quyết đơn khiếu tố về tài chính. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt, giao thông đi lại khó khăn; các điều kiện vật chất bảo đảm phục vụ công tác thanh tra rất hạn chế…, các thế hệ cán bộ làm công tác thanh tra tài chính luôn phát huy tinh thần, bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tài chính, chủ động, vượt mọi khó khăn, bám sát cơ sở; phối hợp cùng với toàn ngành Tài chính thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, động viên được cao nhất các nguồn lực tài chính đồng thời giám sát chặt chẽ việc quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính cho sản xuất, chiến đấu và chi viện cho miền Nam chiến thắng.

Từ sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, ngành Tài chính từng bước tiến hành chế độ quản lý tài chính thống nhất trong cả nước; vừa phải từng bước khắc phục những hậu quả nặng nề sau chiến tranh, vừa tiến hành công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế. Thanh tra Tài chính được lãnh đạo Bộ tin tưởng giao nhiệm vụ giám sát việc kiểm kê các loại tài sản, tiền bạc, kim khí quý, đá quý…, tiếp quản từ chế độ cũ cũng như trong cải tạo công thương nghiệp, để đưa vào ngân khố quốc gia quản lý, phục vụ cho phát triển đất nước; Thanh tra công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, phân phối và sử dụng các loại vật tư, tài sản, tiền vốn của nhà nước; việc chấp hành chế độ, luật lệ tài chính, kế toán…. Với niềm tự hào mãnh liệt về chiến thắng vinh quang và được sống trên một đất nước hòa bình, thống nhất, Thanh tra ngành tài chính đã luôn nỗ lực, đoàn kết, chủ động với tinh thần và trách nhiệm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụđược giao, đảm bảo việc phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính đúng mục đích, không để xẩy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, chiếm đoạt; đồng thời tích cực khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, mở ra bước ngoặt cho thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước; nền kinh tế có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và xu thế hội nhập quốc tế được rộng mở, nhưng trong những giai đoạn đầu, khi đất nước vừa thoát ra khỏi cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; tiềm lực kinh tế cũng như năng lực, trình độ và kinh nghiệm về quản lý kinh tế, tài chính còn rất hạn chế, vừa yếu, vừa thiếu không theo kịp với sự đòi hỏi và yêu cầu của sự phát triển. Thanh tra Tài chính đã mạnh dạn, chủ động chuyển trọng tâm của hoạt động thanh tra từ việc thanh tra tuân thủ pháp luật là chủ yếu sang thanh tra phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách đang làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế; Chủ trì, phối hợp các Cục, Vụ tài chính chuyên ngành thuộc Bộ, tiến hành nhiều cuộc thanh tra lớn tập trung vào những lĩnh vực nóng bỏng, bức xúc trong quản lý kinh tế, tài chính; từ đó có rất nhiều kiến nghị, đề xuất với Bộ, Chính phủ về đổi mới cơ chế trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong quản lý về tài chính ngân sách, để lại những dấu ấn rất đáng tự hào, như: những kiến nghị, đề xuất vào việc đổi mới cơ chế kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh, trao quyền tự chủ cho xí nghiệp quốc doanh; xóa bỏ hàng rào thuế quan, tự do lưu thông hàng hóa trong cả nước; xóa bỏ cơ chế nhiều giá trong kinh doanh vật tư, lương thực và chế độ tem, phiếu vào những năm cuối của thập niên 80; việc thanh tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp mang vốn liếng, tài sản đi liên doanh, liên kết, nhưng quản lý yếu kém dẫn đến mất vốn; doanh nghiệp được ưu đãi vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng nhập khẩu phải những máy móc thiết bị cũ hoặc lạc hậu về công nghệ, thiếu đồng bộ, không phát huy được hiệu quả; hiện tượng gửi giá, ép giá, kinh doanh lòng vòng để thu lợi bất chính; qua đó đã phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng để có những kiến nghị xử lý nghiêm minh, như: các vụ Công ty Dệt Nam Định, Tamexco, PMU18, Vinasine…, từ đó có nhiều ý kiến đóng góp tích cực vào đổi mới cơ chế quản lý sản xuất kinh doanh và chính sách thu hút đầu tư trong những năm của thập niên 90 và đầu những năm 2000.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (đặc biệt là từ sau khi Luật có Thanh tra 2010 cho đến nay). Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tài chính đã có những đổi mới sâu sắc và phát triển phù hợp với sự phát triển nền kinh tế, xã hội và quá trình cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu của công tác quản lý tài chính, ngân sách trong tình hình mới. Trong đó,Thanh tra Bộ Tài chính với chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thường trực, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Thanh tra Bộ Tài chính đã làm tốt công tác tham mưu giúp Bộ hoàn thiện về thể chế và tổ chức bộ máy, quy định chức năng nhiệm vụ và phương thức hoạt hoạt động của Thanh tra Bộ cũng như của các tổ chức thanh tra trong ngành Tài chính; tham mưu về định hướng kế hoạch, thẩm định kế hoạch và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong hệ thống để thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Xây dựng và ban hành hàng loạt các quy trình nghiệp vụ thanh tra các lĩnh vực; tổ chức đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho hàng ngàn lượt cán bộ thanh tra trong toàn hệ thống, nhằm chuẩn hóa và nâng cao năng lực thanh tra tài chính trong toàn ngành, nhất là đối với thanh tra các Sở Tài chính địa phương.

Hoạt động của Thanh tra ngành Tài chính, đã luôn bám sát yêu cầu cầu, nhiệm vụ quản lý tài chính ngân sách của đất nước và sự chỉ đạo của Bộ, của ngành. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được điều chỉnh linh hoạt và tăng cường hơn các cuộc thanh tra đột xuất, tập trung vào kiểm tra những lĩnh vực nóng, có tính thời sự, và dư luận xã hội quan tâm; đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, góp phần quan trọng trong việc tăng thu, tiết kiệm chi, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; chấp hành chính sách giá cả; quản lý và sử dụng nợ công..., phát hiện, đề xuất hoàn thiện, bổ sung kịp thời nhiều cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế tài chính và có những đóng góp đáng kể về ổn định kinh tế vĩ mô cũng như công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong ngành Tài chính.

Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây (từ 2010 - 2014 và 9 tháng đầu năm 2015), các đơn vị thanh tra trong ngành Tài chính đã triển khai 310.778 cuộc thanh tra; kiến nghị thu hồi nộp vào NSNN số tiền 73.048.341 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 7.527.032 triệu đồng; đã chuyển cơ quan điều tra 852 vụ việc. Qua công tác thanh tra, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.365 người; kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra tài chính. Các kết luận, kiến nghị thanh tra đượctheo dõi, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để xử lý dứt điểm. Tỷ lệ thực hiện các kiến nghị của thanh tra tài chính trong 5 năm trở lại đây, tính đến hết tháng 9/2015 đạt trên 85%...

Cùng với đó, Thanh tra ngành Tài chính cũng đã luôn tập trung, cố gắng , bám sát thực tiễn cũng như các yêu cầu nhiệm vụ được giao để hoàn thành xuất sắc công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các cơ quan trực thuộc thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng, ban hành các quy trình, quy chế và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra tài chính…

Ghi nhận những thành tích nổi bật của Thanh tra ngành Tài chính trong gần 70 năm qua. Rất rất nhiều tập thể, cá nhân làm công tác thanh tra tài chính đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính tặng thưởng nhiềuphần thưởng và danh hiệu cao quý. Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị đầu lá cờ đầu của thanh tra ngành tài chính đã vinh dự được Chủ tịc nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất năm 2005, Huân chương độc lập hạng nhì năm 2010 và Năm 2014 tiếp tục được nhận cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

Năm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Tiếp nối truyền thống vẻ vang trong suốt 70 qua; Đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ về quản lý tài chính, ngân sách của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, ngày càng nặng nề, Thanh tra Tài chính hiện nay đã luôn xác định rõ vị trí vai trò, trách nhiệm của mình; nỗ lực, quyết tâm phấn đấu để xây dựng hệ thống thanh tra ngành Tài chính ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt; sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước, của Bộ, ngành giao phó. Trước mắt phải quyết tâm thực hiện cho được một số những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã đặt ra trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện về thể chế cũng như bộ máy tổ chức của hệ thống thanh tra ngành tài chính, đảm bảo sự tinh, gọn, thống nhất, năng động và hiệu quả;

Thứ hai, Xây dựng cho được một đội ngũ thanh tra tài chính thật sự trong sạch, vững mạnh, vừa hồng, vừa chuyên; mỗi cán bộ Thanh tra Tài chính phải thực sự là những người có năng lực, có đạo đức trong sáng, có kỹ năng nghiệp vụ giỏi và có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, Thường xuyên có sự đổi mới về nội dung cũng như phương thức hoạt động; phân tích, nắm bắt kịp thời những diễn biến của tình hình kinh tế xã hội; bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ về quản lý tài chính - ngân sách của đất nước, của Bộ, của ngành, để tổ chức triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, Từng bước hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; ứng dụng các kỹ năng, phương pháp tiên tiến về đánh giá, phân tích rủi ro trong quản lý; chuẩn hóa các quy trình, quy chế, các kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra và tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra; thực hiện ngày càng tốt hơn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Năm là, Thiết lập mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các tổ chức trong hệ thống thanh tra ngành tài chính; giữa thanh tra ngành tài chính với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khác ở trung ương, địa phương cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, và đặc biệt là trong việc xử lý sau thanh tra, xử lý những vi phạm pháp luật cũng như những bất cập trong cơ chế chính sách phat hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.

Tự hào với truyền thống của Thanh tra Tài chính trong 70 năm qua, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức và thanh tra viên Thanh tra ngành Tài chính nguyện quyết tâm xây dựng khối đoàn kết, nhất trí, trên dưới một lòng; không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo trong mọi mặt hoạt đông; phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, để có những đóng góp tích cực, hiệu quả và đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài chính - ngân sách của đất nước và của ngành Tài chính./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 30
Chung nhan Tin Nhiem Mang