Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tiếp sức cho các làng nghề - Bài 1: Thực trạng
Ngày cập nhật 19/10/2012
Làng nghề nón lá Mỹ Lam đang được tiếp sức để khôi phục và phát triển nghề

(TTH) - Thừa Thiên Huế là cái nôi của hàng trăm làng nghề và nghề truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đến nay nhiều nghề, làng nghề đang dần mai một và biến mất. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch 50 và 51 nhằm khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu.

 

Do chưa có chính sách đầu tư và hỗ trợ cho các làng nghề nên lâu nay, nhiều làng nghề và nghề truyền thống tự “bơi” trong cơ chế thị trường và cứ thế rơi rụng theo thời gian.

 

 

Cái nôi của những làng nghề
 
 

 

Qua khảo sát của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có khoảng 20 làng nghề truyền thống, trong đó huyện Quảng Điền có 3 làng nghề là mây tre đan Bao La, mây tre đan Thủy Lập và bún Ô Sa. Huyện Phong Điền có 3 làng nghề mộc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích và đệm bàng Phò Trạch. Huyện Hương Trà có 2 làng nghề là mộc Hương Hồ và bún Vân Cù; huyện Phú Vang có 6 làng nghề, trong đó có 3 làng nghề nón lá Mỹ Lam, An Lưu, Truyền Nam và chế biến thủy hải sản Phú Thuận, hoa giấy Thanh Tiên, tranh giấy làng Sình. Địa bàn Phú Lộc có 1 làng nghề là dầu tràm Lộc Thủy. Huyện A lưới có 2 làng nghề là dệt dèng A Đớt và dệt dèng xã Nhâm. Thị xã Hương Thủy có 2 làng nghề, đó là chổi đót Thủy Phương, nón lá Thủy Thanh. Thành phố Huế có 1 làng nghề là đúc đồng Phường Đúc.

 

 

 
 

 

Nhìn chung, đa số các cơ sở tại 20 làng nghề tồn tại chủ yếu dưới hình thức hộ cá thể, mỗi làng nghề có bình quân từ 2 -3 công ty/hợp tác xã.

 

 

 
 

 

Ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm HTX Mây tre đan Bao La cho biết: “Làng nghề Bao La hình thành hàng trăm năm nay, sản phẩm đan lát nơi đây được nhiều người biết đến bởi sự thanh tao và độ bền của nó. Vì vậy, để các sản phẩm đan lát Bao La cũng như làng nghề truyền thống ngày càng phát triển, người dân làng nghề rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các ban ngành chức năng với mong muốn đưa làng nghề Bao La trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu tham quan mua sắm của người dân Huế và khách du lịch.”

 

 

 
 

 

Nhìn chung 20 làng nghề trên địa bàn tỉnh có vốn đầu tư nhỏ, phần lớn các hộ sử dụng một phần nhà ở để làm nơi sản xuất, vốn đầu tư trang thiết bị còn hạn chế, chủ yếu sản xuất thủ công, chỉ có một số làng nghề như sản xuất mộc mỹ nghệ và mộc dân dụng, đúc đồng là có đầu tư thiết bị cơ khí còn lại các ngành nghề khác đều làm thủ công; vốn lưu động lại quá thiếu, người dân không có khả năng vay vốn, vì vậy chỉ sản xuất cầm chừng và mang tính tự sản tự tiêu. Vốn đầu tư trong các làng nghề chủ yếu là tự có của doanh nghiệp và hộ gia đình. Sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và nguồn vốn vay ưu đãi chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất của làng nghề nên nhiều làng nghề cứ thế mai một, phai mờ trong ký ức của người dân.

 

 

 
 

 

Bế tắc
 
 

 

Làng nghề nón lá Mỹ Lam, xã Phú Mỹ (Phú Vang) có mặt hàng trăm năm nay và góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho hàng ngàn hộ dân nơi đây. Thế nhưng, chừng 10 năm trở lại đây, làng nghề này trở nên buồn tẻ bởi đầu ra cho nón lá gặp khó, cộng với nhiều hộ dân tự chuyển sang các nghề khác để tăng thu nhập nên cái tên nón lá Mỹ Lam lừng danh một thời giờ như cảnh chợ chiều. Một số làng nghề vốn hình thành hàng trăm năm và đã từng trải qua thời “vàng son”, như đan lát Bao La, Thủy Lập (Quảng Điền); gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch (Phong Điền)… giờ cũng đành phó thác cho trời đất, người dân phải tự đi tìm nghề mới để mưu sinh. “Trong cơ chế thị trường, lớp trẻ giờ đây không còn mặn mà theo đuổi nghề truyền thống, chỉ còn những người đứng tuổi còn tâm huyết và khát khao khôi phục nghề cha ông để lại. Vậy nên, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song hàng trăm hộ dân làng nghề Mỹ Lam vẫn bám lấy nghề, vẫn ngày đêm sáng tạo ra các mẫu mã mới để thu hút khách”, bác Nguyễn Viễn, Chủ nhiệm HTX Phú Mỹ II cho biết.

 

 

 
 

 

Nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc của các làng nghề một phần là do trong quá trình phát triển, các làng nghề chủ yếu đi từ thô sơ, giản đơn sử dụng kỹ năng của đôi bàn tay là chính. Máy móc thiết bị hầu hết là thô sơ, tự tạo hoặc do các cơ sở gia công trong nước lắp ráp, chuyển nhượng nên năng suất, chất lượng không cao. Một số nghề, làng nghề có sử dụng máy móc cơ khí như nghề mộc mỹ nghệ và mộc dân dụng, đúc đồng, sản xuất búnVân Cù, mộc Hương Hồ... Trong đó, một số nghề dựa hoàn toàn vào kỹ năng của đôi bàn tay như nghề thêu tranh nghệ thuật, may, nón lá, chế biến nước mắm... nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

 

 

 
 

 

Đúng vào thời điểm các làng nghề đang gặp khó và rơi rụng dần, UBND tỉnh ban hành đề án khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống và phát triển các sản phẩm xuất khẩu thông qua Kế hoạch 50 và 51, giai đoạn 2009-2012. Đề án này như một luồng sinh khí mới, tiếp thêm sức mạnh cho các làng nghề khôi phục và phát triển.  

 

 

 
Bài, ảnh: Thanh Hương - baothuathienhue.vn


Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 476
Chung nhan Tin Nhiem Mang