Đặc biệt là từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, những nước này đã coi việc phát triển các nguồn năng lượng mới và xây dựng một ngành công nghiệp “Carbon thấp” là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo thời gian, ý tưởng về nền kinh tế carbon thấp đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, việc chuyển sang một nền kinh tế thân thiện với môi trường không chỉ là câu chuyện về “đạo đức, lương tâm hay ý thức”, mà trên thực tế, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái sinh chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững, ổn định cho các quốc gia.
Chính vì thế, việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế xanh không còn là câu chuyện riêng lẻ của một cơ quan, một tổ chức hay một doanh nghiệp. Trái lại, nó đã trở thành bài toán của cả một chính phủ, thể hiện ở quyết tâm chính chị, cơ cấu chính sách và hành lang pháp lý để hiện thực hóa chủ trương đó.
Thuyết trình tại Hội thảo cầu truyền hình về “Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế xanh – tiết kiệm năng lượng” diễn ra sáng nay tại Hà Nội, Tiến sĩ Ede Ijjasz, Giám đốc Ban Phát triển bền vững Trung Quốc và Mông cổ, Ngân hàng thế giới cho biết hiện tại, chính sách vẫn là rào cản lớn nhất để các quốc gia đang phát triển chuyển hướng nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể xây dựng thành một một nền kinh tế “carbon thấp”, ông Ede Ijjzasz khẳng định phải có sự cải cách đồng bộ cả về cơ cấu lẫn thị trường của ngành năng lượng.
Để quản trị nền kinh tế xanh thì các công cụ quản lý hành chính có vai trò rất quan trọng, ông cho biết. Mặc dù vậy, các chính phủ cũng cần ý thức sâu sắc rằng ngành năng lượng cũng là một ngành kinh tế, vì thế, nó phải vận động theo cơ chế của thị trường thì mới có thể đi vào thực tế đúng cách. Muốn vậy, các quốc gia cần làm được 2 việc: đó là tạo cầu phù hợp để sử dụng năng lượng sạch, hiệu quả và xây dựng được một đơn giá phù hợp, có xem xét các yếu tố ngoại biên như đánh thuế xăng dầu. Cũng theo cảnh báo của Tiến sĩ Ijjasz, việc quá lệ thuộc vào các biện pháp hành chính mà phớt lờ yếu tố thị trường có thể dẫn tới nguy cơ làm méo mó, lệch lạc thị trường năng lượng sạch.
Bên cạnh những thách thức tất yếu, Giáo sư Federico M. Macaranas của Viện Quản lý châu Á khẳng định châu Á, nhất là các nền kinh tế mới nổi vẫn có cơ hội lớn để phát triển nền kinh tế carbon – thấp. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra được những biện pháp phù hợp trong thời gian sớm nhất. Mỗi nền kinh tế có những điều kiện thực tế riêng, tuy nhiên, ông Macaranas cho rằng sự khác biệt là không quá lớn và các nước vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ chung, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đơn cử như tại Phillippines. Chính phủ nước này đã có sự cam kết mạnh mẽ về sử dụng năng lượng tái sinh để giảm bớt sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các thành phố carbon thấp với thiết kế đô thị tối ưu, đẩy mạnh giao thông công cộng và áp dụng quy chuẩn tòa nhà xanh cho mọi công trình lớn trên địa bàn.
Nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính (Bộ Tài chính) và Trung tâm Tài chính & Phát triển châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Tài chính Trung Quốc) cùng Ngân hàng thế giới, Hội thảo sáng nay đã diễn ra với sự tham gia của nhiều điểm cầu như Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải), Mông Cổ, Malaysia, Nhật Bản và Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).
Tựu chung, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới đều khẳng định: Phát triển kinh tế là thực sự cần thiết, song cần phải có những bước đi hợp lý, hiệu quả theo xu hướng xanh hóa nền kinh tế để vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa không làm ảnh hưởng đến chính con người và môi trường thiên nhiên.
Hội thảo là cơ hội để các cán bộ làm hoạch định chính sách, các chuyên gia, học giả gặp gỡ, trao đổi những vấn đề mang tính thực tiễn cao, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cũng như đưa ra những giải pháp về chính sách tổng thể, quy trình thực hiện, lộ trình cải cách hướng tới nền kinh tế xanh, tiết kiệm năng lượng.
(Theo taichinhdientu.vn)