|
|
Liên kết website
Chính phủ Bộ, cơ quan ngang bộ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, Ban, Ngành tỉnh TT Huế
|
Giấc mơ đã thành Ngày cập nhật 17/10/2012 (TTH) - Hơn 2,2 tỷ đồng là khoản kinh phí mà Viện nghiên cứu di sản UNESCO - Đại học Waseda (Nhật Bản) đồng ý tài trợ không hoàn lại để hỗ trợ Thừa Thiên Huế trùng tu, phục hồi nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa. Dự án thành công, niềm tự hào của gia đình hòa trong niềm vui của cả cộng đồng và Huế lại có thêm địa chỉ du lịch độc đáo về một kiến trúc nhà rường tiêu biểu.
Níu giữ một di tích lịch sử
Từ những năm 1990, giáo sư Nakagawa Takeshi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Di sản thế giới của UNESCO - Đại học Waseda, đến Huế với tư cách là giám sát kỹ thuật của UNESCO cho dự án trùng tu di tích Ngọ Môn, giáo sư đồng thời cũng đã rất quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn nhà rường Huế. Hiện nay, tuy không còn nhiều nhưng phủ đệ vẫn được xem là mảng kiến trúc quan trọng trong quần thể di tích cố đô nói chung và nhà vườn Huế nói riêng. Nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa là một trong những công trình di tích kiến trúc quan trọng đó, đang bị hư hại nghiêm trọng và đã được Nhật Bản chọn lựa để khảo sát nghiên cứu và lập dự án trùng tu bảo tồn. Khoản tài trợ hơn 2 tỷ đồng đã được Viện Di sản Waseda quyết định tài trợ được trích từ nguồn kinh phí nghiên cứu bảo tồn di sản thường niên.
|
Hiện trạng nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa
|
Nhà thờ Diên Phước Trưởng Công Chúa tọa lạc ở số 24 Kim Long. Dấu vết thời gian và sự đổ nát hiện rõ ngay công trình cổng tam quan đứng lẻ loi, cũ kỹ ngay bên đường, lặng lẽ bên dòng Hương thơ mộng. Ngôi nhà được xây dựng cách đây 158 năm, năm Tự Đức thứ 7, 1854.
Khu đất rộng trên 2ha xưa cũ nay cũng đã san sát nhà ở. Lối vào phủ cũng đã hun hút. Ngôi nhà là thể loại nhà rường 1 gian 2 chái tam, có quy mô lớn với diện tích nền 260m2. Mái lợp ngói liệt, hệ bao che bằng tường xây gạch. Hệ khung gỗ được cấu trúc từ 4 cấu kiện nguyên lý là cột – kèo – xuyên – trến rất đặc trưng của kiến trúc 4 mái tiêu chuẩn của nhà rường truyền thống Huế. Hiện nay, hệ khung gỗ đã rệu rã, mái ngói thấm dột toàn diện, nấm mối xâm thực, bề mặt công trình bị phong hóa.
|
Dấu vết thời gian và sự đổ nát
|
Từ các cứ liệu lịch sử và kết quả khảo sát ngôi nhà, Viện Di sản Waseda đã nhận định đây là một công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa và khoa học công nghệ, là cầu nối giữa dòng kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian ở Huế, rất có giá trị trong dòng chảy của lịch sử kiến trúc Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Vì vậy, viện đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh cho phép nghiên cứu lập dự án trùng tu công trình này. TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhấn mạnh thêm: Nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa là một phủ đệ có mối liên kết chặt chẽ với quần thể di tích Huế và có giá trị kiến trúc, nghệ thuật đáng trân trọng nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng nên việc tu bổ phục hồi là rất cần thiết và cấp bách. Thông qua dự án này, các chuyên gia của hai nước sẽ có thêm cơ hội để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về bảo tồn kiến trúc truyền thống góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng để thực hiện việc trùng tu và phát huy giá trị di sản Huế ngày càng hiệu quả hơn.
|
Nội thất
|
Giấc mơ lớn đã thành
Diên Phước Trưởng Công chúa tên húy là Nguyễn Phúc Tịnh Hảo, con gái trưởng của vua Thiệu Trị, là chị ruột của vua Tự Đức. Công chúa sinh năm 1824. Năm 1846, bà lập gia đình với Phò mã Nguyễn Văn Ninh và được vua cha làm nhà cho ở riêng. Năm 1848, bà mất lúc vừa tròn 24 tuổi. Năm 1854, vua Tự Đức đã cho xây dựng lại ngôi nhà với tên gọi “Diên Phước Trưởng Công chúa từ” để làm nơi thờ tự chị gái mình. Thế hệ thừa kế đầu tiên sau Công chúa và Phò mã là ông Nguyễn Ba. Hiện, chủ sở hữu ngôi nhà là bà Phạm Thị Tuyết Mai và con trai là ông Nguyễn Tài, thế hệ thứ 5. Kể từ thời điểm xây dựng cho đến nay, công trình này đã tồn tại 158 năm và đã trải qua một vài sửa chữa cải tạo nhỏ. Gia chủ còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hệ thống nội thất phong phú và có giá trị như: hoành phi, liễn đối, tranh gương, sập gụ, tủ và án thờ… Đặc biệt là cuốn sách đồng do vua Thiệu Trị ban, nói về đức hạnh và công lao của Diên Phước Trưởng Công chúa đối với vua cha và dòng tộc. Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - đơn vị phối hợp thực hiện dự án, công trình sẽ được trùng tu theo hình thức kiến trúc và kết cấu trước lúc hạ giải nhằm trả lại giá trị lịch sử, sự thích ứng về công năng và thẩm mỹ cao nhất. Nhưng không làm biến dạng di tích, gìn giữ tối đa các cấu kiện và vật liệu nguyên gốc, đảm bảo tính chân xác và khoa học trong công tác trùng tu bảo tồn di tích. Sau khi tu bổ xong, gia đình tiếp tục gìn giữ, sử dụng ngôi nhà là nơi thờ Diên Phước Trưởng Công chúa và bảo vệ công trình như là một di tích kiến trúc nghệ thuật nhà rường Huế cho con cháu đời sau.
Bà Phạm Thị Tuyết Mai không chút ngần ngại khi tôi ngỏ ý được thăm công trình nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa, hiện đã được các đơn vị liên quan chuẩn bị công trường để khởi công vào cuối tháng 10. Bà bảo, trước đây, hôm nay và cả mai này nữa, gia đình không hẹp hòi chi trong việc mở cửa đón khách tham quan. Rồi bà vui vẻ kể câu chuyện liên quan đến những chuyên gia Nhật Bản – những người nay mai sẽ trực tiếp thực hiện dự án trùng tu nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa. “Cứ như cái duyên mà gặp vậy. Tui thì không nhớ, nhưng mấy chuyên gia đó thì lại nhớ và nhắc lại. Họ bảo, trong số rất nhiều ngôi nhà cổ ở Huế mà họ đến, tui là một trong những chủ nhà đã đón họ một cách vui vẻ, tự nhiên và gần gũi. Chính điều này đã thôi thúc họ góp sức để sửa chữa, giữ lại ngôi nhà trước sự hủy hoại của thời gian và thời tiết”, bà Tuyết Mai vui vẻ. Bà chia sẻ thêm, công trình được Nhà nước tạo điều kiện để các chuyên gia Nhật Bản trùng tu, bảo tồn nhà thờ Diên Phước Trưởng Công chúa là như đã giúp dòng họ và gia đình bà thực hiện được ước mơ lớn của cuộc đời. Trước đây, con cháu cũng đã đóng góp để sửa chữa ít nhiều, nhưng kinh phí cần đến tiền tỉ thì con cháu không đủ sức. Tổ tiên đã chỉ người để đến giúp, gia đình toại nguyện rồi. Chỉ mong mưa thuận gió êm để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình của các đơn vị thôi.
Ðồng Văn
Các tin khác
|
Thống kê truy cập Truy câp tổng 3.348.777 Truy câp hiện tại 474
|
|