Thu NSNN vượt dự toán
Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, lạm phát cao, Bộ Tài chính đã có các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho một bộ phận doanh nghiệp và cá nhân. Ước tính có khoảng 303,2 nghìn doanh nghiệp nằm trong diện được gia hạn nộp thuế, với tổng số thuế được gia hạn năm 2011 chuyển sang năm 2012 khoảng 6.900 tỷ đồng và tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2011 khoảng 4.200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Công Nghiệp, trong quản lý thu, ngành Tài chính đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế, đấu tranh chống chuyển giá, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI, các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản và thuế xuất nhập khẩu; các trường hợp vi phạm, gian lận, trốn thuế được xử lý kịp thời. Đây được coi là một trong những thành công đáng ghi nhận nhất trong năm 2011 của ngành tài chính.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, ngành Thuế đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận truy thu và phạt 6.009 tỷ đồng, giảm lỗ 7.496 tỷ đồng; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới; thu khoảng 67% số nợ thuế năm 2010 chuyển sang, với tổng số tiền khoảng 18.039 tỷ đồng, trong đó: bằng biện pháp quản lý nợ là 16.916 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 1.123 tỷ đồng; ngành Hải quan đã xử lý thu khoảng 709,6 tỷ đồng nợ thuế quá hạn...
Theo thống kê, ước thực hiện cả năm đạt 674.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010, đạt tỷ lệ động viên từ thuế và phí 20,3%GDP. Trong đó, thu nội địa: ước đạt 425.000 tỷ đồng, vượt 11,3% so dự toán, tăng 19,9% so thực hiện năm 2010; không kể thu tiền sử dụng đất ước đạt 43.500 tỷ đồng,vượt 8,4% so dự toán, tăng 22% so thực hiện năm 2010. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh vượt 10,6%; thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vượt 11,3%; thuế thu nhập cá nhân vượt 28,6%... Các địa phương cơ bản thu đạt và vượt dự toán giao.
Bên cạnh đó, thu từ dầu thô ước đạt 100.000 tỷ đồng, vượt 44,3% so với dự toán, tăng 44,6% so với thực hiện năm 2010; chủ yếu do yếu tố giá dầu thanh toán bình quân cả năm tăng thêm khoảng 25 USD/thùng so giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán theo ước tính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 14,13 triệu tấn, tăng 0,11 triệu tấn so kế hoạch.
Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu: tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 205.000 tỷ đồng, vượt 13,4% so dự toán; sau khi trừ chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối NSNN cả năm đạt 144.000 tỷ đồng, vượt 3,8% so dự toán, tăng 10,7% so với năm 2010.
“Nhờ chống thất thu và nợ đọng thuế nên năm 2011 mặc dù thực hiện giãn, giảm, miễn thuế cho khoảng 302.000 doanh nghiệp với tổng số tiền trên 11.000 tỷ đồng nhưng thu ngân sách cả năm vẫn đạt 647.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với năm 2010”, Thứ trưởng BTC, ông Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh.
Cũng theo đánh giá, công tác điều hành chi NSNN năm đã thực hiện khá tích cực. Theo đó, thay vì ưu tiên chi thường xuyên như những năm trước đây, năm 2011, ngành Tài chính tập trung chi cho đầu tư phát triển với 175.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với dự toán.
Cụ thể, tiết kiệm 10% chi thường xuyên đạt 3.857,7 tỷ đồng, trong đó các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 900 tỷ đồng, các địa phương hơn 2.957 tỷ đồng; tạm dừng mua sắm tài sản khoảng 1.081 tỷ đồng; sắp xếp lại vốn đầu tư với tổng vốn đã thực hiện cắt giảm để điều chuyển cho các dự án khác cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thuộc nguồn vốn NSNN khoảng 5.556 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 2.777 tỷ đồng; Các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước thực hiện cắt giảm khoảng 39.210 tỷ đồng vốn đầu tư; Đặc biệt, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp nhưng chi NSNN cho công tác an sinh xã hội đã tăng gần 20% so năm 2010 với mức ước đạt 84 nghìn tỷ đồng…
Bên cạnh đó, ngành Tài chính cũng tiết kiệm để chi trả nợ và viện trợ đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với dự toán. Từ đó giúp giảm nợ công trên 1%GDP. - Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp vui mừng chia sẻ.
Nhiệm vụ 2012
Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm 2011, trong Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012, Bộ Tài chính cũng đã thẳng thắn nhìn nhận lại những hạn chế đã tồn tại để từ đó bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2012.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2012, ngành sẽ phấn đấu tăng thu, giảm mức bội chi xuống dưới 4,8%. Theo đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để chống thất thu, bảo đảm thu tăng từ 5-8% so với dự toán của Quốc hội, kiềm chế lạm phát… năm 2012, ngành Tài chính sẽ điều chỉnh chính sách thu theo hướng giảm tỷ lệ động viên, tăng tích tụ cho doanh nghiệp, mục tiêu huy động vào NSNN từ thuế, phí giai đoạn 2011-2015 là 22-23% GDP, tỷ lệ thu nội địa (không kể thu từ đất, tài nguyên) khoảng 15-16% GDP. Quy mô thu NSNN năm 2015 bằng khoảng 2 lần so với năm 2010.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ. Ảnh: TH
|
Về chi NSNN tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu NSNN theo hướng ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện các chính sách xã hội, giảm tỷ trọng chi đầu tư từ NSNN, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn đến năm 2015, bố trí dự toán chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN khoảng 19-20%, kể cả chi đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết, trái phiếu Chính phủ thì đạt 24-25% tổng chi NSNN. Năm 2012, bố trí bằng 19,9% tổng chi NSNN (dự toán năm 2011 là 20,9%), tính cả nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn thu xổ số kiến thiết thì bằng khoảng 25% tổng chi NSNN và 8,2%GDP (dự toán năm 2011 tương ứng là 26,3% và 9%).
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường theo lộ trình, đến năm 2015 hệ thống giá cả thị trường trong nước cơ bản theo định hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước, xóa bỏ bù chéo giá giữa các mặt hàng và khu vực.
Đặc biệt, trong năm 2012 Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế điều hành điện xăng dầu, cơ chế bình ổn giá theo hướng luật giá quy định.
Đối với các mặt hàng nhạy cảm như điện, than năm nay sẽ có sự phối hợp giữa thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước và Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất-kinh doanh mặt hàng xăng dầu, than, điện... để xác định đúng lãi - lỗ, thúc đẩy công khai, minh bạch; đồng thời yêu cầu DN kinh doanh những mặt hàng này phải thực hiện tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành sản phẩmđể minh bạch và công khai các số liệu nhằm có được một bức tranh đầy đủ những mặt hàng này.
Cùng với các nhiệm vụ trên, năm 2012, ngành tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và phối hợp với chính sách tiền tệ, các chính sách khác để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng đang trình Chính phủ phương án giãn thuế cho doanh nghiệp.
(T.Hương) - Theo taichinhdientu.vn