Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Sẽ mạnh tay chống chuyển giá trong năm 2012
Ngày cập nhật 28/12/2011

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2011 - nhiệm vụ công tác thuế năm 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội.

DN tranh thủ mọi cơ hội để gian lận

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) luôn tranh thủ mọi cơ hội gian lận, tài sản cố định, chi phí đầu vào để trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt là DN đầu tư nước ngoài (FDI).

Nhận thấy điều này, năm 2011, toàn ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 45.939 doanh nghiệp, đạt 82,7% nhiệm vụ kế hoạch và tăng 44,5% so cùng kỳ, qua đó xử lý truy thu và phạt 7.683 tỷ đồng, bằng 140,7% so cùng kỳ, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra là 8.400 tỷ đồng, bằng 210% cùng kỳ, số đã nộp ngân sách là 4.100 tỷ. Cụ thể, thanh tra tại 5.860 doanh nghiệp, đạt 79,3% kế hoạch và bằng 143,8% so với cùng kỳ, xử lý truy thu và phạt 3.541 tỷ đồng, bằng 110% so cùng kỳ, giảm lỗ 5.200 tỷ đồng, nộp NSNN là 2.000 tỷ đồng, bằng 115,6% so với cùng kỳ. Kiểm tra tại 40.079 doanh nghiệp, đạt 83,2 kế hoạch và bằng 159% so với cùng kỳ, xử lý truy thu và phạt 2.100 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực thanh tra chống chuyển giá, ngành Thuế đã tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra thông qua hoạt động giao dịch liên kết của các doanh nghiệp được nâng lên một bước cả về số lượng và hiệu quả, theo đó, kế hoạch thanh tra là 1.276 doanh nghiệp, gấp 10 lần so với thực hiện năm 2010. Kết quả cho thấy, ước thực hiện thanh tra 856 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đạt 67% so kế hoạch đề ra, xử lý giảm lỗ 4.400 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt 1.650 tỷ đồng.

Thực tế, theo cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro của cơ quan thuế cho thấy, vài  năm gần đây đã nảy sinh tình trạng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam nhưng số thuế phải nộp không tương xứng với thực tế sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này. Không ít doanh nghiệp khai lỗ nhiều năm liên tiếp nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Điều đáng nói, việc doanh nghiệp FDI sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan trong thời gian tới sau 5 năm khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nên có thể các hiện tượng chuyển giá, giả lỗ, lách thuế sẽ gia tăng nhiều hơn. Như vậy cũng có thể thấy rằng hội nhập quốc tế mang lại nhiều cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng cũng tạo ra hiện tượng doanh nghiệp dàn xếp giả lỗ, chuyển giá... để  trốn thuế. 

Điển hình, tại "đầu tàu" kinh tế phía nam - TP.Hồ Chí Minh,  qua kết quả thanh tra 11 tháng đầu năm 2011, Cục Thuế đã thực hiện thanh tra 203/235 doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, kê khai lỗ liên tục, kết quả đều chỉnh giảm lỗ là 1.784 tỷ đồng, giảm khấu trừ 72 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.099 tỷ. - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Đình Tấn cho biết.

Theo đó, các “mánh ” vi phạm phổ biến nhất của doanh nghiệp là trong việc hạch toán chi phí trước nhưng chưa chi; trích lập dự phòng chưa đúng quy định; chi phí không có hóa đơn, chứng từ, vượt định mức; hạch toán chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh; chi phí tiền lương, khấu hao không đúng quy định của Bộ Tài chính; hạch toán chi phí lãi vay không đúng quy định.

Cụ thể, kê khai hạch toán không chính xác doanh thu và chi phí, thể hiện kết quả kinh doanh liên tục lỗ nhiều năm và bị mất vốn chủ sở hữu, nhưng doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, mở rộng đầu tư sản xuất, tập trung vào nhiều lĩnh vực ngành nghề như doanh nghiệp gia công xuất khẩu may mặc, túi xách, da giày. Giá bán hàng hóa dịch vụ cho các đơn vị có quan hệ liên kết thấp hơn giá bán cho các đơn vị độc lập. Giá mua vật liệu, hàng hóa, dịch vụ của Công ty mẹ ở nước ngoài có hiện tượng cao hơn so với việc mua của các đơn vị độc lập khác hoặc thị trường khác dẫn đến chi phí tăng cao…

Ngoài ra, doanh nghiệp chuyển giá còn ghi khống dịch vụ hay quên hạch toán. Bên cạnh đó, một số DN FDI thường lợi dụng việc khác biệt về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) giữa các nước, đề xuất chuyển hàng hóa đến quốc gia và vùng lãnh thổ có thuế suất thuế TNDN thấp hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, các công ty mẹ thường dựa vào chính sách ưu đãi giữa các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, để tiến hành các hoạt động sáp nhập, giải thể, điều chuyển các điểm sản xuất từ vùng này sang vùng khác để “tận dụng” ưu đãi đãi miễn giảm thuế TNDN.

Xây dựng cơ sở dữ liệu DN chuyển giá

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, việc chống chuyển giá bước đầu đang thực hiện vừa phải làm và rút kinh nghiệm, trước hết cần trao đổi cụ thể về tình hình giá cả đầu vào và có trao đổi cụ thể với doanh nghiệp, phải phối hợp các cơ quan chức năng như hải quan, thuế nước ngoài nắm được yếu tố chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.

Đề xuất giải pháp chống chuyển giá trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Tổng cục Thuế cùng quá trình triển khai thực tiễn sớm tổng kết sơ kết rút ra nhận diện các loại hình chuyển giá, các phương pháp kinh nghiệm thanh tra chống chuyển giá, các biện pháp phối hợp chống chuyển giá.

Cùng với đó, cần phải quyết liệt trong giải quyết các trường hợp kê khai lỗ thường xuyên. Việc đối chiếu số liệu giữa các bên mua bán và với các cơ quan quản lý liên quan như hải quan trong việc nhập khẩu hàng hóa là yếu tốt quan trọng để xác lập kế quả doanh nghiệp đã kê khai trong sổ sách.

Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thanh tra chống chuyển giá trên cơ sở phân tích rủi ro, xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN có dấu hiệu khai lỗ “giả”. Đặc biệt, Luật hóa công tác chống chuyển giá, xây dựng luật riêng hoặc sửa Luật Quản lý Thuế, đồng thời, sửa đổi Luật Doanh nghiệp quy định rõ nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp lỗ quá vốn đăng ký... là những giải pháp cần thực hiện cấp bách trong thời gian tới.

Để làm được điều này, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2012, ngành Thuế sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2012 trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các Cục thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra đạt 1,5% và kiểm tra đạt 12,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành.

Theo đó, đối tượng thanh tra tập trung vào các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp kinh doanh lỗ, các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, doanh nghiệp nhiều năm chưa được thanh, kiểm tra hay những doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế... Lĩnh vực thanh tra cần tập trung như ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản...

(T.Hương) - Theo taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 23
Chung nhan Tin Nhiem Mang