Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Dự báo chính sách tài khóa năm 2012
Ngày cập nhật 28/12/2011

Kinh tế Việt Nam năm 2011 kết thúc với những điểm sáng nổi bật đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức dự kiến và đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và thế giới trong điều kiện kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay; kim ngạch xuất khẩu dự kiến thực hiện cả năm tăng trưởng cao so với kế hoạch đầu năm. Thu ngân sách nhà nước vượt so với dự toán.         

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, nhiều lo ngại đối với thực trạng kinh tế năm 2011 cũng lộ rõ: Lạm phát cao, vượt xa mức dự kiến ban đầu (đầu năm dự kiến khoảng 7%, nhưng 11 tháng đã là 17,5% và dự báo cuối năm có thể lên tới 18%). Nợ công tăng nhanh và cao gần vượt xa qua giới hạn an toàn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán suy giảm và trầm lắng. Nợ xấu của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lên...

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính dự báo những khó khăn của nền kinh tế năm 2011 sẽ vẫn tồn tại và kéo dài tới cuối năm 2012 nếu như Chính phủ không có những giải pháp tích cực để hóa giải từng bước. Đối với kinh tế thế giới, theo dự báo, năm 2012 kinh tế thế giới cũng còn gặp nhiều khó khăn, nợ công tăng cao và có diễn biến xấu ở nhiều nước, đặc biệt là những nền kinh tế lớn như Mỹ, khu vực đồng Euro và Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 dự báo là có chiều hướng suy giảm xuống mức thấp hơn so với năm 2010, 2011. Thị trường chứng khoán thế giới năm 2012 cũng khó có những bứt phá và sôi động trở lại.

Trước những dự báo về khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2012 được Chính phủ xác định là tập trung trọng tâm vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và từng bước thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế ở 3 lĩnh vực quan trọng là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính.

Với vai trò là công cụ mạnh, chính sách tài khóa năm 2012 cũng sẽ thực hiện theo xu hướng thắt chặt và tập trung cho thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt là chi cho đầu tư công sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh và có chọn lọc. Chi thường xuyên cũng sẽ tiết kiệm hơn và được kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn. Chính sách thuế cần thiết nên nới lỏng, mở rộng các quy định về miễn, giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế, giảm nhẹ nghĩa vụ thuế cho các đối tượng nộp thuế... để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, kích thích và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các đối tượng doanh nghiệp thuộc diện vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã được phê duyệt.

(PV) - Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.344.565
Truy câp hiện tại 46
Chung nhan Tin Nhiem Mang