Trước đây, Quảng Lợi là một xã nghèo, hoàn toàn phụ thuộc vào cây lúa với thu nhập mỗi ha chỉ khoảng 60 triệu đồng. Gần đây, nhiều diện tích lúa chất lượng cao được đưa vào gieo sạ cho thu nhập trên 85 triệu đồng/ha, diện tích lúa năng suất thấp được chuyển đổi sang trồng ném, lạc, dưa hấu cho thu nhập cao hơn trồng lúa.
Rau má được trồng đại trà tại Quảng Thọ
Theo anh Văn Sanh, thôn Hà Công, xã Quảng Lợi, vùng này gần phá, thường xuyên thiếu nước, dễ bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên cây lúa rất khó sống. Ba năm trở lại đây, anh chuyển 5 sào lúa sang trồng cà chua hữu cơ, mỗi vụ cho thu nhập trên 30 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Sản phẩm được các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thu mua nên đầu ra ổn định. Từ việc chỉ trồng cà chua 1 vụ/năm, anh Sanh dự định sẽ lắp đặt hệ thống phun tự động, tiến tới trồng cà chua trái vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Việc độc canh cây lúa ở Quảng Lợi cho giá trị sản xuất thấp. Gần đây HTX Thắng Lợi chuyển đổi một số diện tích lúa sang sản xuất theo hình thức đa canh. Cụ thể, vụ đông xuân trồng sắn, lạc, đậu; vụ hè thu kết hợp trồng lúa cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đối với những vùng đất khô, thường bỏ hoang trong vụ hè thu, người dân tận dụng trồng ném, lạc, dưa hấu. Nhiều diện tích đất hoang hóa tại vùng cát bạch sa cũng được người dân đưa vào trồng các loại hoa màu, cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, trung bình mỗi sào cho thu nhập 20 đến 30 triệu đồng/năm.
Ngoài Quảng Lợi, các địa phương khác đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng nông sản tập trung, có giá trị kinh tế cao. Trong đó, vùng rau an toàn Quảng Thành (thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm); rau má Quảng Thọ (250 triệu đồng/ha/năm); mía Quảng Phú 250 triệu đồng/ha/năm; khoai lang, dưa hấu, môn tím ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Ngạn cũng cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 95%. Nhiều hợp tác xã mạnh dạn xây dựng vùng lúa chất lượng có giá trị kinh tế cao, thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp nên đầu ra khá ổn định.
Theo ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện sẽ lựa chọn một số sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh ở các vùng trọng điểm để tập trung đầu tư như: rau má Quảng Thọ; rau màu Quảng Thành; mía Quảng Phú; ném Quảng Lợi, thị trấn Sịa; môn tím ở Quảng Ngạn...; tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới như thành lập hiệp hội trồng mía, rau má, trồng ném…; thực hiện dồn điền, đổi thửa theo quy hoạch; phát huy vai trò các HTX nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để người dân chủ động đầu ra của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Đồng thời, đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai kế hoạch liên kết “bốn nhà”, gắn kết giữa sản xuất với thị trường nhằm giảm bớt áp lực đầu ra cho các mặt hàng nông sản, giúp người dân ổn định sản xuất; thông qua các kênh phân phối, hội chợ, hội thảo, tham quan…đưa các mặt hàng nông sản quảng bá ra thị trường.
Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp Quảng Điền là sự manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, điều này kéo theo nhiều vấn đề, nhất là khó ứng dụng khoa học, công nghệ, tìm kiếm thị trường... “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh hóa. Xây dựng các vùng sản xuất mang tính đặc thù, từ đó xây dựng thương hiệu địa phương, ví như cứ nhắc đến Quảng Thọ, người ta nhớ ngay đến rau má, Quảng Ngạn môn tím, Quảng Phú cây mía, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Hà Văn Tuấn khẳng định.
Hoàng Loan
Theo BaoThuaThienHue.vn