Kính gửi: - Các Sở, ngành và đơn vị trực thuộc tỉnh;
- Phòng Tài chính Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố
- Kho bạc nhà nước huyện, thị xã, thành phố
Việc khóa sổ và quyết toán niên độ ngân sách 2011 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị đinh số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước; Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính; Công văn số 16856/BTC-KBNN ngày 9/12/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn công tác khóa sổ kế toán và quyết toán niên độ 2011 trên hệ thống TABMIS; Quyết định số 833 /2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về thời hạn nộp báo cáo quyết toán ngân sách năm của các đơn vị dự toán, các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan; Quyết định số 2969/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định một số vấn đề liên quan đến công tác xử lý ngân sách cuối năm và lập, báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, Sở Tài chính hướng dẫn và lưu ý thêm một số nội dung như sau:
1. Thời hạn khóa sổ kế toán và chỉnh lý quyết toán năm 2011:
Theo quy định thời hạn khóa sổ kế toán năm 2011 thực hiện vào cuối giờ làm việc ngày 31/12/2011 và thời hạn chỉnh lý quyết toán ngân sách vào cuối giờ làm việc ngày 31/01/2012.
2. Kiểm tra đối chiếu trước khi khóa sổ:
Để thực hiện công tác khóa sổ trên hệ thống Tabmis, cơ quan tài chính cần chủ động và phối hợp với Kho bạc nhà nước nơi giao dịch thực hiện một số nội dung sau:
- Kiểm tra số dư dự toán năm 2010 chuyển sang năm 2011, số dự toán nhập đầu năm, số dự toán bổ sung trong năm và dự toán còn lại.
- Kiểm tra số liệu chi NSNN bằng lệnh chi tiền (do cơ quan tài chính nhập trên hệ thống Tamis).
- Rà soát các khoản tạm vay, tạm ứng chưa đưa vào vào cân đối; rà soát, cân đối nguồn vốn ngân sách các cấp để có kế hoạch xử lý.
- Sau khi khóa sổ kế toán tháng 12, cơ quan tài chính các cấp thực hiện đối chiếu dự toán cấp 0, dự toán các đơn vị cấp 1, 2, 3; phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch rà soát đối chiếu, điều chỉnh số dư tạm ứng, ứng trước, ứng ngoài ngân sách của các cấp tương ứng chi tiết theo đầu tư, thường xuyên, chuyển giao, khác; chịu trách nhiệm về số liệu dự toán ngân sách do cơ quan tài chính nhập vào hệ thống Tamis và phối hợp với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch rà soát, đối chiếu, điều chỉnh ( nếu có) dự toán cấp 4 thuộc ngân sách tỉnh, huyện đảm bảo khớp đúng số liệu để KBNN chạy chương trình chuyển nguồn.
3. Thời hạn chi, tạm ứng ngân sách:
Về nguyên tắc thời hạn chi, tạm ứng ngân sách (bao gồm cả chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên) đối với nhiệm vụ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 được thực hiện chậm nhất đến hết ngày 30/12/2011. Lưu ý:
- Không thực hiện tạm ứng ngân sách năm 2011 (cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) trong thời gian chỉnh lý quyết toán (trừ việc tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện đến hết ngày 31/01/2012, theo Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính).
- Trường hợp đã có khối lượng, công việc thực hiện đến hết ngày 31/12/2011 (cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên), thì thời hạn chi ngân sách được thực hiện đến hết ngày 31/01/2012; thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) gửi hồ sơ, chứng từ chi ngân sách (kể cả thanh toán các khoản tạm ứng) theo chế độ quy định đến KBNN giao dịch chậm nhất đến hết ngày 20/01/2012.
- Thời hạn chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới được thực hiện đến hết ngày 31/01/2012.
4. Qui định về xử lý số dư dự toán và số dư tạm ứng:
a. Về xử lý số dư dự toán:
Đến hết ngày 31/01/2012, dự toán ngân sách giao cho đơn vị, dự án, công trình chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết không được chi tiếp và bị huỷ bỏ, loại trừ các trường hợp:
- Số dư dự toán đương nhiên được chuyển (quy định tại tiết b, điểm 3, Thông tư 108/2008/TT-BTC). Đơn vị sử dụng ngân sách đối chiếu số dư dự toán với Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Căn cứ kết quả đối chiếu số dư dự toán, Kho bạc nhà nước nơi giao dịch có trách nhiệm chuyển nguồn số dư dự toán ngân sách năm trước sang dự toán ngân sách năm sau. Đồng thời, lâp báo cáo chi tiết theo đơn vị dự toán gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi.
- Các trường hợp số dư dự toán được Uỷ ban nhân dân cùng cấp (hoặc trưởng cơ quan tài chính được ủy quyền) xem xét, quyết định cho chi tiếp vào năm sau (quy định tại tiết a, điểm 3, Thông tư số 108/2008/TT-BTC). Chậm nhất đến hết ngày 15/02/2012 đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) có văn bản đề nghị, kèm theo bảng đối chiếu có xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để xem xét, tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn.
Riêng đơn vị dự toán cấp I chịu trách nhiệm xem xét và tổng hợp đề nghị xét chuyển số dư dự toán sang năm sau của các đơn vị dự toán trực thuộc để gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Văn bản đề nghị xét chuyển của đơn vị dự toán cấp I phải kèm theo các tài liệu liên quan, bảng tổng hợp số dư dự toán của từng đơn vị sử dụng ngân sách và bản xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Thời gian gửi chậm nhất là ngày 28 tháng 02 năm sau.
Hết ngày 15/03/2012, các trường hợp không có văn bản của cơ quan có thẩm quyền chấp nhận cho chuyển số dư dự toán sang ngân sách năm sau chi tiếp thì số dư dự toán bị hủy bỏ.
- Số dư dự toán của các cấp ngân sách được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc theo chế độ quy định được chuyển sang ngân sách năm sau: Số tăng thu so với dự toán của các cấp ngân sách thì được chuyển sang dự toán ngân sách năm sau; Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định; Dự phòng, dự toán chưa phân bổ (nếu có nhiệm vụ chi chuyển tiếp). Lưu ý: số tiết kiệm 10% theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được sử dụng bổ sung nguồn dự phòng ngân sách các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nếu không có nhiệm vụ chi an sinh xã hội thì hết ngày 31/12/2011 bị hủy bỏ.
- Riêng nguồn vốn dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thực hiện theo các quy định hiện hành của nhà nước.
b. Về xử lý số dư tạm ứng theo chế độ trong dự toán:
Đến hết ngày 31/12/2011 các khoản tạm ứng (bao gồm cả tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản) trong dự toán theo chế độ chưa thanh toán hết thì được tiếp tục thanh toán đến hết ngày 30/01/2012 và quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2011. Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thanh toán tạm ứng kinh phí theo thời gian qui định. Sau ngày 31/01/2012 số dư tạm ứng được xử lý như sau:
- Đối với số dư tạm ứng của kinh phí các trường hợp được phép chuyển nguồn (quy định tại tiết b, mục 3, I thông tư số 108/2008/TT-BTC) và tạm ứng vốn xây dựng cơ bản theo chế độ quy định chưa thu hồi thì được Kho bạc Nhà nước chuyển nguồn sang ngân sách năm sau thanh quyết toán và thực hiện hạch toán chuyển nguồn trên hệ thống Tamis (cơ quan tài chính không phải xét chuyển). Các đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) đối chiếu với Kho bạc Nhà nước giao dịch trước ngày 10/02/2012. Kho bạc Nhà nước lập báo cáo chi tiết theo đơn vị dự toán gửi cơ quan Tài chính cùng cấp để theo dõi trước ngày 20/02/2012 khi sử dụng, hạch toán, quyết toán vào niên độ năm 2011.
- Đối với số dư tạm ứng chi thường xuyên không đủ chứng từ thanh toán của các trường hợp không được phép chuyển sang năm sau theo chế độ qui định thì không được thanh toán tiếp, loại trừ các trường hợp được xét chuyển (đã qui định tại Tiết a, Điểm 3 , mục I thông tư số 108/2008/TT-BTC ) và phải được cơ quan Tài chính cùng cấp chấp nhận bằng văn bản cho chuyển sang năm sau. Đến hết ngày 15/03/2012 các trường hợp không có sự chấp nhận bằng văn bản của cơ quan tài chính cho chuyển số dư tạm ứng sang ngân sách năm sau, Kho bạc nhà nước thực hiện thu hồi tạm ứng theo quy định hiện hành của nhà nước.
5. Về thông báo kết quả xét chuyển kinh phí cuối năm cho đơn vị dự toán các cấp:
Khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định cho phép chuyển số dư dự toán và số dư tạm ứng ngân sách sang năm 2012, cơ quan tài chính cùng cấp lập văn bản thông báo chi tiết cụ thể từng đơn vị sử dụng ngân sách gửi Kho bạc nhà nước cùng cấp để phối hợp thực hiện.
6. Về ghi thu, ghi chi vào ngân sách nhà nước:
Thực hiện ghi thu, ghi chi các khoản thu để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước, các khoản ghi thu, ghi chi viện trợ trước ngày 31 tháng 1 năm 2012; Đơn vị phải lập báo cáo tổng hợp kinh phí đã sử dụng đề nghị ghi thu ghi chi theo mẫu số 03/GTGC và báo cáo mẫu B03-H được ban hành tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính gửi cơ quan tài chính làm thủ tục ghi thu, ghi chi theo quy định của nhà nước.
7. Về thời gian nộp báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách:
Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 833 /2007/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về thời hạn nộp báo cáo quyết toán ngân sách năm của các đơn vị dự toán, các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan.
8. Tổ chức thực hiện:
Cơ quan tài chính phối hợp với Kho bạc nhà nước cùng cấp kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện của các cơ quan, đơn vị liên quan; phối hợp chặt chẽ đảm bảo việc đối chiếu, điều chỉnh, xử lý thuận tiện, hiệu quả từ khâu khóa sổ kế toán và quyết toán ngân sách năm 2011 nhằm đảm bảo chất lượng và đúng thời gian quy định.
Đơn vị dự toán cấp I phổ biến các nội dung khóa sổ và quyết toán ngân sách năm 2011 đến các đơn vị cấp dưới của mình để thống nhất thực hiện.
Tùy theo mức độ vi phạm của các đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực kế toán, cũng như những vi phạm về thời gian nộp báo cáo, Sở Tài chính sẽ kiên quyết xử phạt theo các hình thức: Phạt theo quy định tại Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm điểm đơn vị, cá nhân có liên quan; tạm ngưng cấp phát cho cơ quan, đơn vị vi phạm.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để phối hợp với Kho bạc nhà nước tỉnh hướng dẫn cụ thể./.