Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
2012: Nợ đọng thuế/ tổng thu NSNN không quá 5%
Ngày cập nhật 05/03/2012

Công tác quản lý nợ thuế được cải thiện; tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách giảm nhanh; tình trạng chống chuyển giá và thất thu ngân sách đã được hạn chế tích cực… Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại Hội nghị chuyên đề về chống thất thu và nợ đọng thuế, được Tổng cục Thuế tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 1-2/3/2012.

 

Theo đó, toàn ngành phấn đấu năm 2012, tổng số tiền nợ động thuế/ tổng thu NSNN không quá 5%...

 

 

Tình trạng nợ động thuế giảm mạnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu NSNN giảm mạnh qua các năm; năm 2008 là 9,5%; năm 2009 là 7,7%; năm 2010 là 7,3% và năm 2011 là 6,9%. Có tới 17 địa phương có mức nợ đọng dưới 5% như: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bến Tre, Bình Dương; Bình Thuận; Đà Nẵng; Đồng Nai; Hà Tĩnh; Hậu Giang; Khánh Hòa; Lai Châu; Lạng Sơn; Quảng Ngãi; Quảng Ninh; Thái Nguyên; TT-Huế; Tuyên Quang và Vĩnh  Phúc.

Đặc biệt năm 2011, Cục thuế các địa phương đã xử lý tích cực nợ chờ điều chỉnh (nợ ảo), tính đến 31/12/2011 đã xử lý hết số nợ ảo tính đến 31/12/2010, với số nợ chiếm 0,3% trên tổng số thu NSNN. Công tác thanh kiểm tra tại 50.276 doanh nghiệp (đạt 90,65% chỉ tiêu kế hoạch và bằng 158,3% so với 2010) đã xử lý truy thu, truy hoàn và phạt đạt 7.582 tỷ đồng (bằng 138,8% so với 2010); giảm khấu trừ được 576 tỷ đồng; giảm số lỗ qua thanh kiểm tra đạt 11.021 tỷ đồng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính phát biểu chỉ đạo...

Thời gian tới Tổng Cục Thuế xác định, công tác thanh kiểm tra, chống thất thu và nợ động thuế sẽ vẫn hướng vào các doanh nghiệp có số thu lớn. Trong đó công tác chống chuyển giá, thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, doanh nghiệp tạm nhập tái xuất, chống thất thu biên mậu, thất thu từ quảng cáo và các mạng xã hội…sẽ là những lĩnh vực trọng tâm. “Thu trúng, thu đúng, thu đủ, đồng thời phải đảm bảo moi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và thực hiện nghĩa vụ thuế nghiêm túc…”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại hội nghị, là người am hiểu vấn đề, thẳng thắn phân tích và đưa ra những gợi ý cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chỉ ra 7 nhóm nhiệm vụ để hội nghị xem xét và bàn biện pháp xử lý tình trạng thất thu và nợ đọng thuế trong thời gian tới. Đó là: Vấn đề chống chuyển giá; thuế VAT và hoàn thuế; thuế với hoạt động bất động sản, thuế thuê và sử dụng đất; thuế với những chi phí không hợp lý hợp lệ, doanh số đầu ra trên tài sản cố định, nguyên vật liệu…; Chống thất thu thuế hoạt động biên mậu, khu kinh tế cửa khẩu; Chống thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, doanh thu quảng cáo của các mạng xã hội nước ngoài; Chống thất thu thuế với hàng hóa tạm nhập tái xuất. 

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn trong vòng vay của phóng viên...

Thứ trưởng Tuấn thẳng thắn, chúng ta phải nhận dạng từng “thủ đoạn” trốn thuế; đề ra được giải pháp khắc phục và phòng ngừa hiệu quả. Với 3 giải pháp gợi ý: Một, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách. Muốn làm tốt việc này thì kiến nghị của địa phương, những cán bộ trực tiếp làm nghiệp vụ sẽ thông hiểu khó khăn và sẽ có những kiến giải chính xác nhất. Hai, tăng cường công tác thanh kiểm tra trên cơ sở tập trung những vấn đề nóng, phân loại các loại hình vi phạm (bao nhiêu doanh nghiệp chuyển giá, bao nhiêu doanh nghiệp trốn thuế bất động sản…); lập danh sách đen và có biện pháp cương quyết xử lý mạnh tay, dứt điểm tạo tính răn đe. Ba là xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, liên bộ, liên ngành.

Phân tích sâu giải pháp phối hợp, ông Tuấn đặt câu hỏi: Tại sao nhà đầu tư baats động sản không trực tiếp bán sản phẩm mà lại qua nhiều trung gian, khi giá tăng hàng loạt sàn giao dịch con ra đời? Thực tế, họ không đẻ ra thủ tục hành chính hay bộ máy, đó đều là vì lợi nhuận khi doanh nghiệp chia lẻ doanh thu và tăng khả năng trốn thuế. Hoặc lĩnh vực truy thu, đơn cử dự án Ciputra của Hà Nội, nhà xây đã 10 năm mà ta vẫn chưa thu được thuế đất do vẫn phải chờ Sở tài chính áp giá, HĐND TP.Hà nội phê duyệt thì Cục thuế Hà Nội mới có căn cứ để thu. Do vậy, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị cần có sự liên ngành và đi trước một bước, có tính tiên liệu vấn đế để khi sự việc tương tự diễn ra, Cục thuế cứ thế mà thu. 

Thanh tra thuế phải thực sự… cao tay

Đánh giá về công tác thanh kiểm tra thuế thất thu, trốn, nợ đọng thuế tại các doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, cán bộ thanh tra thuế phải thực sự giỏi chí ít bằng kế toán trưởng của doanh nghiệp, bằng không phải cao tay hơn họ thì công tác chống thất thu mới thành công. Bởi xét cho cùng, cán bộ thuế có nghĩa vụ thu đúng, thu đủ ngân sách; trong khi doanh nghiệp thì tìm mọi cách lách luật, tìm kẽ hở để trốn tránh nghĩa vụ. Có thể nói đây là cuộc đấu cân não giữa các bên, nhưng dưới cùng một thức đo, đó là luật pháp.

Kể lại miếng “võ” trong việc truy thu, thanh tra thuế tại địa phương ông từng chứng kiến. Biết doanh nghiệp chốn thuế, nhưng là cán bộ tay ngang (bộ đội mất sức chuyển sang-PV), nghiệp vụ non kém nên không làm cách nào thu được thuế của họ. Vị này dùng võ “cùn”, cứ mùng 1 vác ghế đến doanh nghiệp ngồi từ 8h sáng đến 11 giờ trưa suốt thời gian dài, doanh nghiệp nản quá đành phải kê nộp đủ. Mới đây nhất qua câu chuyện thất thu thuế tàu du lịch tại Quảng Ninh, khi doanh nghiệp khai doanh thu thấp chỉ 30 USD/đêm, thấp hơn thực tế (khoảng 120-150 USD/đêm. Theo lãnh đạo địa phương, cần phải áp giá thuê tối thiểu khoảng 60 USD/đêm để cơ quan thuế có căn cứ áp thuế.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Hoạt động biên mậu, chống thất thu thuế
phải đi kèm chống buôn lậu, dịch bệnh, an ninh biên giới...

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc áp giá tối tiểu chỉ là biện pháp muốn dễ cho mình, khó cho doanh nghiệp. Cần tìm giải pháp nào đó tốt hơn, cao tay hơn nhưng hiệu quả khác có được không. Ông Tuấn nửa đùa, có chăng Cục thuế Quảng Ninh với 900 cán bộ, dành ra 60 người, chia 2 người/tàu (Quảng Ninh có 115 tàu du lịch đăng ký hoạt động trên vịnh Hạ Long - PV), ngày ngày “bám theo” bằng các thiết bị giám sát và quản lý giá dịch vụ/ doanh thu ngay từ khi du khách đến địa phương. Liệu doanh nghiệp du lịch có “nản”, phải thực hiện nghĩa vụ thuế nghiêm túc hay chúng ta phải có giải pháp nào khác, thay vì bài “cùn” này?

Tiếp thu những kiến giải và gợi ý của lãnh đạo Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Lê Hồng Hải chia sẻ: thực tế năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, tình hình xuất khẩu giảm, nhập siêu tăng, số doanh nghiệp phá sản và xin giải thể tại các địa phương cũng tăng đột biến gây áp lực cho nhiệm vụ thu ngân sách. Trong khi đó những yếu kém nội ngành trong công tác quản lý thuế, năng lực cán bộ nghiệp vụ, những kẽ hở của chính sách đang được hoàn thiện. Do vậy, với tính chất hội nghị chuyên đề, kéo dài 1,5 ngày quy tụ lãnh đạo 63 Cục thuế địa phương. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính và tổng cục Thuế rất quyết tâm sẽ nghe được những kiến giải cụ thể, hữu ích và có khả năng triển khai ngay của những tỉnh “tuyến đầu”. Qua đó Tổng Cục Thuế sẽ tổng hợp giải pháp, kiến nghị và tập huấn cho cán bộ các địa phương, với mục tiêu ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng nợ động, trốn và thất thu thuế cho ngân sách.

(Nam Phương) - Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 15
Chung nhan Tin Nhiem Mang