Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sự phối hợp này sẽ gặp phải những vấn đề phức tạp về mức độ, thời điểm, cách thức và cơ chế vận hành nhằm nhận được những tác động qua lại, cùng chiều và tối ưu nhất của hai chính sách này nhằm đồng thời phục vụ hai mục tiêu: ổn định và phát triển. Vấn đề cơ bản là cần phối hợp hai chính sách này như thế nào cho hợp lý và tối ưu.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm kinh tế toàn cầu có tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Các nước đã thực hiện các biện pháp kích cầu với khoản tiền hơn 1.000 tỷ USD. Việt Nam cũng đã áp dụng gói kích cầu khoảng 8 tỷ USD. Điều này thể hiện chính sách tài khóa nới lỏng nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi những tác động của khủng hoảng.
Nếu xét cả giai đoạn 1995-2010, đầu tư nhà nước vẫn duy trì ở mức cao so với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong tổng đầu tư của toàn xã hội. Điều này thể hiện vai trò quan trọng của chính sách tài khóa trong điều chỉnh các quan hệ trong nền kinh tế Việt Nam. Thực chất, chính sách tài khóa nới lỏng được Nhà nước duy trì trong khoảng thời gian dài.
Đối với chính sách tiền tệ, trong giai đoạn 2001-2010, Việt Nam liên tục tăng cung tiền. Đây là sự thể hiện áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng hay mở rộng. Mở rộng cung ứng tiền tệ và nới lỏng tín dụng gây ra tình trạng lạm phát cuối năm 2008 và lặp lại vào năm 2010. Đây là một khía cạnh gây ảnh hưởng đến những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế và Chính phủ đã có quyết sách trong việc ban hành Nghị quyết 11.
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân, nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải tình trạng phức tạp trong việc phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện khủng hoảng. Năm 2011, Chính phủ đã thực hiện Nghị quyết 11 với các biện pháp quyết liệt về thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cắt giảm đầu tư công... Đây là những biện pháp góp phần giảm thiểu những tác động ngoại lai do biến động của nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng cho rằng, có những vấn đề phức tạp phát sinh trong kết hợp hai chính sách này trong thời gian tới, đặc biệt trong năm nay (2012). Các vấn đề phức tạp xuất phát từ sự lựa chọn chính sách và phương thức vận hành của chính sách. Thứ nhất, chính sách tài khóa thắt chặt thể hiện ở việc giảm đầu tư công, bên cạnh việc thu hẹp danh mục và quy mô đầu tư để tái cấu trúc lại đầu tư công đang dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều sản phẩm và công trình hay dự án dở dang, làm lãng phí nguồn lực đầu tư trước đó. Trong trường hợp Chính phủ không chấp nhận sự phá sản của ngân hàng, các khoản nợ được tái cơ cấu sẽ do Nhà nước gánh chịu. Đồng nghĩa với việc chính sách tài khóa đang chuyển các khoản nợ doanh nghiệp thành nợ của Nhà nước và Nhà nước phải gánh chịu. Nhà nước vừa là chủ nợ vừa là con nợ. Doanh nghiệp và ngân hàng có thể đổ gánh nặng và chuyển các loại rủi ro này lên chính sách tài khóa do Chính phủ hoạch định.
Thứ hai, với chính sách tiền tệ thắt chặt, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, mặc dù cơ chế nới lỏng tín dụng đã được áp dụng cuối năm 2011, nhưng vẫn chưa được thực hiện triệt để trong thực tế. Chính sách này làm cho doanh nghiệp trong nước khó mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo khả năng sáp nhập, mua lại doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực lớn, nguy cơ bị thôn tính và thâu tóm lớn hơn. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp trong nước khó mở rộng thị phần ngay trên thị trường trong nước thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể chớp lấy cơ hội này để mở rộng thị trường, gây ảnh hưởng và tạo được những nền tảng để phát triển trong chu kỳ tiếp theo. Đây là yếu tố gây khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, khó khăn khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với khoản nợ nước ngoài, mặc dù đang ở mức vừa phải, đòi hỏi ngân sách nhà nước phải gánh chịu khi đồng tiền của các chủ nợ hay đối tác cung cấp ODA có hoàn lại với lãi suất ưu đãi có xu hướng mạnh lên so với đồng Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam tiếp nhận hơn 7 tỷ USD khoản ODA đây là nguồn vốn quan trọng nhưng cũng đặt ra những công việc phải xử lý thông qua chính sách tài khóa dài hạn. Đây là áp lực lớn đối với chính sách tài khóa Việt Nam.
Thứ tư, tính phức tạp của việc phối hợp hai loại chính sách này còn do mức độ đòi hỏi cao trong liên kết và phối hợp giữa nhiều cơ quan khác nhau trong hoạch định và thực hiện. Những vấn đề liên quan đến các tham số kinh tế vĩ mô quan trọng. Bên cạnh đó, năng lực phối hợp điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hiệu lực và hiệu năng của chính sách ban hành đang là những vấn đề cần hoàn thiện.
Nguồn: www.taichinhdientu.vn