Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Từ Vincom, nhìn về tiến độ các dự án
Ngày cập nhật 18/07/2016
TTH - Chỉ hơn một năm sau lễ động thổ, khu đất “vàng” tại ngã sáu Hùng Vương-Đống Đa-Hà Nội do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư đã có những bước khởi động đáng kể.

“Chọn mặt gửi vàng”

Quyết định giao khu đất được xem không chỉ là “vàng” mà là “kim cương”, tại ngã sáu Hùng Vương-Đống Đa-Hà Nội cho Tập đoàn Vingoup làm chủ đầu tư để thực hiện dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom và khách sạn 5 sao Hùng Vương của UBND tỉnh là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng đại đa số người dân, nhà đầu tư, người yêu Huế…

Cần cẩu tháp phục vụ thi công công trình Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom và Khách sạn 5 sao Hùng Vương

Trước đó, dù nằm ở vị trí thuận lợi, song “nàng công chúa” này đã ngủ một giấc khá dài, do “chàng hoàng tử” là Công ty CP Đầu tư và Du lịch Petrolimex (đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư) không đủ năng lực “đánh thức”.

Một vài “hoàng tử” sau đó cũng đến tìm hiểu nhưng chưa tương xứng với tầm vóc, vị thế của “công chúa” nên chỉ nhận được những cái lắc đầu.

“Nàng” chỉ thực sự ưng ý khi “hoàng tử” Vingroup đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nói tìm hiểu nhưng thực sự lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan đã vận dụng tốt các mối quan hệ, ưu đãi bằng những chính sách thông thoáng để mời gọi đầu tư.

Điều này được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao xác nhận tại lễ động thổ dự án diễn ra hồi đầu năm 2015. Ông Nguyễn Văn Cao cho hay, sau khi tìm hiểu về khả năng tài chính và những dự án lớn đã được Tập đoàn Vingroup đầu tư ở khắp cả nước, Thừa Thiên Huế nhận thấy đây là cơ hội tốt, nếu bỏ lỡ nhà đầu tư này, tỉnh sẽ khó tìm được nhà đầu tư tốt hơn. Và, một loạt các chủ trương được thực hiện ngay sau đó để nhà đầu tư đến Huế với tâm thế thoải mái và thuận lợi nhất.

Trở lại với tiến độ dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom và khách sạn 5 sao Hùng Vương, theo ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện dự án đạt tiến độ khá tốt, dù mới triển khai thực hiện từ cuối năm 2015, song đến nay, khối lượng thi công đạt khoảng 20%. Các nhà thầu, đơn vị liên quan đang thi công 3 ca/ngày. Điều đó được người dân sống hai bên đường Hà Nội và những ai thường xuyên qua khu vực này xác nhận. Dự kiến, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng quý I/2018.

Các vấn đề liên quan về đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, giám sát chất lượng công trình luôn được chủ đầu tư thực hiện nghiêm ngặt và có sự quản lý của các cơ quan chức năng. Đến nay, chưa có những phản ánh liên quan về các vấn đề nêu trên, kể cả vệ sinh môi trường.

Hết sức tạo điều kiện nhưng...

Không thể phủ nhận, tiến độ thi công dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom và khách sạn 5 sao Hùng Vương tốt là nhờ nhà đầu tư có tiềm lực và quyết tâm triển khai dự án cao. Song, nếu những thủ tục đi kèm không được triển khai song hành, theo hướng thuận lợi nhất, chưa chắc nhà đầu tư đã chọn Huế.

Cơ sở để nói điều này là có một thời gian khá lâu, Tập đoàn Vingroup “ngừng” dự án do vướng những vấn đề liên quan trong đền bù, chi trả cho hộ dân bị ảnh hưởng và chủ đầu tư trước. Có lúc lãnh đạo tỉnh, các sở ngành liên quan đã tính đến phương án không giữ được nhà đầu tư. Song, nhờ quyết tâm cao của tổ giúp việc, các ngành liên quan, kịp thời giải quyết các vướng mắc nên chủ đầu tư mới triển khai dự án.

Ông Phan Thiên Định, thời điểm đó đang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của tổ giúp việc chia sẻ: “Có hôm, cả tổ phải thức trắng đêm để hoàn tất các thủ tục cho nhà đầu tư. Các văn bản đều do tổ giúp việc soạn sẵn, chủ đầu tư chỉ đọc và ký. Nhờ thế, Vingroup mới chọn Huế là điểm dừng chân tiếp theo. “Nếu Vingroup bỏ dự án ở Huế, chắc chắn môi trường đầu tư của Huế sẽ ảnh hưởng, vì đây là nhà đầu lớn, có uy tín trong và ngoài nước”, ông Định nói.

Nói điều đó để so sánh với các dự án chậm, đang án ngữ các “khu đất vàng” trên địa bàn TP. Huế, như dự án xây dựng khu du lịch, dịch vụ, văn phòng tại số 4 đường Hà Nội, dự án xây dựng khu du lịch, dịch vụ, văn phòng, căn hộ cao cấp tại đường Lý Thường Kiệt hay dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại số 2 Nguyễn Tri Phương đã “án binh bất động” nhiều năm nay. Tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở, mời chủ đầu tư đến làm việc để nắm khả năng tài chính, tình hình triển khai dự án, song vẫn chưa cải thiện.

Lý do không nói nhiều người cũng đoán được là do chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, thị trường bất động sản khó khăn… Một số còn trục trặc trong mô hình hoạt động nên dự án “chết lây”, như dự án siêu thị và cao ốc văn phòng tại số 2 Nguyễn Tri Phương do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VIWASEEN Huế làm chủ đầu tư. Quá trình hoạt động, công ty này gặp khó khăn nên đổi tên thành Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt. Theo đó, dự án ngừng hoạt động từ năm 2012. Đến nay, dù đã tái cơ cấu, đổi tên, song công trường vẫn yên ắng. Giải pháp của tỉnh từ đây đến cuối năm, nếu doanh nghiệp này không tiếp tục triển khai dự án, tỉnh sẽ thu hồi. Các dự án khác cũng tương tự. Tuy nhiên, tỉnh cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc thu hồi vốn nếu dự án bị thu hồi, đó là tìm kiếm đối tác thương lượng để chuyển nhượng dự án.

Người dân và những người yêu Huế kỳ vọng, nếu thu hồi, tỉnh cần lựa chọn nhà đầu tư tương xứng, cỡ như Tập đoàn Vingroup mới mong thay đổi được bộ mặt đô thị Huế. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan để giữ chân nhà đầu tư. Nếu không, dự án chậm, dự án “treo” sẽ còn được nhắc đến trong nhiều diễn đàn, cuộc họp khác.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 44
Chung nhan Tin Nhiem Mang