Họ là những thanh niên thế hệ 9X, có hoàn cảnh sống, xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều chọn vùng gò đồi Phong Điền để thỏa mãn đam mê, ước mơ làm nông nghiệp của mình.
Sớm tự lập
Đến thôn Bình An (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), hỏi đường vào gia trại nuôi gà của anh Thái Văn Tiến (24 tuổi) không phải dễ, bởi khu chăn nuôi nằm khá tách biệt với đường chính. Ngồi “uống hết mấy tuần trà” mà Tiến vẫn chưa ngơi tay được. Người nhà Tiến bảo: “Hắn (Tiến) là rứa đó. Mần cái chi thì quyết mần cho được, cho xong rồi mới tính đến việc khác”.
Người nông dân thường “khát” kiến thức khoa học kỹ thuật
Học xong lớp 9, vì điều kiện gia đình, sự học của Tiến đành “đứt gánh” giữa chừng. Như bao chàng thanh niên xứ gò đồi, rời ghế nhà trường ít năm, Tiến tìm đường vào Nam với đủ thứ nghề, từ sửa điện tử, công nhân may mặc. “Ăn chén cơm xứ người” đã giúp Tiến nhận ra một điều: “Không gì sướng bằng chính mình tự trả lương cho mình”.
Đầu năm 2013, Tiến quyết tâm về quê mở gia trại gà, lợn. Ý tưởng thì có, nhiệt huyết cũng có thừa, nhưng buổi đầu làm gia trại chồng chất khó khăn từ kỹ thuật đến nguồn vốn. Tiến kể: “Đất thì mình có sẵn, vì gia đình vốn làm nghề nông. Nhưng dựng trại buổi đầu khó khăn vô cùng. Mấy cha con cùng ngồi lại vạch ra kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, tích lũy vốn liếng để từng bước mở rộng quy mô gia trại”.
Suốt mấy tháng trời, Tiến cùng bố và em trai “khai hoang” vườn tược, đặt những viên gạch đầu tiên xây chuồng trại, đưa khoảng 1.000 gà thịt vào nuôi. Mọi công việc từ “khai hoang”, xây dựng chuồng, chăm sóc đàn gà cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, mấy cha con Tiến đều tự tay làm, không thuê người để tiết kiệm chi phí.
Có chút kinh nghiệm từ nghề nông của gia đình, những vụ đầu “lấy công làm lãi” đã giúp Tiến xây dựng được 5 trại gà, 2 trại lợn với quy mô trên 5.000 con gà và 100 lợn thịt. Tiến nhẩm tính: “Gà nuôi mỗi năm từ 3-4 lứa, cứ sau 3 tháng, đạt 1,5kg/con là xuất chuồng. Với giá bán 110 nghìn đồng/kg như hiện nay, gia trại mình lãi khoảng 30-35 triệu đồng/lứa”.
“Lấy ngắn nuôi dài”, gia trại Tiến còn nuôi thêm lợn, bò lai, bồ câu Pháp để tăng thêm thu nhập. Ngoài 100 lợn thịt, Tiến dự kiến trong năm nay sẽ phát triển thêm 10 lợn nái giống F2, đầu tư thêm gia trại rộng 5 sào, thả thêm 2.000 gà thịt ở vùng gò đồi Bình An.
Bỏ phố lên đồi
Tốt nghiệp đại học, hai cựu sinh viên Tạ Quang Thiên và Trần Văn Long Đại (24 tuổi), bỏ phố lên vùng gò đồi Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) làm gia trại. Có được cơ ngơi sau 3 năm tri điền là trải nghiệm thú vị của những người trẻ. Gia trại của Thiên, Đại là một trong những mô hình nuôi lợn, xuất lợn giống được đầu tư theo hướng công nghiệp hiện đại của vùng Phong Sơn. Chia sẻ về quá trình làm gia trại, anh Thiên kể: “Trong quá trình học, được thực tập, tham quan mô hình nuôi lợn công nghiệp ở vùng Trảng Bom (Đồng Nai), mình nung nấu ý tưởng đem mô hình này về quê nhà, bởi không chỉ riêng vùng Phong Sơn mà trên địa bàn tỉnh, nuôi lợn công nghiệp, đầu tư bài bản đang rất ít”.
Gia trại gà hàng nghìn con của Thái Văn Tiến
Nguồn vốn ban đầu do gia đình hỗ trợ, vay mượn thêm bạn bè, Thiên và Đại đầu tư gia trại nuôi lợn thịt, lợn nái mất 1 tỷ đồng, trên diện tích gần 1.000m2 với hệ thống chuồng trại hiện đại theo mô hình nuôi lợn công nghiệp. Chuồng gồm hệ thống lồng heo bầu, lồng heo sinh sản và lồng cai sữa. Sàn heo mẹ được lót bê tông chịu lực, sàn heo con được lót nhựa cách mặt đất 40 phân để thuận tiện công việc vệ sinh chuồng trại. Chuồng trại được Thiên và Đại thiết kế sao cho ánh nắng mặt trời nằm đầu hồi, nhằm phân tán nhiệt. Ba khu vực lợn bầu, sữa, đẻ đều nằm riêng biệt nhau. Trong đó, bố trí lồng lợn nọc (lợn đực) đầu hướng gió, nhằm kích thích mùi cho heo nái nhanh lên giống.
Với quy mô gồm 200 lợn thịt, 60 lợn nái, qua 3 năm sản xuất, từ việc nuôi “lấy kinh nghiệm” đến nay, gia trại các anh đã chủ động được nguồn giống, hàng tháng xuất đều đặn vài tấn thịt lợn. Thiên nhẩm tính: “Bình quân lợn nuôi đạt 95-100kg/con là xuất chuồng. Mỗi tháng gia trại mình xuất 3-4 tấn thịt lợn hơi, trừ các chi phí, lãi 20-30 triệu đồng. Còn lợn nái giống mỗi năm cho xuất 2,5 lứa. Ban đầu mình chưa bán ra ngoài, bởi muốn chủ động nguồn giống, tăng đàn. Đến nay, đã cung cấp được nguồn giống lợn cho các gia trại, trang trại trong vùng với giá 1,2 triệu đồng/con (lợn đạt trọng lượng 7-10kg/con)”.
Đặc biệt, với quy mô 60 lợn nái như hiện nay, gia trại của Thiên đang hướng đến thị trường giống lợn siêu nạc, bởi các trang trại quanh vùng gò đồi Phong Điền mới chăn nuôi giống lợn lai, đang cần giống siêu nạc.
Nhiều trăn trở
Đi dọc vùng gò đồi Phong Điền, được tiếp xúc với nhiều thanh niên mạnh dạn thành lập trang trại, gia trại, mới thấy ước vọng của người trẻ có nhiều nhưng bị hạn chế, khó khăn về nguồn vốn, đất đai và kỹ thuật. Ngồi “hình dung” lại gần 3 năm mở gia trại của mình, Tiến cho rằng, khó khăn nguồn vốn là cái tất nhiên, nhưng điều làm anh trăn trở nhất vẫn là kỹ thuật. Tiến bảo: “Người trẻ giờ khát khao kỹ thuật chăn nuôi cũng như nguồn vốn vậy. Không có kỹ thuật, công nghệ hiện đại thì chăn nuôi xem như thất bại”. Còn với Thiên, tuy có “khởi điểm” thuận lợi hơn so với nhiều thanh niên trong vùng, nhưng đất đai để mở rộng gia trại là điều đang làm Thiên trăn trở hơn cả. “Hiện diện tích gia trại của mình quy mô khá khiếm tốn, muốn phát triển thành trang trại đòi hỏi phải mở rộng diện tích nên khó khăn về quỹ đất. Đó là chưa nói đến việc chăn nuôi lâu ngày sẽ gây ô nhiễm đất, nguy cơ dịch bệnh rất cao”, Thiên tỏ lòng.
“Toàn huyện Phong Điền có khoảng trên 150 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp với thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Trong đó, ở vùng gò đồi và cát nội đồng doanh thu từ 70-100 triệu đồng. Hiện vùng gò đồi Phong Điền có khoảng 10 gia trại quy mô vừa của những thanh niên có niềm đam mê làm nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho hay. |
Hà Nguyên
Bài 2: Đồng hành cùng thanh niên
Theo BaoThuaThienHue.vn