"Bị" sử dụng lãng phí, sai mục đích
Theo số liệu thống kê, hiện nay Quỹ đất chưa sử dụng còn khá lớn (3.164 nghìn ha) và việc khai thác quỹ đất này đưa vào sử dụng trong thời gian qua chưa đạt được chỉ tiêu mà Quốc hội duyệt (bình quân đạt 95,15%). Quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng như giao thông, bưu chính viễn thông, văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội…. (1.207 nghìn ha) hiện chưa được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả.
Việc sử dụng đất chưa tuân thủ triệt để theo quy hoạch dẫn đến một mặt giảm hiệu quả sử dụng đất mặt khác hạn chế khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài chính từ đất đai vào ngân sách nhà nước nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung (ví dụ: đất được quy hoạch làm trung tâm dịch vụ thương mại, ngân hàng, tài chính, văn phòng, nhà ở nhưng lại được sử dụng vào mục đích sản xuất…).
Việc giao đất không thu tiền sử dụng đất phục vụ hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp đã tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do không phải nộp tiền sử dụng đất (không gắn chi phí với hiệu quả) nên còn xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý quỹ đất được giao; việc sử dụng đất ở nhiều đơn vị còn lãng phí; tình trạng đất bị lấn, chiếm, chiếm dụng, cho thuê, cho mượn mặt bằng sai quy định còn phổ biến.
Mặc dù, quy định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải sát với giá thị trường với mục đích buộc những doanh nghiệp hiện đang nắm giữ nhiều đất phải cân nhắc, tính toán sử dụng có hiệu quả quỹ đất. Tuy nhiên, qua khảo sát thì chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay bình quân mới vào khoảng trên dưới 5% nên tình trạng “giữ đất”, để đất lãng phí ở Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như ở các KCN, KCX, KKT còn phổ biến.
|
Toàn cảnh buổi Hội thảo. |
"Trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước và cơ sở hoạt động chiếm khoảng 1,5 tỉ m2, tương đương 594.000 tỉ đồng và hơn 100.000m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Tính theo giá trị, số, nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước hiện chiếm tới 97,2% giá trị tài sản doanh nghiệp Nhà nước". Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.
Bên cạnh đó, trụ sở đại diện của các Bộ, cơ quan Trung ương tại TP. HCM đa số đều chiếm diện tích lớn ở các vị trí trung tâm thành phố, song chủ yếu chỉ làm chức năng Văn phòng đại diện, không tương xứng với nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới của các Bộ. Ngoài ra, một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh, dịch vụ sai mục đích được giao, thậm chí bỏ trống... dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước...
Sẽ có 4 - 5 tỉ USD/ năm từ nguồn đất đai
Theo dự thảo đề án này, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án thu ngân sách từ đất đai. Cụ thể:
Phương án 1, tổng số thu NSNN từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỉ đồng/năm.
Phương án 2, tổng số thu NSNN từ đất bình quân là 98.624 tỉ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản.
Theo Bộ Tài chính, với các con số trên thì theo phương án nào thì NSNN dự kiến sẽ có 4 - 5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ nguồn đất đai.
Các nguồn chính từ việc tăng thêm này bao gồm đất khu công nghiệp (tăng 128 ngàn héc ta), đất ở đô thị (68 ngàn héc ta) và một số loại đất phi nông nghiệp khác (210 ngàn héc ta) trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Bộ Tài chính cho rằng, nguồn lực tài chính khai thác từ đất đai tập trung vào NSNN trong cả giai đoạn 2011 - 2020 là rất lớn. Trên thực tế số thu này có thể còn cao hơn, vì giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo lộ trình mới đang dần tiếp cận giá thị trường, nhất là trong trường hợp chuyển mạnh sang đấu giá đất để giao đất và cho thuê đất.
|
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất đai. |
Theo tinh thần này, khung giá đất hiện tại dự kiến sẽ bị bãi bỏ. Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Bảng giá đất được xây dựng chi tiết hơn theo vị trí, vùng, mục đích sử dụng đất và điều chỉnh kịp thời khi thị trường có biến động lớn; làm căn cứ để xác định nghĩa vụ tài chính, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và các mục tiêu khác trong quản lý đất đai. Trong trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể.
Đồng thời, đổi mới phương pháp định giá đất để giá đất sát giá thị trường, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ yếu kiếm lời từ chênh lệch giá đất. Có cơ chế buộc người chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải khai báo trung thực giá đất chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, sẽ phân loại đất đai theo khả năng sinh lợi và yêu cầu quản lý đối với 3 loại đất cơ bản là: đất phục vụ công cộng; đất sản xuất kinh doanh (trong đó cần tách riêng 3 loại đất sản xuất kinh doanh là đất sản xuất kinh doanh nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh khác, đất thương mại dịch vụ); đất ở...
Theo www.taichinhdientu.vn